Thứ Tư, 01/01/2020, 20:51 (GMT+7)
.

8 vấn đề nổi bật trong năm 2019

Năm 2019 là năm Việt Nam đạt được nhiều thành công cả về kinh tế, chính trị cũng như văn hóa thể thao. Xin giới thiệu 8 vấn đề nổi bật trong năm.
 
1. Bộ Chính trị ban hành nhiều Nghị quyết quan trọng
 
Ngày 27-9-2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về "Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư". 
 
Quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị là phải chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là yêu cầu tất yếu khách quan; là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
 
Lần đầu tiên sau 30 năm thu hút vốn FDI, Bộ Chính trị ban hành một nghị quyết chuyên đề về thu hút đầu tư nước ngoài để định hướng cho các năm tới.
 
Trong giai đoạn từ nay tới 2030, quan điểm chỉ đạo được Bộ Chính trị nhấn mạnh là phải thu hút FDI chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu.
 
 
2. Kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng GDP 7,02% cao hơn mục tiêu 6,8% được Quốc hội đặt ra
 
Nền kinh tế duy trì đà tăng trưởng cao, tăng trưởng GDP năm 2019 ước tính đạt 7,02%, vượt mục tiêu đề ra, quy mô được mở rộng với chất lượng ngày càng được cải thiện.
 
Theo Tổng cục Thống kê, GDP năm 2019 đạt kết quả ấn tượng, vượt mục tiêu của Quốc hội đề ra từ 6,6%-6,8%, khẳng định tính kịp thời và hiệu quả của các giải pháp được Chính phủ ban hành, chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp cùng nỗ lực thực hiện để đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng.
 
Mức tăng trưởng năm nay tuy thấp hơn mức tăng 7,08% của năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng của các năm 2011-2017
 
3. Năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 10 bậc theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế Giới (WEF)
 
Trong "Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019", Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã ghi nhận sự tiến bộ vượt bậc của một số nền kinh tế, trong đó có Việt Nam, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị và thương mại đang khiến kinh tế thế giới trở nên bất ổn, và có thể làm giảm tốc thương mại toàn cầu.
 
WEF xếp hạng Việt Nam là nền kinh tế có tính cạnh tranh thứ 67 thế giới trong năm 2019, với 61,5 điểm - tăng 10 bậc và tăng 3,5 điểm so với năm 2018. WEF cho rằng Việt Nam đang thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài để trở thành một trung tâm thương mại của khu vực.
 
4. Vị thế Việt Nam ngày càng nâng cao
 
Với việc Hiệp định Thương mại tự do CPTPP chính thức có hiệu lực, Hiệp định Thương mại tự do EVFTA được ký kết, 2 FTA thế hệ mới này tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ cải cách thể chế.
 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhận chiếc búa Chủ tịch ASEAN từ Thủ tướng Thái Lan. Theo quy định của Hiến chương ASEAN, nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Việt Nam sẽ chính thức bắt đầu từ ngày 01-01-2020 đến hết 31-12-2020.
 
Sự kiện Việt Nam đã đắc cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kì 2020 - 2021với 192/193 phiếu khẳng định vị thế chính trị của đất nước.
 
Việt Nam lần đầu tiên được tín nhiệm làm ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an là vào nhiệm kỳ 2008-2009. Sau 10 năm, Việt Nam lại là ứng viên duy nhất từ nhóm các nước Châu Á - Thái Bình Dương được bỏ phiếu bầu vào cương vị này.
 
Ngoài ra, việc Việt Nam thực hiện tốt vai trò chủ nhà của Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ -Triều Tiên cũng khẳng định vai trò chính trị của Việt Nam trên trường Quốc tế đang ngày càng được củng cố.
 
5. Quốc hội thông qua Luật Lao động sửa đổi
 
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi. Theo đó, thời gian làm thêm giờ theo tháng là 40 giờ/tháng thay vì 30 giờ/tháng và bổ sung quy định cụ thể về các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm.
 
Về tuổi nghỉ hưu, người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035. Bộ luật Lao động (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021.
 
6. Xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam lần đầu tiên vượt mốc 500 tỷ USD
 
Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019 đạt xấp xỉ 517 tỷ USD, tăng 7,6% so với năm ngoái. Đây là lần đầu tiên kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam vượt trên 500 tỷ USD.
 
Theo thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019 của Việt Nam ước đạt 516,96 tỷ USD, tăng 7,6% so với năm 2018.
 
Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 263,45 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm 2018. Kim ngạch nhập khẩu năm 2019 ước đạt 253,5 tỷ USD, tăng 7%. Thặng dư thương mại năm 2019 đạt kỉ lục khoảng 9,94 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Năm 2019 là năm thứ tư liên tiếp Việt Nam xuất siêu.
 
7. Một nhà máy sản xuất ô tô lần đầu tiên mang thương hiệu Việt đã ra đời trong năm 2019; Bùng nổ thị trường hàng không tư nhân
 
Sự khởi đầu này đánh dấu cho sức mạnh của kinh tế tư nhân trong giai đoạn mới. Và đó cũng là thành tựu nổi bật, là điểm nhấn trong bức tranh kinh tế Việt Nam trong năm 2019. Năm 2019 là năm đầu tiên động lực tăng trưởng chính đã đến từ khu vực chế biến, chế tạo.
 
8. Bóng đá lập kì tích mới; Đoàn Thể thao Việt Nam thành công vang dội tại SEA Games 30
 
Thể thao Việt Nam đã có kỳ SEA Games thành công vang dội, giành 98 Huy chương vàng, 85 huy chương bạc và 105 huy chương đồng, Việt Nam đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng huy chương.
 
Thành công này còn trở nên trọn vẹn hơn khi lần đầu tiên cả hai đội bóng đá U22 nam và nữ quốc gia cùng giành ngôi vô địch. Giấc mơ Vàng kéo dài tới 60 năm của bóng đá Việt Nam cuối cùng cũng đã trở thành hiện thực khi đội tuyển U22 nam quốc gia lên ngôi đầy ấn tượng tại SEA Games 30 trên đất Philippines. Bóng đá nữ Việt Nam lập kỷ lục 6 lần vô địch SEA Games.
 
(Theo enternews.vn)
 
.
.
.