Thứ Sáu, 27/06/2014, 12:50 (GMT+7)
.

Biển Gò Công đang mất dần rừng phòng hộ

Rừng phòng hộ ven biển Gò Công với diện tích trên 606,15 ha, có vai trò cực kỳ quan trọng, là tấm lá chắn vững chắc trong việc bảo vệ đê điều, làng mạc và sản xuất nông nghiệp phía trong đê, phòng chống thiên tai và bảo vệ môi trường cho huyện Gò Công Đông nói riêng và toàn vùng dự án ngọt hóa Gò Công nói chung.

a
Rừng phòng hộ đang mất dần.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây hiện trạng đai rừng phòng hộ ven  biển Gò Công bị xâm thực ngày càng nghiêm trọng, đe dọa đến an toàn tuyến đê biển.

Hiện nay ngoài những vị trí đã và đang triển khai thi công kè bảo vệ mái đê, rừng phòng hộ dọc theo tuyến đê biển Gò Công xuất hiện nhiều vị trí rừng không còn hoặc đai rừng mỏng gây ảnh hưởng đến an toàn tuyến đê biển.

Tại những vị trí đó đã được đầu tư kinh phí kè bảo vệ mái đê. Đến cuối năm 2013, tổng chiều dài kè bảo vệ mái đê 3.457m. Hiện nay đang tiếp tục đầu tư kinh phí kè bảo vệ mái đê với chiều dài 663m.

Theo ông Lê Đức Phong, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê điều và rừng phòng hộ tỉnh Tiền Giang (Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão) cho biết trên toàn tuyến bờ biển Gò Công đã xuất hiện thêm nhiều điểm xâm thực mạnh khiến rừng không còn hoặc còn nhưng có chiều dày đai rừng chỉ vài chục mét trở lại, không còn khả năng bảo vệ đê biển và sẽ nhanh chóng bị tàn phá, biến mất trong một thời gian ngắn nữa.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do gió chướng thổi mạnh thọc sâu vào đất liền dẫn đến xói mòn ngày càng nghiêm trọng, nhiều nơi không thể chống chọi, rừng phòng hộ đã dần bị biển “nuốt” trọn.

Xuất phát từ tình hình thực tế nêu trên cần có những giải pháp để đối phó với tình trạng biển “nuốt” dần rừng phòng hộ, nhanh chóng đầu tư làm kè bảo vệ mái đê, khôi phục rừng, làm hệ thống ghe bồi để tiến hành trồng rừng tiếp phía ngoài đê.

NHƯ LAM

.
.
.