Thứ Tư, 04/12/2013, 09:22 (GMT+7)
.

Bình xét hộ nghèo không chỉ dựa trên thu nhập

Hỗ trợ hộ nghèo thoát nghèo một cách bền vững, hạn chế tình trạng thoát nghèo rồi lại tái nghèo là chủ trương thống nhất từ trung ương đến cơ sở. Tuy nhiên, vấn đề chỉ tiêu và thành tích của địa phương vẫn còn tác động không nhỏ đến việc  bình xét hộ nghèo, thoát nghèo.

GIẢM NGHÈO PHẢI THỰC CHẤT

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, không ít đại biểu Quốc hội băn khoăn về thực chất kết quả giảm nghèo của cả nước trong năm 2012. Đáng lo ngại là một số địa phương xuất hiện tình trạng phân bổ chỉ tiêu hộ nghèo, hộ thoát nghèo. Vì vậy kết quả giảm nghèo chưa phản ánh được thực trạng hộ nghèo trên địa bàn, dẫn đến một số hộ thoát nghèo nhưng nền tảng thoát nghèo chưa thật sự vững chắc nên không tiếp tục được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Tạo việc làm ổn định cho lao động là nền tảng giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững (Mô hình tổ hợp tác may gia công của Hội LHPN xã Mỹ Thành Bắc - Cai Lậy). Ảnh: HẠNH NGA
Tạo việc làm ổn định cho lao động là nền tảng giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững (Mô hình tổ hợp tác may gia công của Hội LHPN xã Mỹ Thành Bắc - Cai Lậy). Ảnh: Hạnh Nga

Chính vì lẽ đó, vào tháng 7 vừa qua, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Công văn 2578/ LĐTBXH-BTXH về việc chấn chỉnh công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm. Theo đó, mục tiêu giảm nghèo hàng năm đề ra nhằm mục đích để các cấp xây dựng kế hoạch và giải pháp tổ chức thực hiện các chính sách giảm nghèo. Các địa phương cần tổ chức phân loại hộ nghèo trên địa bàn, xây dựng giải pháp hỗ trợ cụ thể cho từng hộ trên cơ sở các chính sách giảm nghèo hiện hành và nhu cầu của hộ nghèo. Công văn này cũng nhấn mạnh: “Kết quả giảm nghèo sẽ chỉ được xác định thông qua việc tổ chức điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn hàng năm, chứ không căn cứ vào mục tiêu kế hoạch đề ra.

Để kết quả giảm nghèo trên địa bàn tỉnh phản ánh đúng thực chất, Sở LĐ-TB&XH cũng đã có công văn chỉ đạo hệ thống LĐ-TB&XH cấp huyện, xã về việc chấn chỉnh công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và đăng ký thoát nghèo; đồng thời tiến hành tập huấn kỹ cho cán bộ làm công tác giảm nghèo về chủ trương, phương pháp, thủ tục và quy trình điều tra rà soát hộ nghèo, công nhận hộ thoát nghèo.

Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu giảm nghèo tỉnh cũng vừa tổ chức 5 đoàn giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo năm 2013 trong toàn tỉnh. Các đoàn đã thực hiện giám sát 3 nội dung chính là: Công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chương trình giảm nghèo của địa phương; công tác điều tra rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo; kết quả thực hiện các chính sách, dự án giảm nghèo như: dạy nghề, cho vay vốn ưu đãi, hỗ trợ về y tế, giáo dục, nhà ở, điện, nước sinh hoạt… Kết quả giám sát sẽ là cơ sở để Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu giảm nghèo tỉnh có đánh giá chính xác, khách quan về công tác giảm nghèo của các địa phương và của tỉnh.

KẾT QUẢ THOÁT NGHÈO CHƯA KHẢ QUAN

Theo chân đoàn giám sát, chúng tôi có một vài ghi nhận: Hầu hết cấp ủy, chính quyền các địa phương đều có quyết tâm cao trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình giảm nghèo. Các chính sách giảm nghèo đã đến được với người nghèo và phát huy hiệu quả hỗ trợ giảm nghèo tích cực. Công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo được thực hiện nghiêm túc. Tuy nhiên, ở một số nơi vẫn còn tình trạng hộ nghèo được công nhận thoát nghèo nhưng nền tảng thoát nghèo chưa thật sự vững chắc. Chẳng hạn, hộ anh Võ Văn Vân ở ấp Mỹ Lợi, xã Phước Lập, huyện Tân Phước. Gia đình anh Vân có 3 nhân khẩu, không đất sản xuất, không có việc làm ổn định, nhà ở thì tạm bợ nên được nhân dân trong ấp bình xét là hộ nghèo. Anh Vân cho biết: “Do là hộ nghèo nên gia đình tôi được hỗ trợ rất nhiều từ Nhà nước và bà con chòm xóm như: Con tôi đi học được miễn học phí; cả nhà đều được cấp thể bảo hiểm y tế nên chi phí điều trị khi bệnh tật rất ít; gia đình còn được ấp xét cho miễn các khoản đóng góp công ích. Thêm vào đó, vợ chồng tôi còn được Hội LHPN xã bảo lãnh cho vay 15 triệu đồng vốn ưu đãi. Nhờ nguồn vốn này, vợ chồng tôi đã tận dụng mảnh đất nhỏ trước sân để ươm giống cây tràm và dầu gió bán, tranh thủ thời gian rảnh thì tôi đi làm thuê. Hiện tại, cộng các nguồn thu của gia đình tôi được khoảng 3 triệu đồng/tháng, chúng tôi không còn lo đói nữa, đời sống gia đình 2 năm nay đã ổn định hơn. Có điều, thu nhập trên chỉ đủ trang trải tiện tặn trong nhà nên chúng tôi chưa trả được hết nợ vay và chưa sửa sang được nhà cửa”.

Với mức thu nhập như vậy, gia đình anh Vân đã được ấp xét đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo. Điều này là hoàn toàn đúng khi dựa trên tiêu chí xét hộ nghèo về thu nhập. Tuy nhiên, khi không còn là hộ nghèo, gia đình anh Vân sẽ không còn được hưởng chính sách ưu đãi nữa, nợ vay không thể tiếp tục gia hạn và đương nhiên cũng bị đưa ra khỏi danh sách hộ cần hỗ trợ nhà ở theo Nghị định 167 của Chính phủ (giai đoạn 2). Trong điều kiện đó, sau khi thoát nghèo thì nguy cơ tái nghèo của gia đình anh Vân là rất cao.

Ông Hồ Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo tỉnh khẳng định: “Mặc dù không áp đặt chỉ tiêu giảm nghèo là chủ trương thống nhất chung của cả nước và tỉnh đã quán triệt đến tất cả các địa phương, nhưng qua giám sát, tôi ghi nhận vẫn còn một số địa phương bị áp lực về chỉ tiêu giảm nghèo, do đó chất lượng hộ thoát nghèo chưa thật sự vững chắc. Một số hộ nghèo dù thu nhập có vượt cao hơn tiêu chí, nhưng nợ nần lại còn quá lớn và điều kiện sống còn khó khăn. Chúng ta cần có cái nhìn toàn diện về hộ nghèo, từ điều kiện sức khỏe, học tập, vệ sinh môi trường cho tới điều kiện sinh hoạt… chứ không thể chỉ chăm chăm dựa trên tiêu chí thu nhập bình quân đầu người một cách đơn thuần”.

THỦY HÀ

.
.
.