Thứ Ba, 21/12/2021, 11:34 (GMT+7)
.

Câu chuyện kit test

(ABO) Câu chuyện bộ kit test hiện nay đang gây nên những dư luận không hay trước tình hình dịch bệnh khá phức tạp hiện nay. Điều này được khơi nguồn sau khi tình trạng thổi phồng giá kit test của một doanh nghiệp được phanh phui.

Sự việc vỡ lở, dư luận trở nên bức xúc hơn khi đơn vị này được xem là “ăn dày” trên lưng người bệnh. Bởi nếu soi chiếu vào thực tế vừa qua, con số kit test được cấp tập sử dụng khi dịch Covid-19 bùng phát dữ dội ở mức tối đa có thể cho thấy mức độ “móc túi” người bệnh kinh khủng đến mức nào.

Nhiều người tỏ ra bức xúc cũng phải, bởi trong lúc cả nước đang gồng mình phòng, chống dịch bệnh; mọi người chung tay, chung sức để vượt qua khó khăn thì một số nhóm lợi ích lại tìm kiếm cơ hội trục lợi trên lưng người bệnh. Hành vi này bị nhiều người lên án cũng có lý của nó.

Trong khi lực lượng tuyến đầu ngày đêm chống dịch thì lại có những người cố tình trục lợi. Ảnh chỉ có tính chất minh họa - Ảnh: Minh Thành.
Trong khi lực lượng tuyến đầu ngày đêm chống dịch thì lại có những người cố tình trục lợi. Ảnh chỉ có tính chất minh họa - Ảnh: Minh Thành.

Tất nhiên, sự kiện này mang tính thời sự nhất trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội trong liên tiếp những ngày gần đây. Sự kiện nóng đến mức, chỉ trong một thời thời gian ngắn có hơn 18,8 triệu lượt tìm kiếm trên mạng xã hội. Câu chuyện kit test chắc chắn còn tiếp tục được sự quan tâm của dư luận một khi sự thật được phơi bày từ các cơ quan chức năng.

Không dừng lại ở kit test, trong khi thuốc kháng virus đang khan hiếm, nhiều người mắc Covid-19 cần nhưng không có thì một số người lấy danh nghĩa là bác sĩ, nhân viên y tế rao bán với giá “cắt cổ” trên mạng xã hội. Trong lúc dịch giã khó khăn, trên tài khoản Facebook của một cá nhân lại nhận cung cấp thuốc Molnupiravir 400mg với giá 1,2 triệu đồng/vỉ 10 viên và yêu cầu người mua phải đặt ít nhất 4 vỉ mới giao hàng. Thật hư câu chuyện thuốc trị Covid-19 hiệu quả đến mức nào còn chờ cơ quan chức năng đánh giá nhưng chắc rằng không ít người cũng đã chú ý đến các loại thuốc được rao bán dạng này, bởi họ lo cho sức khỏe của chính mình. Thực tế này đã và đang hiện hữu tạo nên gánh nặng lớn hơn cho người bệnh trong lúc còn phải đối mặt với bộn bề những lo toan khác.

Thật ra, câu chuyện “ăn dày” trên lưng người khó là không mới. Bởi trước đây ít tháng, khi mà dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 bước vào cao điểm, chúng tôi đọc được nhiều dòng trạng thái khác nhưng cũng có nhiều điểm tương đồng. Cư dân mạng kháo nhau về một số trường hợp tăng giá đột biến, nhất là đối với rau củ trong những ngày các tỉnh, thành thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Nói cho cùng, không chỉ có một số loại rau, mà dấu hiệu này đã từng xảy ra nhiều lần, gần đây nhất là khẩu trang, nước sát khuẩn các loại, cả mì tôm… cũng có lúc chao đảo thị trường. Giá cả cứ tăng vọt theo từng nấc thang nhu cầu tiêu thụ, hôm sau tăng cao hơn hôm trước và chỉ dừng lại khi lực lượng chức năng ra tay.

Dịch Covid-19 còn đang diễn biến phức tạp và chưa có điểm dừng. Bởi hiện nay dịch Covid-19 đang có dấu hiệu bùng phát trở lại ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Chưa kể, theo nghiên cứu mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới cũng cho thấy nhiều điểm đáng lo hơn.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 20-12 tuyên bố biến thể Omicron lây lan nhanh hơn biến thể Delta và đang gây bệnh cho những người đã tiêm vắc-xin hoặc đã hồi phục sau khi mắc Covid-19. Đó là thông tin không mấy khả quan đối với người dân trên toàn cầu.

Trong lúc cả thế giới gồng mình chống chọi với Covid-19, đặc biệt là đối với những biến thể mới, nguy hiểm hơn nhiều thì ở đâu đó tình trạng trục lợi trong lúc đất nước khó khăn là khó có thể chấp nhận được. Dư luận chắc chắn sẽ không hài lòng trước những hành vi như thế.

THÁI AN

.
.
.