Thứ Sáu, 29/07/2016, 14:19 (GMT+7)
.

Bao giờ kinh Tân Hiệp hết ô nhiễm?

Đó là câu hỏi của người dân sống chung quanh khu vực gần kinh Tân Hiệp thuộc ấp Cửu Hòa, xã Thân Cửu Nghĩa, ấp Cá, thị trấn Tân Hiệp (huyện Châu Thành) và ấp Hòa Ninh, xã Hòa Tịnh (huyện Chợ Gạo).

Kinh Tân Hiệp (trước đây gọi là rạch Trấn Định) bắt đầu từ sông Bảo Định (xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo) chạy ngang qua xã Hòa Tịnh (huyện Chợ Gạo) đi vào thị trấn Tân Hiệp rồi chạy thẳng qua cống hộp Quốc lộ 1A, chảy lên Kinh Năng.

Trước đây, nguồn nước này rất trong, lục bình trôi bồng bềnh, thuận lợi cho nhân dân trong khu vực bơm nước tưới tiêu, sản xuất hoa màu. Thế nhưng trong vài năm trở lại đây nguồn nước này đã nhiễm bẩn trầm trọng.

Đoàn kiểm tra của huyện, thị trấn đang kiểm tra thực tế khu vực ô nhiễm.
Đoàn kiểm tra của huyện, thị trấn đang kiểm tra thực tế khu vực ô nhiễm.

Theo người dân quanh khu vực ô nhiễm, từ khi có cơ sở thu mua phế liệu của ông Lê Minh Lâm (cơ sở Bình Dung) thì dòng nước bắt đầu đen và nổi bọt, nước đen xuất hiện từ cống Bà Lòng (nơi cơ sở sản xuất tái chế biến nhựa Bình Dung hoạt động).

Trước thực trạng này, ông Nguyễn Văn Năm, khi đó là Chủ tịch UBND thị trấn Tân Hiệp, đã có tờ trình số 70/TTr-UBND ngày 17-12-2014 kiến nghị UBND huyện Châu Thành và các Phòng, Ban có liên quan. Nội dung tờ trình cho biết”: Qua đối chiếu với thực tế thấy, diện tích mặt bằng, cơ sở Bình Dung đã mở rộng thêm điểm sang xã Thân Cửu Nghĩa.

Nước thải trong quá trình sản xuất có sử dụng hóa chất để tẩy rửa nguyên liệu, hồ chứa không đủ sức chứa, nước chảy tràn lan ra ngoài. Công nhân ngày càng nhiều, quy mô sản xuất tăng, có tiếng ồn của động cơ. Chất thải rắn ngoài chôn lấp, còn rơi rớt tràn lan sang đất liền kề.

Giếng khoan tầng sâu chưa kê khai đăng ký khai thác theo quy định (Quy định đến hết ngày 1-1-2015, nếu không kê khai đăng ký khai thác thì buộc phải lấ́p giếng). Ngoài ra, ông Lê Minh Lâm đã có hành vi tự ý xây dựng cống ngầm và lấp kinh cống Bà Lòng  (đây là công trình thủy lợi giáp ranh 2 xã Thân Cửu Nghĩa và thị trấn Tân Hiệp).

Tờ trình kiến nghị UBND huyện và các ngành chức năng sớm có giải pháp xác định quy mô sản xuất - kinh doanh, việc bảo vệ môi trường đối với cơ sở thu mua phế liệu của ông Lê Minh Lâm, để cơ sở này hoạt động đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra điểm nóng về môi trường.

Tuy nhiên, từ đó đến nay gần 2 năm vẫn chưa thấy có động thái gì từ các ngành chức năng. Do vậy, nước thải chưa qua xử lý vẫn chảy ra kinh mương, gây ô nhiễm ngày thêm trầm trọng, ảnh hưởng đến sinh hoạt, sức khỏe của người dân.

Ông Phan Văn Thọ, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Tân Hiệp, người có nhà ở sát rạch cho rằng, chính ông cũng là nạn nhân bị nước của con rạch tràn vào ao làm chết cá nuôi; dòng nước đen ngòm, gây mùi hôi, nhiều lần kiến nghị nhưng vẫn chưa thấy khắc phục.

Bà chủ đại lý bia - nước ngọt Minh Châu, gần cống Tân Hiệp - QL1 cho biết, bà thường phóng sinh cá, nhưng thời gian gần đây cá thả xuống đều chết hết do nước kinh ô nhiễm nặng.

Trước thực trạng ngày càng nghiêm trọng, mới đây UBND thị trấn Tân Hiệp mời các ngành chức năng của huyện kết hợp khảo sát hiện trường, tham gia có ông Nguyễn Văn Kiệt, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện; bác sĩ Huy Thanh, đại diện Phòng Y tế huyện; cùng chính quyền và đoàn thể thị trấn.

Sau khi kiểm tra, ngày 17-6-2016, UBND thị trấn Tân Hiệp có văn bản báo cáo số 124/BC-UBND về việc kiểm tra thực tế tình hình ô nhiễm nguồn nước kinh Tân Hiệp. Đoàn đã tổ chức khảo sát tại 3 địa điểm khác nhau, đã xác định nguồn nước đen xả thải bắt đầu từ cống Bà Lòng nơi có cơ sở nhựa Bình Dung.

UBND thị trấn gửi văn bản báo cáo UBND huyện và các ngành có liên quan xem xét, tìm ra nguyên nhân gây ô nhiễm để có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật, nhằm trả lại dòng kinh không còn ô nhiễm.

Vấn đề đặt ra là với một đoạn kinh không dài, người dân đã nhiều lần phản ánh, chính quyền thị trấn Tân Hiệp kiến nghị các ngành chức năng của huyện hỗ trợ, thế nhưng trong nhiều năm qua vẫn chưa tìm ra nguyên nhân (?), làm tình hình ngày thêm nghiêm trọng. Vì thế, người dân quanh khu vực đặt câu hỏi biết đến bao giờ dòng kinh này hết ô nhiễm?

PHẠM HUỲNH - PHÚC ANH

.
.
.