Thứ Tư, 16/12/2015, 12:49 (GMT+7)
.

Những con chữ ăn năn từ phía sau song sắt, những tấm lòng bao dung

Buổi sáng, trong cái lạnh chớm đông, Ban Giám thị Trại giam Phước Hòa tổ chức Hội nghị sơ kết phong trào phạm nhân viết thư “Gởi lời xin lỗi”. Chúng tôi có cảm nhận đây không phải là hội nghị, mà là một buổi gặp gỡ, kết nối tình người giữa tấm lòng bao dung, rộng lượng trước sự ăn năn, hối cải của người bị hại và người gây ra tội lỗi.

Đại tá Trần Văn Dung, Giám thị Trại giam Phước Hòa trao Giấy khen cho 15 phạm nhân đã cải tạo tốt.
Đại tá Trần Văn Dung, Giám thị Trại giam Phước Hòa trao Giấy khen cho 15 phạm nhân đã cải tạo tốt.

NỖI NIỀM CỦA NHỮNG NGƯỜI MANG ÁN

Trong bức thư xin lỗi gia đình chị Hoàng Thị Sang (xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) của phạm nhân  Bùi Văn Vũ (sinh năm 1977, can tội đánh bạc, lừa đảo, bị mức án 18 năm 9 tháng tù) có đoạn:

“Đã bao lần định viết thư xin lỗi chị, nhưng vì xấu hổ nên em cứ lần lựa hoài. Nhờ sự động viên của cán bộ trại giam, em viết thư này gởi lời xin lỗi chị, cho dù có muộn màng… Những lỗi lầm của em không chỉ mang hậu quả cho riêng em, mà còn là tai họa cho chị, gia đình chị và nhiều người khác…”.

Tuy ở trại giam nhưng Vũ luôn thăm hỏi và biết được những biến cố xảy ra cho gia đình chị Sang phần lớn do Vũ gây ra. Trong những đêm dài trăn trở, Vũ vô cùng hối hận, anh đã làm tan nát một gia đình: Vợ chồng chị Sang bất hòa, kinh tế suy sụp (do bị Vũ lừa đảo), từ đó đứa con của anh chị Sang bất mãn bỏ nhà đi và sa vào ma túy.

Trong thư của Vũ có đoạn: “… Có thể nhiều người không tin có một tòa án lương tâm của một kẻ lừa đảo như em, nhưng em tin vào chính bản thân mình với niềm hối hận luôn hiện hữu trong lòng suốt bao năm qua… Em mong mọi người hãy tha thứ cho em!”.

Sinh hoạt giao lưu giữa ông Võ Chí Thanh (gia đình bị hại) và phạm nhân Lương Tiến Pháp.
Sinh hoạt giao lưu giữa ông Võ Chí Thanh (gia đình bị hại) và phạm nhân Lương Tiến Pháp.

Còn đây lời sám hối của đứa con tội lỗi Hoàng Tuấn Đức gửi cho ba mẹ: “… Bây giờ là tháng 6, mưa bắt đầu rơi. Nhìn những giọt mưa nặng trĩu ngoài song sắt mà lòng con cảm thấy cô đơn, lạnh lẽo biết bao!

….Giờ đây, cứ mỗi tháng, nhìn thấy ba mẹ chắt chiu, xách từng giỏ quà lên thăm con, ba mẹ không trách mắng mà còn an ủi, động viên con ráng cải tạo thật tốt để sớm quay về với gia đình và xã hội, làm lại một con người mới…

Nhiều lần con muốn nói: “Con xin lỗi ba mẹ nhiều lắm!”, nhưng là một thanh niên con không thể nói được bằng lời… Giờ đây con mang trong người căn bệnh thế kỷ… Rồi một ngày gia đình sẽ khóc con một lần nữa… Nếu được 1 điều ước, con ước rằng được làm con ba mẹ một lần nữa để đền đáp công ơn ba mẹ…”.

Tôi nghĩ rằng, ông bà Phạm Thị Như (ngụ phường 2, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) - ba mẹ của phạm nhân Hoàng Tuấn Đức (sinh năm 1985, đang thụ án ở phân trại số 1) sẽ khóc rất nhiều khi đọc những dòng chữ của đứa con lầm lỗi gởi về.

3 mùa mưa, Đức dằn vặt lòng qua song cửa sắt để tự trách mình với những lỗi lầm đã gây ra. Nhiều lần đối diện với song thân, nhìn tóc mẹ bạc thêm, vết chân chim hằn lên đuôi mắt cha vì lo lắng cho mình, Đức muốn quỳ xuống xin lỗi ba mẹ, mong ba mẹ tha thứ, nhưng anh không làm được, anh chỉ biết khóc thầm.

Mãi đến khi Ban Giám thị trại giam phát động cho phạm nhân viết thư “Gởi lời xin lỗi”, Đức trăn trở, nước mắt cứ chảy tràn theo từng con chữ và cảm thấy nhẹ lòng đôi chút khi được trải lòng mình trên trang giấy bằng những lời chân thật tận đáy lòng.

Phạm nhân Bùi Văn Vũ đọc thư “Gởi lời xin lỗi” của mình với người bị hại  là chị Võ Thị Sang.
Phạm nhân Bùi Văn Vũ đọc thư “Gởi lời xin lỗi” của mình với người bị hại là chị Võ Thị Sang.

Viết thư xin lỗi ba mẹ, phạm nhân Võ Trần Ninh (mức án 20 năm tù) đã cởi mở lòng mình: “7 tháng nữa thôi con sẽ được sum họp với ba mẹ, chỉ cần nghĩ đến giây phút đó thôi là lòng con rộn lên niềm hạnh phúc. Nhưng để tới ngày đó, niềm vui được trọn vẹn, con cảm thấy mình còn nợ ba mẹ kính yêu một lời xin lỗi và hôm nay con viết lá thư này…”.

Những đêm dài đối diện chính mình, đứa con lầm lỗi này đã cảm thấy nuối tiếc về tuổi thơ nghèo mà hạnh phúc trong tình thương của ba mẹ đã đổ bao giọt mồ hôi lao động nhọc nhằn cho Ninh ăn học. Ninh là đứa con học giỏi, thông minh nhất trong 3 anh em, nên đi đâu ba mẹ cũng dắt theo. Thế nhưng, khi gia đình khá giả thì cũng là lúc Ninh trượt dài trong “thế trận đỏ đen” và trở thành “game thủ”, rồi đánh mất mình. Đằng sau lỗi lầm của mình là hình ảnh ba mẹ Ninh tảo tần để trả nợ cho con, để gom góp từng đồng đến thăm con.

Ninh chia sẻ: Tim Ninh như vỡ vụn nhói đau, nước mắt ràn rụa khi nhận giỏ quà của ba mẹ. Lén nhìn lưng mẹ oằn xuống, ra về, Ninh tự nguyền rủa mình và đã một lần Ninh tìm đến cái chết, mong đền tội và không muốn làm khổ mẹ ba nữa, nhưng anh em chung phòng kịp phát hiện và đã động viên, giúp Ninh hiểu được: Chết là hèn, là tự trốn tránh trách nhiệm, không dám đối mặt với hiện tại và bất hiếu. Từ đó Ninh cố gắng rèn luyện trong lao động và học tập.

Cuối thư, lời lẽ của anh lạc quan hơn: “…Mỗi lần con được giảm án là mỗi lần con được nhìn thấy nụ cười hạnh phúc từ ba mẹ. Con cảm ơn ba mẹ đã đồng hành với con trong suốt mười mấy năm qua. Sự ăn năn, hối hận của con thể hiện qua hành động lao động và học tập của mình…. Con sớm được quay về là cũng nhờ lòng khoan dung của ba mẹ…”.

Gần 3 ngàn lá thư “Gởi lời xin lỗi” là ngần ấy nỗi niềm riêng tư nhưng cùng chung nỗi lòng ray rứt, ăn năn của những người ngồi sau song sắt.

TÌNH NGƯỜI BAO DUNG

Hình ảnh phạm nhân Lương Tiến Pháp (28 tuổi) dìu ông Võ Chí Thanh, là chồng của nạn nhân Nguyễn Thị Trang lên sân khấu để giao lưu và Pháp lại dìu ông trở lại chỗ ngồi như 2 cha con đã gây xúc động những người có mặt hôm đó bởi tấm lòng vị tha của ông Thanh.

Cách đây hơn 7 năm, Pháp chưa tròn 21 tuổi, đã giựt túi xách của bà Trang làm bà té xe, bị thương tật nặng. Lúc xảy ra vụ án, con trai ông Chí Thanh đòi trả thù, nhưng ông Thanh can ngăn và khuyên con mình rằng: “Hãy lấy nhân trả oán”.

Với phương châm sống này, khi nhận được thư xin lỗi của Pháp, rồi đến giây phút tiếp cận với người đã gây ra thương tật cho vợ mình, tấm lòng và những lời độ lượng của ông Thanh làm Pháp trào nước mắt, không nói nên lời, mặc dù trong thư Pháp đã viết: “…

Mong dì Trang tha thứ cho con. Dù con có xin lỗi dì một ngàn lần cũng không làm lành thương tật dì mà con đã gây ra…”. Thế nhưng, ông Thanh đã bảo rằng: “…Cháu đã ăn năn, thay mặt vợ, tôi tha thứ lỗi lầm mà cháu đã gây ra. Mong cháu sớm trở về với gia đình và trở thành người công dân có ích cho xã hội”.

Còn đây, tấm lòng của người phụ nữ góa bụa phải một mình nuôi 2 con nhỏ do hậu quả của người hàng xóm gây ra là Nguyễn Văn Phong, trong lúc say rượu đã giết chết chồng chị. Những tưởng mối hận trong lòng sẽ không nguôi, nhưng khi đọc thư xin lỗi của Phong, chị Trần Thị Nhạn Linh (xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông) đã tha thứ lỗi cho Phong:

“Thực sự, hiện tại tôi vẫn còn rất giận Phong, vì hành động ngông cuồng của Phong đã làm con tôi mất đi người cha, gia đình tôi sống trong đau khổ, nhưng khi đọc thư Phong gởi về khiến lòng tôi đắn đo suy nghĩ. Phải chi Phong biết kiềm chế… Việc đã lỡ, Phong đã bị pháp luật trừng phạt. Giờ tôi chỉ mong Phong cải tạo tốt, thật tâm hối cãi để sau này trở về cố gắng làm người lương thiện, chí thú làm ăn…”.

Và một lá thư từ đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) vượt biển xa xôi, đã chở nặng tấm lòng hỉ xả của anh Phạm Văn On tới Phạm nhân Trịnh Bá Cường: “…Mất mát của gia đình tôi không gì bù đắp được, nhưng anh đã bị sự trừng phạt của pháp luật và đã cải tạo. Tôi mong anh cải tạo tốt để được ân xá…”.


Mặt đối mặt với người đã cướp đi mạng sống con mình là phạm nhân Nguyễn Văn Bé Tư (sinh năm 1967), thế mà anh Mai Ngọc Thanh vẫn ôn tồn: “Biết hối hận thì anh mong em cải tạo tốt để sớm trở về với gia đình, cùng gia đình khắc phục hậu quả mà mình đã gây nên…”.

Một lời thành tâm xin lỗi của người sai đường đã khơi gợi tính nhân văn vốn có trong tấm lòng người Việt và lời nói tha thứ cho người lỡ lầm là sức mạnh để phạm nhân có niềm tin hướng thiện, an lòng khi về hòa nhập cộng đồng vì được xóa bỏ hận thù. Mong rằng, phong trào viết thư “Gởi lời xin lỗi” tiếp tục được duy trì.

NGỌC LỆ

.
.
.