.

Tiếp nối hành trình tri ân

Cập nhật: 21:15, 27/07/2022 (GMT+7)

(ABO) Theo suốt chiều dài lịch sử, tháng Bảy đã trở thành tháng tri ân, tháng đền ơn đáp nghĩa, tháng của “uống nước nhớ nguồn” và đã được các thế hệ người Việt Nam xây dựng, gìn giữ để tôn vinh những hy sinh, mất mát của những người đã không tiếc máu xương cho độc lập, tự do của Tổ quốc.

Tính từ ngày 27-7-1947, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Chỉ thị chọn một ngày trong năm làm "Ngày Thương binh toàn quốc" để bày tỏ tình cảm trân trọng, lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã không tiếc máu xương, hy sinh cống hiến hết mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc, cho hạnh phúc của nhân dân.

Từ đó, ngày 27-7 hằng năm đã trở thành ngày kỷ niệm thiêng liêng, mang đậm tính nhân văn cao cả của dân tộc Việt Nam, là dịp để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta bày tỏ lòng tưởng nhớ, sự tôn vinh và tri ân công lao to lớn của các bậc Anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.

Hướng về Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7) năm nay, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta lại tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, đầy tình nghĩa đối với các thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đi thăm và tặng quà Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, những thương, bệnh binh, người có công với cách mạng, thắp những nén hương thơm bày tỏ lòng thành kính đối với những người đã hy sinh để bảo vệ Tổ quốc…

Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ câu chuyện làm ông xúc động về niềm hạnh phúc của Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Hoàng Thị Lự. Ảnh: qdnd.vn
Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ câu chuyện xúc động về niềm hạnh phúc của Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Hoàng Thị Lự. Ảnh: Nhật Bắc đăng trên www.qdnd.vn

Các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” chăm sóc người có công đã thật sự trở thành một phong trào rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội, các cấp, các ngành, các địa phương trong cả nước với nhiều hình thức tổ chức, nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, hết sức phong phú, sáng tạo, trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống xã hội.

Tháng Bảy về, có ngàn vạn ngọn nến tri ân hòa cùng khói hương thiêng liêng ở khắp các nghĩa trang. Những dòng sông cũng trở nên lung linh bởi triệu đóa hoa đăng xuôi dòng tưởng nhớ những linh hồn bất diệt. Ngày 27-7 đã trở thành ngày mà những người còn sống mãi mãi không được quên, không thể quên. Sự tri ân của hậu thế dẫu lớn đến nhường nào, thì vẫn mãi mãi chưa thể xứng với lớp lớp cha anh đã không tiếc xương máu vì sự trường tồn của Tổ quốc, của dân tộc, của dải đất “hình chữ S” yêu thương.

Sự hy sinh của những người đã ngã xuống vì đất nước vừa là niềm tự hào nhưng cũng là nỗi đau của những người còn sống. Lửa chiến tranh đã tắt hàng chục năm, đã chôn vùi rất nhiều thứ, nhưng trong mỗi gia đình liệt sĩ, mỗi thương binh đã để lại một phần thân thể nơi chiến trường thì vẫn còn nguyên đó những ngọn lửa lòng. Người còn sống khóc thương người đã khuất và có những nỗi đau không bao giờ nguôi.

Cứ tháng Bảy hằng năm, hàng ngàn người thân, và những đồng đội đến thăm viếng các liệt sĩ đã anh dũng ngã xuống vì Tổ quốc tại các nghĩa trang liệt sĩ trên khắp cả nước. Trên tấm bia đá trước mộ họ khắc nhiều cái tên, mỗi một cái tên được viết lên là một người đã nằm xuống. Mỗi cái tên nối dài thêm vinh quang cho đất nước, cũng nối dài thêm nỗi đau mất người thân của hàng ngàn gia đình liệt sĩ.

Tuổi trẻ Tiền Giang thắp nến tri ân tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh nhân 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2022). Ảnh: Duy Nhựt
Tuổi trẻ Tiền Giang thắp nến tri ân tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh nhân 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2022). Ảnh: Duy Nhựt

Tuy nhiên, trên khắp mảnh đất Việt Nam, trong hàng ngàn nghĩa trang liệt sĩ vẫn còn hơn 300.000 người khi sinh ra có tên, có họ nhưng khi nằm xuống trên bia mộ chỉ khắc chữ “Vô danh” hoặc “chưa xác định danh tính”.

Và trong những ngày qua, bức ảnh Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Hoàng Thị Lự, ở huyện Đô Lương (tỉnh Nghệ An) òa khóc khi ôm hài cốt của con được tìm thấy sau 51 năm hy sinh được Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ trong cuộc làm việc với các đơn vị thực hiện nhiệm vụ giám định ADN hài cốt liệt sĩ được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng đã gây xúc động mạnh.

Theo thông tin trên báo chí, hơn nửa thế kỷ, mẹ Lự đã mòn mỏi ngóng trông hai người con trai hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bức ảnh đó được chụp năm 2020 sau khi gia đình Mẹ Lự tìm được hài cốt của người con cả - liệt sĩ Nguyễn Tất Tân với sự trợ giúp của cơ quan chức năng và cộng đồng. Nhưng phần mộ của người con thứ hai - liệt sĩ Nguyễn Tất Văn vẫn chưa tìm thấy. Tháng 6 vừa qua, Mẹ Lự qua đời ở tuổi 112, mang theo sự mòn mỏi đợi chờ!

Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện cả nước còn khoảng 200.000 liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt, hơn 300.000 liệt sĩ chưa xác định được danh tính. Như thế nghĩa là còn hàng trăm ngàn gia đình liệt sĩ vẫn đang chờ đón các anh về!

Thế nhưng ở một đất nước trải qua chiến tranh suốt hàng chục năm thì những đau thương, mất mát là rất to lớn và sẽ còn phải nhiều năm nữa mới có thể khắc phục được. Vì thế, các thế hệ đang hưởng cuộc sống hòa bình hiện nay vẫn mang nợ ân tình đối với các anh, gia đình các anh - những người đã hy sinh mạng sống của mình cho Tổ quốc. Chưa thể tìm thấy phần mộ, chưa thể đưa được các anh về là nỗi khắc khoải không chỉ đối với gia đình liệt sĩ mà là với mỗi chúng ta.

Trên cả nước ta, gần như dòng họ nào cũng có liệt sĩ đã ngã xuống vì Tổ quốc. Đón liệt sĩ trở về là trách nhiệm, là tình cảm, thể hiện đạo lý, nhân cách của những người thuộc thế hệ hôm nay. Do đó, mỗi chúng ta, nhất là những người có trách nhiệm trực tiếp cần phải làm nhiều hơn nữa, nhanh hơn nữa, trách nhiệm cao hơn nữa để các gia đình liệt sĩ, nhất là những bà mẹ già đang mòn mỏi chờ liệt sĩ trở về kịp hoàn thành tâm nguyện của mình. Do đó, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm đặc biệt.

Đã 75 năm kể từ Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7 lần đầu tiên được phát động, cả nước vẫn một lòng hướng về thương binh, liệt sĩ với lòng biết ơn sâu sắc. Sự đóng góp của cộng đồng đã trở thành nguồn lực không thể thiếu trong thực hiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi người có công. Khắp mọi nơi, hành trình tri ân đã trở thành thành hoạt động mà Nhà nước và người dân cùng chung tay thực hiện với một mục tiêu chung là chăm sóc tốt hơn, chu đáo hơn cho đời sống người có công, gia đình chính sách.

HỮU NGHỊ

 

.
.
.