Thứ Bảy, 05/06/2021, 09:20 (GMT+7)
.

Nói không với "giải cứu" nông sản?

(ABO) “Giải cứu” nông sản thường được nhắc đến mỗi khi đến mùa thu hoạch nhưng khó tiêu thụ do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhất là trong giai đoạn dịch Covid-19 đã và đang diễn ra hết sức phức tạp.

Thật ra, “giải cứu” nông sản là hình thức cùng chung sức hỗ trợ để tiêu thụ lượng hàng hóa lớn vào từng thời điểm nhất định. “Giải cứu” nông sản đã nhiều lần được nhắc đến và triển khai thực hiện trong thời gian qua đối với thanh long, dưa hấu, khoai lang và nhiều loại nông sản khác. “Giải cứu” nông sản cũng có thể sắp diễn ra khi mà dịch Covid-19 tái bùng phát, nhiều loại nông sản gần đây như: Vải, mít Thái, bưởi, khoai... bước vào vụ thu hoạch rộ, giá bán có dấu hiệu chạm đáy.

Hỗ trợ tiêu thụ thanh long Tiền Giang vào đợt dịch Covid-19 diễn ra vào tháng 2-2020.
Hỗ trợ tiêu thụ thanh long Tiền Giang vào đợt dịch Covid-19 diễn ra vào tháng 2-2020.

Thế nhưng, theo quan điểm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gần đây là cần nói không với “giải cứu” nông sản mà cần tiếp cận với góc nhìn khác để góp phần tiêu thụ hàng hóa của nông dân. Cách nhìn mới này được chính Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đặt ra.

Tại cuộc họp bàn về Chương trình phối hợp hỗ trợ nông dân thu hoạch và tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 với Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh được tổ chức ngày 2-6, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, hiện nay đang bước vào vụ thu hoạch chính của các loại trái cây, lại đúng vào lúc dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở nhiều tỉnh, thành.

Vì thế, việc tiêu thụ nông sản rõ ràng là gặp khó khăn. Tuy nhiên, việc dùng từ “giải cứu” hay cách “giải cứu” như hiện nay cũng gây hiệu ứng ngược, làm giảm giá thành, giá trị hàng hóa nông sản, khiến nhiều nơi bà con lại bị ép giá.

Từ đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, cần chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Bởi tư duy kinh tế là tư duy thị trường, nếu không nắm được thông tin thị trường trong nước và nước ngoài, chúng ta sẽ bị động trong tiêu thụ nông sản. Chính vì lẽ đó, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị, cần có một mô hình kết nối cung - cầu chính quy hơn, vừa giữ được giá trị của nông sản, vừa đảm bảo an toàn sức khỏe cho mọi người.

Dù nhìn nhận ở khía cạnh nào đi chăng nữa, việc tiêu thụ nông sản cho người nông dân là một trong những yếu tố sống còn của ngành Nông nghiệp, nhất là trong giai đoạn kinh tế khó khăn, dịch bệnh. Thực tế vừa qua cũng cho thấy, những đợt ùn ứ hàng nông sản cũng không ít lần diễn ra, điệp khúc “được mùa mất giá” cũng không phải hiếm. Trong chuỗi sản xuất hàng hóa nông sản, giá trị mà người nông dân thật sự được hưởng là rất thấp nên đời sống của họ cũng chưa được như mong đợi.

Chính vì lẽ đó, dù có định hướng chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp hay tính toán giải pháp nào khả thi hơn “giải cứu” thì đời sống người nông dân phải được thay đổi. Đó mới chính là giá trị cốt lõi mà ngành Nông nghiệp cần hướng đến.

Bởi suy cho cùng, đời sống người nông dân Việt Nam đang gắn chặt với thửa ruộng, mảnh vườn của họ và họ cũng chưa thể nguôi lo toan trước những đợt tiêu thụ khó khăn, ùn ứ hàng hóa như thời gian qua.

T.T

.
.
.