Thứ Sáu, 08/05/2015, 13:51 (GMT+7)
.

Cụm từ "Ánh sáng quang" có hợp lý chưa?

Giờ Giáo dục công dân lớp 8, các em được học bài “Phòng, chống các tệ nạn xã hội”. Trong phần thảo luận về các biện pháp và liên hệ thực tế ở địa phương, có một học sinh hỏi tôi: “Thưa thầy, nhiều báo, đài đưa tin ở tỉnh Tiền Giang có phong trào “Ánh sáng quang phòng, chống tội phạm” rất có hiệu quả, vậy phong trào này như thế nào và “ánh sáng quang” là ánh sáng gì vậy thầy?”.

Đường nông thôn sáng rực ánh đèn (ảnh minh họa).
Đường nông thôn sáng rực ánh đèn (ảnh minh họa).

Câu hỏi bất ngờ của học sinh làm tôi hơi lúng túng, nhưng thật ra tôi đã được biết đến cụm từ “ánh sáng quang” khá lâu nhờ đọc trên một số báo giấy, báo mạng và theo dõi trên đài phát thanh - truyền hình của nhiều tỉnh, thành, thậm chí cả trên Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV).

Thú thật, tôi không tự giải thích được vì sao lại gọi là “ánh sáng quang”? Với vốn từ Hán - Việt ít ỏi, nhưng tôi cũng đủ biết “quang” cũng chính là “ánh sáng”. Đã “ánh sáng” sao lại còn “quang”? Ở đây là “ánh sáng quang”, vậy còn trong trường hợp nào thì “ánh sáng” mà không “quang”?

Có một số thuật ngữ khoa học mà trong đó có đủ cả “ánh sáng” và “quang” nhưng được kết hợp rất hợp lý, theo đúng quy tắc cấu tạo từ tiếng Việt và đương nhiên là rõ nghĩa. Ví dụ như “ánh sáng quang phổ”, “ánh sáng quang hợp”, “ánh sáng quang học” hay “ánh sáng lân quang”, “ánh sáng huỳnh quang”... Tìm trong từ điển tiếng Việt cũng không thấy ở đâu có cụm từ “ánh sáng quang”.

Tuy nhiên, được biết đây chính là  một mô hình có từ khá lâu ở địa bàn nông thôn cả nước. Ở các thôn, ấp, bản, làng… tự thân cộng đồng dân cư hoặc vận động các nhà tài trợ là những người có gốc gác tại chỗ, đang ở xa nhưng làm ăn thành đạt cùng đóng góp tiền của, công sức thực hiện toàn bộ hệ thống gồm trụ, dây, bóng đèn và cả tiền mua điện thắp sáng dọc theo các đường làng ngõ xóm. Cách làm này cùng lúc đem lại nhiều lợi ích xã hội, trong đó có việc phòng, chống tội phạm.

Kiểm chứng từ các nguồn thông tin thì cả nước ta, từ Tây Bắc, Tây Nguyên đến Tây Nam bộ và các vùng, miền khác, ở đâu cũng có mô hình này và được gọi bằng những cái tên rất dễ hiểu như phong trào “ánh sáng đường thôn”, “ánh sáng thôn bản”, “ánh sáng an ninh”, “ánh sáng phòng, chống tội phạm”… Đoàn Thanh niên thì có chương trình “Thắp sáng đường quê” rất hay…

Sinh thời, Bác Hồ rất quan tâm và luôn nêu gương trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Trong trường hợp phải dùng tiếng nước ngoài thì phải có chọn lọc, nhất là từ Hán - Việt. Từ nào phải dùng thì ta dùng, từ nào có thể thay thế được thì ta thay thế. Đặc biệt là khi nói hay viết cho nhân dân lao động nghe và đọc thì càng phải hết sức giản dị, trong sáng, dễ hiểu.

Tiếng Việt rất giàu và đẹp, nhưng cái giàu và đẹp ấy chỉ được bộc lộ và tỏa sáng khi nó được vận hành trong những quy tắc nhất định. Sự tùy tiện, cẩu thả hay lạm dụng, sính chữ đều không hay. Vì lẽ đó, đề nghị các cơ quan chức năng cần xem xét cụm từ “ánh sáng quang” có hợp lý chưa, nếu chưa thì nên thay bằng cụm từ khác cho rõ nghĩa hơn.

LÊ MINH HOÀNG

.
.
.