Thứ Tư, 19/12/2012, 07:32 (GMT+7)
.

Tạm dừng mở một số ngành đào tạo dư thừa "đầu ra"

Từ năm 2013, sẽ tạm dừng mở các ngành đào tạo đang thừa “đầu ra” như: Tài chính ngân hàng, Quản trị kinh doanh, Kế toán.

Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phạm Vũ Luận cho biết tại cuộc họp về công tác thực hiện quy hoạch nguồn nhân lực và đào tạo theo nhu cầu xã hội diễn ra chiều 18-12 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân.

Cho tới nay, các bộ, ngành đã tiến hành rà soát, sắp xếp lại nguồn nhân lực phù hợp hơn với ngành mình. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ có khuyến cáo về những ngành nghề mà xã hội đang có nhu cầu lớn.

Đồng thời, từ năm 2013, sẽ tạm dừng mở các ngành đào tạo đang thừa “đầu ra” như: Tài chính ngân hàng, Quản trị kinh doanh, Kế toán; đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không cho phép mở các trường đại học đào tạo các ngành này.

Kế hoạch trong năm 2013, để đào tạo nhân lực theo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, Bộ GD&ĐT giao 1.400 chỉ tiêu cho một số cơ sở giáo dục để đào tạo cán bộ nguồn cho cán bộ tỉnh/thành phố của khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ.

Trên cơ sở kết quả triển khai năm 2012, Bộ GD&ĐT sẽ sơ kết đánh giá việc thực hiện tại các khu vực này để rút kinh nghiệm và triển khai cho các năm tiếp theo.

Thông tin
Thông tin tạm dừng mở một số ngành đào tạo tới đây sẽ là nội dung quan trọng trong định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên. Ảnh: Quốc Việt

Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, qua rà soát nhu cầu nhân lực cả nước, Bộ LĐ-TB&XH đã xác định trong giai đoạn 2011-2015, mỗi năm cần phải bổ sung khoảng 1,86 triệu lao động đã qua đào tạo nghề; giai đoạn 2016-2020 bổ sung khoảng 2,18 triệu lao động.

Thảo luận về các giải pháp để công tác quy hoạch nhân lực được vận hành có hiệu quả vào năm 2013, các bộ, ngành đề xuất trong thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương thành lập các hội đồng phát triển nhân lực có sự tham gia của các sở, ngành, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo trên địa bàn.

Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH lập kế hoạch kiểm tra một số địa phương, bộ, ngành và một số tập đoàn kinh tế lớn về công tác thực hiện quy hoạch phát triển nhân lực, đào tạo theo nhu cầu xã hội để rút kinh nghiệm trong chỉ đạo.

Cùng với đó, tổ chức hội nghị bàn về công tác thông tin thị trường lao động, dự báo nhu cầu nhân lực, nhu cầu đào tạo để có sự phân công phối hợp hiệu quả của một số trung tâm dự báo thuộc các bộ, ngành có liên quan và chỉ đạo thu thập, xử lý thông tin từ trung ương đến địa phương và ngay trong một ngành kinh tế…

(Theo Chinhphu.vn)
 

.
.
.