Thứ Bảy, 27/05/2023, 10:13 (GMT+7)
.

Nghĩ về những điểm 10

(ABO) Năm học 2022-2023 chuẩn bị khép lại. Đây cũng là lúc nhà trường và phụ huynh học sinh đánh giá thành tích của con em mình. Như bao chu kỳ đã trôi qua, năm này nối tiếp năm khác, hành trình gieo mầm chữ nghĩa và xây dựng nhân cách con người cứ luôn tiến về phía trước.

Như bao chu kỳ khác, khi kết thúc năm học, chúng ta không khó bắt gặp những con 10 tròn trĩnh trong học bạ của học sinh, không riêng từng môn học, mà có thể là bình quân của tất cả các môn học trong năm. Những điểm 10 tròn trĩnh này giờ đây không còn mang tính cá biệt mà tương đối phổ biến.

Chúng ta thật sự tự nào nếu đó là năng lực thật sự của học sinh và là kết quả đào tạo của các trường. Và trên thực tế cũng có không ít học sinh xứng đáng được nhận những điểm 10 như thế. Đó là kết quả của sự nỗ lực không ngừng nghỉ của học sinh, sự hỗ trợ của phụ huynh và của nhà trường. Những chồi non ưu tú này chắc chắn sẽ thành công trong tương lai với nhiều hoài bão lớn.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nhưng trên thực tế cũng có những điểm 10 làm cho nhiều người phải suy nghĩ, vì có thể nó chưa thể hiện hết kết quả học thật và dạy thật, chưa phản ánh đúng năng lực thật sự của học sinh. Bởi đâu đó trên thực tế, bệnh thành tích trong giáo dục vẫn còn, học sinh học theo bài mẫu, đề cương cho sẵn vẫn không ít, học thêm dạy thêm vẫn là câu chuyện dài… Nếu như những điểm 10 được hình thành dựa trên những yếu tố như thế cũng làm cho nhiều người đáng lo hơn.

Suy cho cùng, điểm 10 không xấu, chỉ là do cách sử dụng, cách cho điểm 10 làm mất đi giá trị của nó, từ điểm 10 của sự nỗ lực trở thành điểm 10 của áp lực. Việc làm thế nào để trả điểm 10 về ý nghĩa thật của nó phụ thuộc vào chuyện nhà trường, giáo viên và phụ huynh đẩy lùi bệnh thành tích.

Giáo dục không phải là chạy theo điểm số mà là giúp trẻ biết mình thiếu cái gì, phải học thêm cái gì và vận dụng nó ra sao trong cuộc sống. Điểm 10 là tốt, nhưng điều quan trọng là thầy cô làm thế nào để điểm 10 thực sự có ý nghĩa và là động lực để phát triển, không phải bằng mọi cách để đạt được nó.

Câu chuyện những điểm 10 thật ra cũng chỉ phản ánh một lát cắt của ngành Giáo dục. Bên cạnh rất nhiều thành tựu đạt được, những góc khuất của ngành Giáo dục ít nhiều vẫn còn tồn tại và cần tiếp tục được thay đổi. Bởi giáo dục không chỉ trang bị kiến thức mà còn xây dựng nên nhân cách con người và quan trọng hơn là đào tạo ra thế hệ tương lai của đất nước sau này.

Chia sẻ vào dịp cuối năm học, hiệu trưởng một trường trung học phổ thông nói với chúng tôi rằng, cũng đừng quá bận tâm về điểm số mà nên dạy cho học sinh cách làm chủ được bản thân, tự tin và thích ứng với cuộc sống. Đó cũng là cách tiếp cận thay vì chạy theo điểm số.

PV

.
.
.