Thứ Năm, 15/01/2015, 08:30 (GMT+7)
.

Cần tăng cường chấn chỉnh hoạt động karaoke lưu động

Ở nhiều vùng quê Tiền Giang bây giờ, chuyện văn nghệ giải trí thì karaoke đã lỗi thời rồi, bà con thay thế bằng nhạc sống (karaoke lưu động). Chung nhau góp tiền thuê một dàn nhạc về để hát với nhau đang là mốt mới ở quê.

Anh Phan Văn Phong ngụ xã Long Hưng, huyện Châu Thành cho biết, ở quê tôi bây giờ, tổ chức tiệc tùng mà thiếu nhạc sống thì uống rượu... nhạt miệng lắm, coi như cuộc vui chưa trọn vẹn. Đúng như lời anh nhận xét, dạo một vòng trong xã, đã thấy 4 dàn nhạc “chát, bùm… hát nữa đi em...” rộn ràng, khí thế.

Hát
Hát nhạc sống tại vùng quê. Ảnh: Như Lam

Theo nhiều người dân ở nông thôn, hát karaoke xưa rồi, vì mình phải chạy theo chữ, theo nhạc; còn hát nhạc sống thì nhạc đệm phải “chạy” theo mình, ai không thuộc lời thì đã có hàng đống bài hát in sẵn, thậm chí có thêm dịch vụ chạy chữ trên máy vi tính (laptop), tha hồ mà chọn bản nhạc; lại còn có người dẫn chương trình, giới thiệu “sau đây ca sĩ... đến từ…”, hát tưng bừng, nhiều khi thâu đêm suốt sáng.

Theo một chủ dàn nhạc cho thuê ở TP. Mỹ Tho, ai có nhu cầu hò hát nhạc sống thì chỉ cần bấm số điện thoại là sẵn sàng có ngay một xe máy, kéo phía sau cái rơ moóc chất đầy nhạc cụ. Tùy vào sự hiện đại, phong phú của nhạc cụ mà giá cả xê xích, như nhạc cụ chỉ mỗi cây Organ phục vụ cho tiệc nhậu thì giá khoảng 100.000 đồng/giờ, nếu khách hàng yêu cầu có đầy đủ bộ nhạc cụ (Organ, guitar, trống, người dẫn chương trình...) thì giá 200.000 - 300.000 đồng/giờ.

Giá thuê dàn nhạc ở các vùng nông thôn ở mức 500.000 - 1.200.000 đồng/suất 4 giờ (tùy theo yêu cầu nhạc cụ và địa điểm chơi xa hay gần) là không quá cao, nên việc tổ chức hát nhạc sống đang được ưa chuộng.

Theo nhiều người dân ở vùng nông thôn, bây giờ hầu như nhà nào có tổ chức đám tiệc là nghĩ tới việc rước dàn nhạc sống về phục vụ; thậm chí vào các ngày thứ bảy, chủ nhật có gia đình cũng rước dàn nhạc sống về chơi cho vui.

Thực tế cho thấy, muốn hứng hát hò thì phải “tráng giọng” trước vài ly đế. Thế nên, nhạc sống luôn đi liền với những cuộc nhậu, nhiều khi suốt đêm. Hệ lụy là, hễ có đám hát nhạc sống là cả một khu dân cư mất ngủ, người già nằm không yên, trẻ con học bài không vô. Đôi lúc, có cuộc nhậu, ca hát đến khi quá chén tranh nhau thể hiện tài “ca sĩ”, dẫn đến cự cãi rồi đánh nhau loạn xạ…

Trước sự thái quá giờ giấc và mở âm thanh quá lớn từ các ban, nhóm hát nhạc sống, chính quyền sở tại cần tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở bà con tuân thủ hoạt động theo đúng quy định, không làm ảnh hưởng trật tự công cộng, gây ồn ào làm mất giấc ngủ bà con trong khu dân cư…

Về vấn đề này, nhiều người cho biết, ngành chức năng chưa ban hành các quy định về loại nhạc sống này nên nhiều người không chấp hành và cơ quan chức năng không có cơ sở pháp lý để xử phạt.

Tại hội nghị tổng kết hoạt động năm 2014 của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhiều đại biểu đã cho ý kiến về tình trạng này. Theo ông Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Sở, việc gia đình tổ chức đám tiệc rước dàn nhạc về phục vụ có giờ giấc và không gây ồn ào thì không có gì để phê phán, nhưng hiện nay nhiều nơi hát hò bất kể giờ giấc, lại mở âm thanh quá lớn… ảnh hưởng đến sinh hoạt của bà con chòm xóm là không nên.

Hiện nay luật chỉ quy định mức xử phạt đối với những đơn vị kinh doanh karaoke mà chưa có quy định đối với loại hình karaoke lưu động, hát rong bán kẹo kéo nên chưa có cơ sở xử phạt. Trong thời gian chờ hướng dẫn của cấp trên, Sở VH-TT&DL đang tham mưu UBND tỉnh và các cơ quan liên quan sẽ ban hành chế tài xử phạt những người hoạt động trong lĩnh vực này nếu không đăng ký kinh doanh mà hoạt động có thu tiền, gây mất trật tự công cộng, mở âm thanh quá lớn ảnh hưởng đến đời sống người dân trong khu vực.

Tin rằng, với sự vào cuộc của ngành chức năng, trong thời gian tới tình trạng trên sẽ được cải thiện.

HOÀI THU

.
.
.