Thứ Hai, 06/08/2012, 15:09 (GMT+7)
.

Tân Phú Đông: Khắc phục khó khăn bước vào năm học mới

Sau hơn 4 năm thành lập, dù trong khó khăn, huyện vẫn quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở cho bậc học mầm non và mẫu giáo. Trong nỗ lực đáng trân trọng đó, huyện Tân Phú Đông vẫn còn phải vươn tới.

ĐẦU TƯ, PHÁT TRIỂN CƠ SỞ VẬT CHẤT

Khác hẳn mọi năm, năm nay chị Lê Thị Nga, xã Tân Thới không phải tất tả mỗi sáng tìm người trông con để đi làm nữa, bởi Nhà nước đã đầu tư xây mới trường Mầm non Tân Thới với 6 phòng học, kinh phí trên 6 tỷ đồng.

Chị Nga cho biết những năm trước đây, trường chật, lụp xụp, không đủ phòng học cho học sinh trong xã. Từ khi được đầu tư mở rộng, trường đã tăng thêm lớp học, con em trong xã đến tuổi đều được đến trường. Người dân rất phấn khởi được sự quan tâm của Nhà nước.

Ở xã Phú Tân, bà con cũng phấn khởi với ngôi trường mẫu giáo khang trang, vừa được xây mới 4 phòng học, với kinh phí 4 tỷ đồng.

Còn tại xã Phú Đông, trong lúc dẫn chúng tôi đi thăm 6 phòng học, cô Phan Thị Thanh Thảo, Hiệu trưởng trường Mẫu giáo Phú Đông cho biết: “Trường được đầu tư xây dựng vào năm 2010 với 6 phòng học. Được sự quan tâm của các cấp, các ngành, dự kiến thời gian tới trường sẽ xây thêm nhà bếp để phục vụ cho các lớp bán trú”.

Được sự quan tâm đầu tư của các cấp, các ngành và vận động xã hội hóa, các năm qua, Tân Phú Đông đã xây mới được trường Mầm non Tân Thới và 3 trường Mẫu giáo: Tân Phú, Phú Đông, Phú Tân, gồm 20 phòng học với kinh phí 15 tỷ đồng. Đó là chưa kể đến trường Mẫu giáo Phú Thạnh đang được đầu tư xây dựng với kinh phí 7 tỷ đồng.

Trường mẫu giáo Phú Đông cần đầu tư xây dựng nhà bếp để phục vụ các lớp bán trú.
Trường mẫu giáo Phú Đông cần đầu tư xây dựng nhà bếp để phục vụ các lớp bán trú.

VẪN CÒN NHIỀU KHÓ KHĂN

Thầy Nguyễn Văn Chọn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: “Việc đầu tư phát triển cơ sở vật chất trường lớp, đồ dùng dạy học cho trẻ chỉ mới giải quyết được một phần nhỏ nhu cầu của người dân. Hiện tại, cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên mầm non, mẫu giáo chỉ đạt khoảng 40% nhu cầu của huyện. Vì thế, bậc mầm non, mẫu giáo Tân Phú Đông vẫn còn nhiều khó khăn khi bước vào năm học mới”. 

Hiện toàn huyện chỉ có 1 trường mầm non Tân Thới, xã Tân Thạnh vẫn chưa có trường mẫu giáo, các em phải học trong những căn phòng cấp 4 xập xệ, cơ sở vật chất, đồ chơi thiếu thốn. Tuy được đầu tư xây trường, nhưng tất cả các trường đều chỉ xây phòng học, không có phòng chức năng, không nhà bếp… trong khi nhu cầu gửi bán trú của học sinh mẫu giáo là rất cao.

Bên cạnh, đội ngũ giáo viên mầm non và mẫu giáo ở đây thiếu trầm trọng. Cô Phan Thị Thanh Thảo, Hiệu trưởng trường Mẫu giáo Phú Đông trăn trở: “Trường có 160 học sinh mà chỉ có 4 giáo viên, trung bình mỗi cô phải dạy 2 lớp. Bàn ghế, đồ chơi đều thiếu, năm nào trường cũng đi mượn bàn ghế dư của các trường khác. Song cái khó nhất là trường chỉ có thể nhận trẻ 5 tuổi ra lớp, trẻ 3, 4 tuổi trường không thể nhận được vì không đủ phòng học, không đủ giáo viên chăm sóc, trong khi nhu cầu của người dân thì rất cao”.

Điểm trường chính không đủ chỗ cho học sinh, các em thường phải học ở các điểm phụ tại các ấp. Thông thường điểm phụ chỉ có từ 1 - 2 phòng, không kinh phí đầu tư nên rất xập xệ, nền ẩm thấp, không có sân vui chơi, có điểm không có nhà vệ sinh. Và đa phần, trường mẫu giáo phải học “ké” các trường tiểu học nên rất bất tiện. 

Thầy Nguyễn Văn Chọn chia sẻ: “Những khó khăn trước mắt, huyện cố gắng khắc phục để các em có thể đến trường. Hiện huyện đạt trên 99,5% trẻ 5 tuổi đến trường, còn trẻ tuổi mẫu giáo đến lớp chỉ đạt 57,52%, trẻ khuyết tật ra lớp đạt 50%. Để khắc phục khó khăn, hoàn thiện được mạng lưới trường lớp cũng như đào tạo đội ngũ giáo viên cho bậc mầm non, mẫu giáo, huyện cần sự hỗ trợ, đầu tư của các cấp, các ngành trên 80 tỷ đồng”.

P. MAI
 

.
.
.