Thứ Tư, 19/03/2014, 15:32 (GMT+7)
.

Tản mạn về hạnh phúc

Con đường đi tìm hạnh phúc không thể có sự tương đồng ở mỗi người, dù rằng có những yêu cầu cơ bản có thể giống nhau. Để hướng đến hạnh phúc gia đình, không thể không bắt đầu bằng chuyện nghĩ suy thật cặn kẽ: “Hạnh phúc với chúng ta là gì?”.

HẠNH PHÚC LÀ GÌ?

Chị Ba và anh Bảy ngồi tâm sự với nhau về ước mơ - hạnh phúc. Thử bắt chước các trò chơi trên truyền hình bàn về chuyện 2 người có hiểu nhau hay tương đồng cùng nhau, kết quả thật dễ thương. Trong nhiều sự khác nhau về những quan niệm này cho thấy khái niệm hạnh phúc lại lửng lơ. Trong khi anh thích nhất là đi du lịch thì chị thích nhất là được ngủ. Anh thích ăn uống ở các buổi tiệc vui cùng bạn bè, thì chị chỉ thích đi xem ca nhạc, tấu hài… Nhiều sự tréo ngoe về ý tưởng cho thấy nhiều cặp vợ chồng sống với nhau đôi lúc cũng chẳng vì hạnh phúc.

Chỉ số hạnh phúc (HPI) sử dụng dữ liệu toàn cầu về tuổi thọ triển vọng, hạnh phúc được trải nghiệm và Dấu chân sinh thái. Chỉ số HPI = (Hạnh phúc được trải nghiệm x Tuổi thọ trung bình)/Dấu chân sinh thái. Mỗi chỉ tiêu này được dựa trên một thước đo riêng biệt. Trong đó, chỉ tiêu Dấu chân sinh thái được tính toán dựa trên đo lường về việc tiêu thụ/khai thác tài nguyên. Chỉ số hạnh phúc này là chỉ số mà mỗi người đều quan tâm, dù rằng đó là chỉ số mang tính khái quát.

HPI được công bố 3 năm 1 lần và lần đầu tiên vào năm 2006. Việt Nam đã liên tục được thăng bậc, từ vị trí thứ 12 (năm 2006) lên vị trí thứ 5 (năm 2009) và vị trí thứ 2/151 vào năm 2012. Ngày Quốc tế Hạnh phúc được Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Ban Ki-moon chính thức công bố tại một hội nghị của Liên Hợp quốc về vấn đề này từ tháng 6-2012. Đến nay, đã có 193 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam cùng cam kết ủng hộ, hành động, tích cực và nỗ lực nhiều hơn để xây dựng một thế giới đại đồng, đem lại hạnh phúc cho nhân loại.

Hạnh phúc là những gì mong mỏi mà con người đạt được. Thực tế cho thấy, chính những mong mỏi của cá nhân mà bản thân mình nỗ lực cố gắng đạt được sẽ làm người ta cảm thấy hạnh phúc. Không thể so sánh để đánh giá với những giá trị ở mỗi người cũng như ở mỗi gia đình. Thói quen ấy có thể làm chính mình mệt mỏi trong hành trình đi tìm hạnh phúc. Hạn chế những thói quen “chưa tốt” là những điều rất cần thiết để đi tìm hạnh phúc cho chính mình và gia đình trong cuộc sống.

HẠNH PHÚC Ở ĐÂY

Hạnh phúc không thể tự dưng có. Để có được hạnh phúc, hãy bắt đầu từ những suy nghĩ tự thân. Để có được hạnh phúc, hãy thay đổi bằng những hành động: Hãy bắt đầu từ mục tiêu cá nhân. Nên chú ý đến việc thương yêu chính bản thân mình và biết tận hưởng những giá trị cuộc sống. Nên biết chấp nhận sự thật một cách thoải mái nhất có thể. Nên quan tâm đến những “chi tiết” nhỏ trong định hướng của cái chung, cái tổng thể.

Song song đó, hãy lắng nghe và có sự đồng cảm với người cùng chung sống và hãy cho một chút gia vị của tình yêu, của cuộc sống gia đình. Nên nỗ lực tự tạo ra những “chất keo” cần thiết từ nhiều phía. Biết kiên quyết từ bỏ những yếu tố làm cho chính mình đánh rơi hạnh phúc của mình cũng là những điều cần thực hiện nhằm hướng đến hạnh phúc cá nhân.

Hành trình đi tìm hạnh phúc còn nhiều điều cần suy ngẫm. Tuy nhiên, điều căn bản là mỗi cá nhân cần thay đổi theo hướng tích cực. Biết thương yêu, hướng về mình trong giới hạn đặt ra, quan tâm đến bản thân mình và thực hiện những hành vi tích cực để đem đến cho cá nhân những niềm vui thường nhật. Căn bản nhất, đó chính là việc thể hiện tình yêu giữa con người và con người song song với việc biết thương yêu chính mình.

Bản chất câu chuyện của hạnh phúc không thể là ích kỷ mà là tình cảm giữa người với người. Con người không có tình yêu, không yêu thương nhau cũng như một cây khô héo đang rời bỏ sự sống. Xã hội hiện đại của chúng ta đang phát triển rất nhanh, nhưng dường như đang bị tác động bởi rất nhiều yếu tố.

Báo chí hàng ngày thi thoảng vẫn nói đến những chuyện đau lòng như con cái bỏ rơi cha mẹ, bạn học giết hại nhau chỉ vì những lý do không đâu, đồng nghiệp cư xử không tốt với nhau vì ganh tỵ… Phải chăng, cụm từ “yêu thương và chia sẻ” đang dần xa lạ? Nói như vậy liệu có quá bi quan nếu như đề cập đến hạnh phúc? Căn bản nhất vẫn là biết cân bằng cuộc sống để cảm nhận hạnh phúc.

Đừng quên rằng, chính mình mới đem đến bản thân mình những niềm vui để hướng đến hạnh phúc. “Yêu thương và chia sẻ” là chủ đề của Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20-3 lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam năm nay.

Thông qua chủ đề này, Ngày Quốc tế Hạnh phúc muốn mang đến một thông điệp: Chúng ta hãy yêu thương và chia sẻ cùng nhau trong gia đình, dòng tộc, cộng đồng lớn hay nhỏ; giữa những người bạn, đồng chí... bằng những hành động thiết thực nhất. Những việc làm yêu thương, chia sẻ trong cộng đồng cũng sẽ mang lại hạnh phúc cho bản thân mỗi người, gia đình và toàn xã hội.

HẠNH PHÚC LÀ YÊU THƯƠNG

Chủ đề của Ngày Quốc tế Hạnh phúc năm 2014 là “Yêu thương và chia sẻ”. Chúng ta đều thấy rất rõ một điều: Nếu trong một gia đình, ông bà, cha mẹ yêu thương nhau, yêu thương con cái; bạn bè yêu mến nhau, chia sẻ với nhau khó khăn, hoạn nạn thì xã hội ta sẽ tràn ngập tình yêu thương và đó sẽ là động lực để thúc đẩy sự phát triển.

Hạnh phúc là những gì ta có được trong hành trình đi tìm hạnh phúc mà không phải là đích đến. Một  chút yêu thương, một chút đồng cảm với con người, một chút dung hòa cuộc sống, một chút hy sinh vì người khác, một chút hy sinh vì cộng đồng nếu mang đến hạnh phúc thì tại sao con người lại có thể chối từ.

PGS-TS. HUỲNH VĂN SƠN

.
.
.