Thứ Hai, 14/12/2020, 20:29 (GMT+7)
.

Nếu xem youtuber là "nghề" thì đừng quá "bất chấp"

(ABO) Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, ngày nay, người ta dễ dàng tiếp cận với các nền tảng mạng xã hội trên không gian Internet. Từ đó nhu cầu tìm hiểu thông tin của người dùng Internet cũng cao hơn, muốn thông tin trở nên trực quan, sinh động và tức thời hơn.

Nắm được nhu cầu đó, nhiều người đã chọn làm streamer, youtuber, facebooker (trong bài viết này xin gọi chung là Youtuber) - những người sử dụng nền tảng số để sản xuất các nội dung video trực tiếp hay dựng lại để thu hút người xem. Youtuber không phải là “nghề” mới xuất hiện tại Việt Nam khi cộng đồng youtuber đã có nhiều tên tuổi lớn từ rất lâu như JVEvermind, Toàn Shinoda… Từ xuất phát điểm chỉ để làm cho vui hoặc chia sẻ những kỷ niệm của mình với mọi người thì ngày nay youtuber đã được nhiều người xem là một “nghề” thực sự để kiếm tiền.

Hình ảnh các youtuber vây kín Trung tâm Pháp y TP. Hồ Chí Minh đã tạo nên ấn tượng xấu. Ảnh: Vietnamnet.vn
Hình ảnh các youtuber vây kín Trung tâm Pháp y TP. Hồ Chí Minh đã tạo nên ấn tượng xấu. Ảnh: Vietnamnet.vn

Hiện nay, nhiều youtuber nổi tiếng như Khoai Lang Thang, Khoa Pug, Độ Mixi, Viruss, Huyen Tran Japan… đều đang có nguồn thu nhập ổn định từ chính việc mà họ đang làm hằng ngày. Việc không quá ràng buộc, tự do làm theo sở thích, sở trường của cá nhân nhưng mang lại nguồn thu nhập lớn đã thu hút nhiều người từ nhiều lứa tuổi, nghề nghiệp tham gia thực hiện các nội dung ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Cần phải nhìn nhận rằng, các youtuber đang tạo nên một “cuộc đua” thông tin khốc liệt cho truyền thông và báo chí chính thống. Các nội dung về một sự kiện, sự việc, hiện tượng luôn được “công khai” rất nhanh và thu hút đông đảo người theo dõi. Các youtuber với ưu thế không bị ràng buộc bởi sự kiểm duyệt hay biên tập chiếm lợi thế trong cuộc đua này, khi gần như ngay lập tức các hình ảnh về vấn đề nào đó sẽ được đăng tải.

Tuy nhiên, ưu thế ấy cũng chính là “con dao hai lưỡi”, một trong những nguyên nhân khiến cho “nghề” youtuber vẫn chưa nhận được nhiều thiện cảm của mọi người. Dù làm ở bất cứ ngành nghề nào cũng thế, muốn người khác tôn trọng nghề nghiệp của mình thì trước tiên chúng ta cần phải làm nghề bằng cách phải tôn trọng người khác.

Trước hết, các youtuber cần phải tôn trọng khán giả của mình. Nhiều youtuber đang nổ lực từng ngày làm cho kênh của mình trở nên chuyên nghiệp, chỉnh chu và “tươm tất” hơn để nhận được sự công nhận của xã hội đối với nghề của mình. Các nội dung được tính toán cụ thể, kịch bản chi tiết, đầu tư về hàm lượng và tính chính xác của thông tin… để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và chọn lọc của khán giả.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều youtuber còn “bất chấp” câu view, câu like với những nội dung phản cảm, bạo lực, nhảm nhí, bịa đặt… để thu hút người xem. Những nội dung “treo đầu dê, bán thịt chó” như thế chỉ mang đến những giá trị thức thời, nhưng lại mang đến những “định kiến” lâu dài của người xem với “nghề” youtuber.

Các youtuber cần phải “làm nghề” với sự tôn trọng cao nhất dành cho khán giả của mình bằng những nội dung hay, hấp dẫn phù hợp với người xem. Tránh trường hợp “không thích thì đi qua nơi khác xem”, bởi lẽ thực tế rằng các youtuber “sống được” là nhờ khán giả và nếu không tôn trọng khán giả thì rất khó nhận được sự tôn trọng từ phía ngược lại.

Cùng với đó, các youtuber không chỉ cần tôn trọng khán giả của mình mà còn phải tôn trọng người khác trong lúc làm nghề. Nhiều youtuber khi “tác nghiệp” ở các sự kiện thu hút nhiều sự chú ý đã “bất chấp” tất cả những nguyên tắc, chừng mực để làm công việc của mình. Hình ảnh những youtuber chen lấn, xô đẩy, thậm chí là tranh cãi với nhau tại các địa điểm tôn nghiêm như đình, chùa hoặc ở những không gian cần sự trật tự, yên lặng như đám tang… đã trở nên quá ngán ngẫm.

Hình ảnh các youtuber “bất chấp” tất cả để vây kín Trung tâm Pháp y TP. Hồ Chí Minh nơi bảo quản thi thể nghệ sĩ Chí Tài vào tối ngày 9-12 vừa qua lại thêm một lần nữa tạo nên ấn tượng xấu của “nghề” này đối với mọi người

Các youtuber có lẽ đã quên rằng mình chỉ là “người đưa tin” chứ không phải là “chủ của thông tin”. Nếu là người đưa tin thì phải tôn trọng thông tin của mình mà thông tin chính là những con người, sự việc đang thu hút sự chú ý. Một sự tôn trọng dành cho thông tin trong lúc làm nghề thì các youtuber sẽ nhận được nhiều hơn thông tin mà mình có đó chính là sự thừa nhận.

Ngoài ra, các youtuber cũng cần tự mình tôn trọng nghề của mình. Nghề nghiệp không chỉ đơn thuần giúp người ta kiếm tiền mà còn giúp người đó khẳng định mình và thể hiện khả năng của mình. Vì thế khi đã quyết định theo “nghề” thì các youtuber không nên bất chấp tất cả chỉ vì mục tiêu có phần “ngắn hạn” là kiếm tiền mà đánh mất cơ hội nhận được sự thừa nhận của xã hội.

NGỌC TƯỜNG

 

.
.
.