Thứ Tư, 15/07/2015, 10:52 (GMT+7)
.

Cái lô-gô và nỗi niềm của phụ huynh

Hơn 1.000 học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 của Trường THPT Long Bình sẽ được chuyển về học tại Trường THCS Long Bình (cùng nằm trên địa bàn xã Long Bình, huyện Gò Công Tây) đang được nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công để kịp đưa vào sử dụng ngay từ đầu năm học mới 2015 - 2016.

Bên cạnh niềm vui khi con em được học ở ngôi trường mới, hiện đại và đẹp nhất huyện thì câu chuyện đồng phục có in lô-gô cho năm học mới là một đề tài bàn luận trong nỗi âu lo của nhiều phụ huynh học sinh, nhất là những gia đình còn nhiều khó khăn.

Logo trường in chết trên áo gây phiền phụ huynh học sinh.
Logo trường in chết trên áo gây phiền phụ huynh học sinh.

Thật ra, lâu nay Trường THPT Long Bình vẫn thực hiện đồng phục truyền thống với quy định cụ thể như sau: Học chính khóa thì bắt buộc nam áo sơ mi trắng, quần tây xanh hoặc đen (áo bỏ vào quần); nữ từ lớp 6 đến lớp 8 cũng áo sơ mi trắng, quần tây xanh hoặc đen, từ lớp 9 - 12 thì mặc áo dài. Học thêm thì cả nam và nữ ở mọi cấp lớp đều được mặc áo sơ mi trắng, quần tây xanh hoặc đen. Học thể dục và quốc phòng thì đều phải mặc đồng phục thể dục.

So với nhiều trường khác thì như vậy là rất đơn giản và cũng không tốn kém gì nhiều, được phụ huynh học sinh rất đồng tình. Nhưng vấn đề ở chỗ là từ 4 - 5 năm nay, theo phong trào chung, nhà trường đã thực hiện việc thay phù hiệu bằng lô-gô và in chết lô-gô có cả tên học sinh vào tất cả các loại áo (áo sơ mi, áo dài, áo thể dục).

Cách làm này đã gây khá nhiều phiền phức và lãng phí cho gia đình các em. Cứ theo phong trào này thì nay mai đương nhiên trường mới cũng lại sẽ có lô-gô mới, tức sẽ có hơn 700 học sinh từ lớp 7 đến lớp 9 bắt buộc phải bỏ tất cả những chiếc áo mới may hoặc mua trong năm học 2014 - 2015 dù cho những chiếc áo đó vẫn còn mới, còn chắc, còn mặc vừa.

Nếu tính mỗi học sinh bỏ đi 1 chiếc áo sơ mi và 1 áo thể dục (thực tế nhiều em có đến vài ba chiếc, đặc biệt là áo dài), giá trung bình mỗi chiếc áo sơ mi là 100.000 đồng, mỗi chiếc áo thun thể dục là 40.000 đồng, áo dài giá cao hơn nhiều thì đã lãng phí hơn trăm triệu đồng.

Đáng nói là những chiếc áo đã chật nhưng còn tốt cũng không thể cho người khác mặc để đi học. Trong khi đó, còn khá nhiều học sinh có hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn, nhất là những em thuộc diện hộ cận nghèo hoặc nghèo.

Để bớt phiền toái và tiết kiệm cho gia đình học sinh; đồng thời để nhà trường thuận tiện trong việc quản lý, các bậc phụ huynh có con em sắp chuyển về học ở Trường THCS Long Bình đề nghị: Tốt nhất nhà trường nên cho học sinh đeo phù hiệu theo truyền thống, giản đơn, tiết kiệm và có ý nghĩa nhân văn mà hiện nay nhiều trường vẫn còn thực hiện.

Nếu nhất định buộc học sinh phải mặc áo đồng phục có lô-gô thì nên thiết kế sao cho có ý nghĩa, thể hiện được đặc trưng của trường (lô-gô nên được in từng chiếc trên vải rời, phần họ tên để trống để học sinh sẽ tự mình hoặc nhờ người thân thêu, sau đó may vào vị trí trên áo do nhà trường quy định, khi cần thiết có thể chủ động tháo ra, may vào).

Mặt khác, để thực hành tiết kiệm và chống lãng phí, năm học 2015 - 2016 nhà trường nên cho phép học sinh may lô-gô trường mới chồng lên trên lô-gô mà trường cũ đã in để được sử dụng tiếp những chiếc áo còn tốt, mặc vừa.

Về trang phục bằng chất liệu thun để học môn thể dục thì nhà trường nên cân nhắc kỹ trong việc lựa chọn nhà cung cấp để học sinh có được những bộ trang phục bảo đảm cả về chất lượng vải, kỹ thuật và cả mỹ thuật, đừng vì sự quen biết mà phụ huynh học sinh phải bỏ tiền ra mua những bộ trang phục thể dục vừa kém về chất lượng vải, không đạt yêu cầu về kỹ thuật và tính thẩm mỹ kém như những bộ học sinh đang mặc.

Rất mong Ban Giám hiệu Trường THCS Long Bình lắng nghe những ý kiến đóng góp của phụ huynh học sinh để niềm vui năm học mới ở ngôi trường mới của học sinh được trọn vẹn.

TRUNG NGÔN
 

.
.
.