Thứ Tư, 05/11/2014, 15:24 (GMT+7)
.

Gia đình cần hỗ trợ nhà trường trong việc giáo dục

Một số phụ huynh học sinh thường than phiền, thậm chí đổ trách nhiệm cho nhà trường khi con mình học kém, điểm thấp trong các kỳ thi hoặc phải ở lại lớp.

Chúng ta cần khách quan nhìn nhận rằng, khi đưa con đến trường, không có nghĩa là phụ huynh học sinh đã hết trách nhiệm và mặc nhiên giao phó hoàn toàn việc giáo dục cho thầy cô.

Từ lâu, ngành Giáo dục và Đào tạo luôn xác định sự tiến bộ, trưởng thành của học sinh về các mặt thể lực, trí lực và đạo đức không chỉ là sự giáo dục đơn thuần của nhà trường, mà còn là mối liên kết chặt chẽ giữa nhà trường - xã hội (bao gồm các cấp chính quyền, đoàn thể) và gia đình. Qua đó, có thể thấy rằng, việc các bậc cha mẹ hỗ trợ con cái học tập là rất cần thiết để đạt được kết quả tốt.

Ảnh minh họa. Ảnh: Như Lam
Sự tiến bộ của trẻ không đơn thuần chỉ là nhiệm vụ của nhà trường nữa. Ảnh: Như Lam

Quan tâm việc học của con cái ở nhà có nhiều thời gian và cách thể hiện. Ví dụ như chăm lo vật chất, dụng cụ học tập đầy đủ, nếu được thì phụ huynh nên chỉ bảo thêm cho con em hiểu, tất nhiên là không trái với phương pháp giáo dục hiện nay.

Góp ý hỗ trợ việc học tập cho con nên tập trung vào những điểm chính sau: Lập thời gian biểu, tạo thói quen trật tự trong sinh hoạt, bảo đảm môi trường học tập tốt, phòng ngừa các thói xấu ảnh hưởng đến tâm hồn và nếp sống con mình. Khuyến khích con đi học đúng giờ và chấp hành nghiêm các quy định của nhà trường. Cần sâu sát thời gian các buổi học nhóm, phụ đạo để có biện pháp ngăn ngừa việc bỏ học không lý do chính đáng của con mình.

Thường xuyên gặp gỡ thầy cô phụ trách môn học hoặc giáo viên chủ nhiệm để biết hạnh kiểm và việc học của con. Kịp thời trao đổi, bàn bạc, uốn nắn các khuyết điểm của con (nếu có). Tìm biện pháp bổ sung những yếu kém, tránh tình trạng mất căn bản kiến thức, điều này rất dễ gây tâm lý chán nản, hụt hẫng của con sau này.

Nhắc nhở con học bài, làm các bài tập ở nhà cho quen dần sự tự giác và sau đó có kiểm tra lại. Động viên, có lời khen chừng mực khi nhận thấy con em mình học hành cố gắng, tiến bộ. Với sổ liên lạc học tập, nên chú ý điểm trung bình hàng tháng, điểm thi kiểm tra để biết chính xác năng lực các môn được xếp loại của con.

Phụ huynh dù bận nhiều việc cũng nên hạn chế sự vắng mặt trong các buổi họp phụ huynh do nhà trường tổ chức, bởi đó là dịp tiếp xúc, trao đổi cởi mở và nghe thầy cô trực tiếp phản ảnh kịp thời các mặt mạnh, yếu của từng học sinh.

Thực hiện “xã hội hóa giáo dục”, việc quan trọng là các bậc phụ huynh cần tích cực hỗ trợ con học tập thật khách quan và đúng mục đích, góp phần giúp nhà trường, thầy cô làm tròn thiên chức, nhiệm vụ của mình là đào tạo cho xã hội những con người có nhân cách, thành đạt, hữu dụng trong tương lai.                

NGUYỄN KIM

.
.
.