Thứ Hai, 29/10/2012, 10:17 (GMT+7)
.

Trường Đại học Tiền Giang: Xét tuyển nguyện vọng bổ sung 1.553 chỉ tiêu

Căn cứ Công văn 77/BGDĐT-GDĐH ngày 19-10-2012 của Bộ GD&ĐT, Trường Đại học Tiền Giang sẽ tuyển bổ sung chỉ tiêu cho 6 ngành ĐH và 16 ngành CĐ (các ngành Sư phạm không tuyển bổ sung) với 1.553 chỉ tiêu, trong đó bậc ĐH là 484 chỉ tiêu và bậc CĐ là 1.069 chỉ tiêu.

Đây là cơ hội cho các tỉnh khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ, để các khu vực này tiếp tục nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo trình độ cao, từ đó thu hút mạnh đầu tư để phát triển. Thống kê cho thấy, Trường Đại học Tiền Giang có đến 71% sinh viên là nữ.

Đáng quan tâm hơn, nếu không học ở Trường Đại học Tiền Giang thì các em không thể đi học ở xa hơn. Trước cơ hội xét tuyển nguyện vọng bổ sung, Tiến sĩ Ngô Tấn Lực, Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang (ảnh) chia sẻ:

Từ nay cho đến hết giờ hành chính ngày 9-11, tất cả ứng viên có hộ khẩu thường trú 3 năm trở lên (tính đến ngày nộp hồ sơ) ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có kết quả điểm thi ĐH (hoặc CĐ) hệ chính quy năm 2012 (đã cộng điểm ưu tiên đối tượng và khu vực) dưới điểm sàn ĐH (hoặc CĐ) không quá 1 điểm đều được xét tuyển những ngành trường còn thiếu chỉ tiêu. 

* PV: Hiện nay, hầu hết thí sinh có số điểm dưới sàn ở bậc ĐH đều đã chọn các nguyện vọng 2 hoặc 3 để vào học ở bậc CĐ; còn thí sinh có điểm thi dưới sàn ở bậc CĐ thì sẽ vào học bậc trung học chuyên nghiệp hoặc trung cấp nghề. Trong khi đó, Trường Đại học Tiền Giang tiếp tục tuyển sinh nguyện vọng bổ sung 1.553 chỉ tiêu, liệu có khả thi?

* TS. Ngô Tấn Lực: Đây là cơ hội cuối cho những em có nguyện vọng. Tôi nghĩ nên tiếp sức cho các em có một nghề nghiệp theo ý muốn để các em có thể giúp ích nhiều hơn cho gia đình và xã hội. Hiện có nhiều em đang luyện thi…, làm hồ sơ vào học CĐ và nhiều em đang học CĐ xin chuyển học ĐH.

* PV: Nếu căn cứ vào điểm chuẩn của Bộ GD&ĐT đưa ra để xét tuyển nguyện vọng bổ sung thì thí sinh chỉ cần thi 3,5 điểm/môn thì có thể vào học ĐH, 8 điểm/3 môn (chưa tính cộng điểm ưu tiên) có thể vào học CĐ. Ông có lo lắng về chất lượng đầu vào thấp như vậy?

* TS. Ngô Tấn Lực: Thật ra chủ trương này của Bộ GD&ĐT gần như phục hồi lại Điều 33 (mục c) của Quy chế tuyển sinh năm 2011 về trước. Vả lại, số thí sinh cùng lúc hưởng 2 ưu tiên cao nhất (đối tượng cao nhất và khu vực cao nhất) là không lớn (chỉ một vài phần ngàn, mà họ cũng xứng đáng được hưởng).

8 năm qua, Trường Đại học Tiền Giang chưa có thí sinh nào có 8 điểm/3 môn (chưa tính cộng điểm ưu tiên) mà vào học CĐ. Làm giáo dục ai cũng mong chất lượng đầu vào cao, nhưng chất lượng đầu ra cao mới là mục tiêu của quản lý.

Vì thế chúng tôi sớm chuyển sang đào tạo theo học chế tín chỉ. Theo đó, sinh viên giỏi, xuất sắc có thể học với tiến độ nhanh (năm 2012, Trường Đại học Tiền Giang có sinh viên nhận bằng ĐH loại giỏi chỉ trong 3 năm học), nhưng có nhiều em học với tiến độ chậm so với thời gian đào tạo trung bình. Hãy nhớ rằng, tiến bộ luôn đến nếu các em cầu tiến và có môi trường giáo dục tốt.

* PV: Theo quy định của Bộ GD&ĐT thì các thí sinh xét nguyện vọng bổ sung sau khi trúng tuyển sẽ được tổ chức học bổ sung kiến thức 1 học kỳ. Vậy Trường Đại học Tiền Giang sẽ tổ chức dạy bổ sung kiến thức cho các em như thế nào, gồm những môn gì?

* TS. Ngô Tấn Lực: Thay vì nếu rớt ĐH thì các em luyện thi để năm tới thi lại. Chúng tôi không ủng hộ cách đó. Các em cần bổ túc kiến thức cần thiết cho các giáo trình hiện đại đang và sắp học, cùng các kỹ năng sống, tự tin, sẵn sàng vượt qua trở ngại và thách thức để thực hiện được mục tiêu học tập của mỗi em.

* PV: Xin cảm ơn ông!

NGUYÊN CHƯƠNG (thực hiện)

.
.
.