Thứ Hai, 08/09/2014, 14:34 (GMT+7)
.

Một chương trình đậm tính nhân văn

Cách đây 3 năm, ngày 16-9-2011 Chính phủ ban hành Nghị định 80 về thực hiện các biện pháp tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù.

Để thực hiện nghiêm túc nghị định này, Công an tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng, triển khai kế hoạch tổ chức thực hiện; đồng thời chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương tổ chức thực hiện nghiêm túc.

Thăm và tặng nhà tình thương cho 1 người chấp hành xong án phạt tù.
Thăm và tặng nhà tình thương cho 1 người chấp hành xong án phạt tù.

Thực tế tình hình tại Tiền Giang, từ năm 2002 đến nay toàn tỉnh có hơn 4.500 lượt người chấp hành xong án phạt tù. Do làm tốt công tác tuyên truyền, nhận thức của người dân về việc giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù được nâng lên, nhiều địa phương, sở, ban, ngành, đoàn thể, gia đình đã xây dựng nhiều mô hình thiết thực, gần gũi động viên, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù đạt hiệu quả.

Bản thân những người đã từng có lỗi lầm cũng đã nêu cao ý chí, quyết tâm làm lại cuộc đời, với trên 92% trong tổng số người chấp hành xong án phạt tù, trở về địa phương có việc làm, ổn định cuộc sống.

Ở xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông, chính quyền xã đã xây dựng Chương trình đối thoại giữa lãnh đạo xã với người có tiền án, tiền sự; người có khả năng, điều kiện phạm tội; người có nguy cơ bị tội phạm dụ dỗ, lôi kéo phạm tội. Xã đã tổ chức được 2 cuộc gặp gỡ, với 104 lượt người tham dự để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và có biện pháp giúp đỡ cụ thể.

Ông Phạm Hồng Phúc, Phó Bí thư Đảng ủy xã Tân Điền cho biết, xã rất chú trọng công tác tuyên truyền. Không chỉ trong nội bộ cán bộ, đảng viên mà tuyên truyền rộng rãi ra dân, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mọi người trong việc giúp đỡ, chia sẻ cùng những hoàn cảnh trót phạm tội hòa nhập tốt với cộng đồng và sống có ích, phòng ngừa tái phạm tội.

Anh Nguyễn Hữu Tài chăm sóc đàn vịt chạy đồng.
Anh Nguyễn Hữu Tài chăm sóc đàn vịt chạy đồng.

Trên địa bàn xã Tân Điền hiện có 18 người chấp hành xong án phạt tù. Qua thực hiện mô hình này, có 1 người được hỗ trợ vốn chăn nuôi dê, 1 người được tặng nhà tình thương… Chương trình không chỉ thực hiện các biện pháp giúp đỡ về vật chất, mà chính từ sự quan tâm, động viên kịp thời của những người có trách nhiệm đã có tác động rất lớn trong việc thúc đẩy tinh thần tự lực vươn lên của những người đã chấp hành xong án phạt tù.

Trung tá Võ Minh Trí, Trưởng Công an xã, Phó Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm xã Tân Điền cho biết: Đối với những trường hợp không đối thoại được tại trụ sở UBND xã do họ bận công việc hoặc ngại bày tỏ nơi đông người, lãnh đạo xã chỉ đạo các thành viên Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm xã đến tận nhà hoặc nơi làm việc để thăm gặp, trao đổi, nắm bắt tâm tư tình cảm, nguyện vọng, động viên và giúp đỡ kịp thời.

Từ hiệu quả thực hiện Chương trình đối thoại, hầu hết những người chấp hành xong án phạt tù về sinh sống trên địa bàn xã Tân Điền đều vượt qua mặc cảm, có việc làm ổn định. Đơn cử như trường hợp của anh Nguyễn Hữu Tài, ngụ ấp Hộ.

Anh Tài phạm lỗi trong hoàn cảnh rất vô tình: Bạn bè rủ đi cào nghêu, nhưng hóa ra lại là đi cướp nghêu giống mà anh lại không hay. Lỗi lầm đó sẽ mãi là lời nhắc nhở anh phải cố gắng gấp nhiều lần người khác. Từ ngày trở về địa phương, anh luôn tự nhắc mình phải sống tốt, chăm chỉ trên đồng ruộng, nay vợ chồng anh đã sở hữu 1 căn nhà kiên cố khang trang và bầy vịt chạy đồng hơn 3.000 con…

Ngoài Chương trình đối thoại được duy trì tốt, Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm xã Tân Điền còn đề ra nhiều hoạt động khác như: Vận động người thân tự giám sát và phát hiện biểu hiện vi phạm của con em để giúp đỡ, ngăn chặn kịp thời; xây dựng Đề án hỗ trợ vốn sản xuất, chăn nuôi… Các hoạt động này đã góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự ở cơ sở.  

HẠ GIAO

.
.
.