Thứ Hai, 28/12/2015, 15:51 (GMT+7)
.

Tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia và điều cảnh báo

Theo đánh giá của Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh, rượu, bia là một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra trên địa bàn tỉnh. Mặc dù Luật Giao thông đường bộ đã quy định mức xử phạt nghiêm khắc đối với người tham gia điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ bia, rượu quá mức cho phép nhưng các vi phạm trật tự ATGT liên quan đến rượu, bia vẫn gia tăng.

Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển xe gắn máy
Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển xe gắn máy

Qua số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ - đường sắt, Công an tỉnh, từ đầu năm đến nay, số vụ TNGT liên quan đến rượu, bia xảy ra 6 vụ, chết 5 người, bị thương 3 người, hỏng 9 xe, thiệt hại tài sản khoảng 42 triệu đồng.

Địa bàn xảy ra tai nạn ở các địa phương: Huyện Tân Phước (xảy ra 1 vụ, chết 1 người, hỏng 2 xe), TX. Gò Công (xảy ra 2 vụ, chết 2 người, bị thương 1 người, hỏng 5 xe), huyện Gò Công Đông (xảy ra 1 vụ, chết 1 người), huyện Gò Công Tây (xảy ra  2 vụ, chết 1 người, bị thương 3 người, hỏng 2 xe).

Theo phân tích của Phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ - đường sắt, nguyên nhân gây ra TNGT do người điều khiển mô tô đã uống rượu, bia say, không làm chủ được tay lái và bản thân khi tham gia giao thông.

Theo Trung tá Lê Văn Thẹo (Phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ - đường sắt, Công an tỉnh): Hầu hết các trường hợp TNGT và va quẹt giao thông xảy ra mà lực lượng CSGT đến hiện trường lập biên bản sự việc thì người gây ra TNGT hoặc là nạn nhân đều có liên quan đến rượu bia.

Có những vụ TNGT, người gây ra tai nạn say rượu đến nỗi không đứng nổi để thổi vào máy đo nồng độ cồn trong máu. Một số đối tượng còn quá khích cự cãi, chống đối với cán bộ, chiến sĩ CSGT làm nhiệm vụ, thậm chí kể cả y, bác sĩ khi được đưa vào bệnh viện cấp cứu… Vì vậy, việc tăng cường tuần tra, phát hiện và xử phạt nghiêm đối với các hành vi say rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông là hết sức cần thiết, nhằm hạn chế TNGT do bia, rượu gây ra.

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-7-2009, quy định: “Nghiêm cấm người điều khiển ôtô, xe máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”, “người điều khiển môtô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1lít khí thở” sẽ bị phạt.

Đây là mức thấp hơn so với quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2001 và là mức mà 35 nước trên thế giới hiện đang áp dụng. Còn theo Nghị định 171/2013/CP của Chính phủ, quy định cụ thể như sau: Phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng đối với hành vi:

Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở; đồng thời bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1 tháng, bị tạm giữ phương tiện 7 ngày.

Phạt tiền từ 2.000.000 - 3.000.000 đồng với hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Ngoài việc phạt tiền, người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2 tháng, bị tạm giữ phương tiện 7 ngày.

Đối với ôtô, phạt tiền từ 7.000.000 - 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở; đồng thời bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2 tháng, bị tạm giữ phương tiện 7 ngày…

Kết quả phân tích qua các thực nghiệm khoa học cho thấy, chỉ cần nồng độ cồn trong máu đạt 50mg/100ml, người điều khiển phương tiện giao thông đã không còn khả năng điều khiển chính xác một số động tác khi tham gia giao thông.

Khi nồng độ cồn trong máu bắt đầu vượt ngưỡng từ 50mg/100ml trở lên, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông bắt đầu xuất hiện do hệ thần kinh bị suy giảm khả năng điều phối chính xác.

Nồng độ cồn trong máu dao động từ 50 - 79mg/100ml máu, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông thậm chí còn cao hơn người không uống rượu bia từ 7 - 21 lần.

Và nếu từ 80mg/100ml máu trở lên thì nồng độ cồn này đủ khả năng gây cho người điều khiển phương tiện giao thông mất tầm kiểm soát và có thể gây ra những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Theo khảo sát của Tổ chức Y tế thế giới (WTO) với hơn 18.000 nạn nhân nhập viện do TNGT tại Việt Nam cho thấy, 36% số người lái xe máy có nồng độ cồn trong máu vượt ngưỡng cho phép, 66,8% số lái xe ôtô vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện và 11% số người tử vong do tai nạn là có liên quan đến rượu bia.

Đại tá Trần Hoài Bảo, Trưởng Phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ - đường sắt, Công an tỉnh, trao đổi: Qua thống kê số vụ TNGT xảy ra trên địa bàn tỉnh, hiện tượng TNGT nghiêm trọng (dẫn đến chết người) xảy ra ở các đường tỉnh lộ, huyện lộ mà nguyên nhân phần lớn do người điều khiển uống rượu, bia rồi điều khiển phương tiện phóng nhanh, vượt ẩu là đáng báo động.

Để hạn chế tình trạng này, lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ mở các đợt cao điểm tuần tra kiểm soát tập trung theo chuyên đề kiểm tra, xử lý lái xe sau khi uống rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông; chú trọng thời điểm vào các buổi tối, ngày nghỉ, lễ, tết. Khi kiểm tra, phát hiện lái xe có độ cồn vượt quá quy định thì cương quyết đình chỉ phương tiện không cho lưu thông, lập biên bản vi phạm, tạm giữ phương tiện và xử phạt. 

Về giải pháp hạn chế tình trạng uống rượu bia quá mức cho phép điều khiển phương tiện tham gia giao thông, ông Nguyễn Văn Nên, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết: Ban ATGT đã tham mưu UBND tỉnh giải pháp tăng cường sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể để tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư về vấn đề này, trong đó Ủy ban MTTQ sẽ là nòng cốt trong việc tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ; đặc biệt chú trọng đến hậu quả của việc điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi uống rượu, bia say cùng mức xử phạt nghiêm khắc theo Nghị định 171/2013/NĐ-CP.

P.LONG

.
.
.