Thứ Tư, 24/12/2014, 12:52 (GMT+7)
.

1 đề thi, 3 hướng dẫn chấm

Những ngày gần đây, Báo Ấp Bắc nhận được phản ánh của nhiều giáo viên (GV) xoay quanh đề kiểm tra học kỳ I môn Ngữ văn lớp 9 (năm học 2014 - 2015). Ngoài câu hỏi khó hiểu trong đề thi (dẫn đến tình trạng học sinh không làm được), còn có sự thiếu chính xác trong việc hướng dẫn chấm khiến GV lúng túng, phải đợi đến bản hướng dẫn chấm thứ 3 mới khắc phục được những sơ suất của đề thi.

Một GV cho biết, trong đề thi, ở câu 2 (1,0 điểm) nêu: “Truyện Lục Vân Tiên được kết cấu theo kiểu thông thường của truyện truyền thống như thế nào?” rất khó hiểu, khiến nhiều HS không làm được. Trong khi đó, sách Ngữ văn 9 (tập 1, trang 115), câu này được viết: “Kiểu kết cấu truyền thống nào đã được sử dụng trong truyện Lục Vân Tiên?”.

GV này cho rằng, chỉ cần viết giống như sách giáo khoa là HS có thể làm được; nếu có thay đổi thì cũng nên thay đổi một cách dễ hiểu hơn, ví dụ như: “Truyện Lục Vân Tiên được kết cấu theo kiểu nào?” hoặc “Cho biết kiểu kết cấu của truyện Lục Vân Tiên?”.

Còn trong hướng dẫn chấm (lần 1), ngoại trừ câu 3, tất cả các câu còn lại đều khiến người chấm phải phân vân. Cụ thể, trong câu 1 (ý 2)  nêu: “Qua đoạn trích này, em cảm nhận Lục Vân Tiên là một con người như thế nào?”, trong hướng dẫn có ghi: “Cảm nhận về nhân vật Lục Vân Tiên là 1 con người tài ba, dũng cảm (0,5 điểm)”.

Theo các GV, đây là đáp án chưa đầy đủ, vì khi học đoạn trích này, hầu hết các em đều được GV cho biết: Ngoài “tài ba, dũng cảm”, Lục Vân Tiên còn là một người “có lòng nghĩa hiệp, thương dân, ghét cái ác”. Điều này có nghĩa, muốn có trọn điểm, HS sẽ phải nêu được 2 ý: Lục Vân Tiên là người tài ba, dũng cảm (cái tài) và người có lòng nghĩa hiệp, thương dân, ghét cái ác (cái đức).

Tuy nhiên, với đáp án này, nhiều HS chỉ cần trả lời về cái tài thì sẽ được trọn 0,5 điểm. Nhiều em đã mất điểm oan uổng vì chỉ trả lời vế sau (tức cái đức) và có những em “thuộc bài” đã trả lời được cả “tài” lẫn “đức” thì cũng chỉ được bằng điểm với những em chỉ nhớ 1 ý (giống đáp án).

Ở câu 2, trong hướng dẫn chấm có yêu cầu: “Kết cấu theo kiểu ước lệ: Người tốt thường gặp nhiều gian nan, trắc trở trên đường đời, bị kẻ xấu hãm hại, lừa lọc, nhưng họ vẫn được phù trợ, cưu mang. Cuối cùng, họ đều nạn khỏi tai qua, được đền bù xứng đáng, kẻ xấu phải bị trừng trị (1,0 điểm)”. Đây là câu trả lời được chép từ sách giáo viên, trang 117, nhưng cũng không chính xác vì thừa dấu chấm ở giữa câu (…họ vẫn được phù trợ, cưu mang. Cuối cùng, họ đều nạn khỏi…) dẫn đến việc câu văn bị sai ngữ pháp.

Ở câu 4 có yêu cầu: “Tìm từ địa phương Nam bộ trong đoạn trích, chuyển từ đó sang từ toàn dân tương ứng”. Trong hướng dẫn chấm có ghi 4 từ: Đàng (chuyển thành đường), vô (chuyển thành vào), kêu (chuyển thành nói to) và mầy (chuyển thành mày). Nếu HS tìm ra và chuyển đúng 1 từ sẽ được 0,25 điểm.

Tuy nhiên, theo các GV, đây là đáp án chưa thỏa đáng, bởi trong đoạn trích có đến 7 từ địa phương chứ không chỉ có 4 từ. Theo đó, 3 từ còn lại là: Bớ (trong “Bớ đảng hung đồ…”); phừng phừng (trong “Phong Lai mặt đỏ phừng phừng…”) và  rày (trong  “… bị Tiên một gậy thác rày than vong”).

Vì vậy, khi chấm sẽ có nhiều vấn đề xảy ra. Thứ nhất, có em nêu được cả 7 từ và đúng hết, như vậy các em sẽ được trọn điểm. Thứ 2, các em nêu được 7 từ, nhưng giải thích các từ có trong đáp án thì sai, các từ khác thì đúng, vậy làm sao chấm điểm? Thứ 3, các em chỉ nêu được 4 từ và giải thích đúng, nhưng chỉ có từ 1 - 3 từ đúng theo trong đáp án thì chấm điểm các em như thế nào? Nếu không cho điểm thì thiệt thòi cho các em này.

Đó là chưa kể việc đáp án có những điểm chưa chính xác. Cụ thể, từ “kêu” được xác định là từ địa phương và được chuyển sang từ toàn dân là “nói to”, trong khi đó “nói to” không phải là từ, mà là cụm từ. Thứ hai, từ “kêu” nếu được giải thích là nói to, thì lại là từ toàn dân chứ không phải từ địa phương Nam bộ (sách Ngữ văn 9, tập 2, trang 109). Một số GV cũng cho biết, nhiều em đã chuyển từ “kêu” thành từ “gọi”. Tuy nhiên, vì không đúng với đáp án nên các em đã mất điểm từ này.

Ở câu 5 (6,0 điểm) có nội dung: “Em hiểu câu tục ngữ “có công mài sắt, có ngày nên kim” như thế nào? Hãy kể một câu chuyện của bản thân có liên quan đến ý nghĩa của câu tục ngữ trên (trong bài viết có sử dụng các yếu tố nghị luận và miêu tả nội tâm)”.

Với đề bài này, trong hướng dẫn chấm yêu cầu “…thí sinh biết kết hợp các yếu tố tự sự và miêu tả nội tâm trong bài làm”. Trong khi đó, trong đề bài thì yêu cầu các em “… biết kết hợp yếu tố nghị luận và miêu tả nội tâm…”. Điều này dẫn đến việc em nào làm giống yêu cầu của đề bài thì lại… không giống với yêu cầu của đáp án.

Sau khi nhận được các ý kiến phản hồi về hướng dẫn chấm kiểm tra học kỳ I, năm học 2014 - 2015 và theo đề xuất của Hội đồng ra đề, Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục (Sở GD-ĐT) đã có bản hướng dẫn chấm lần 2. Tuy đã được chỉnh sửa, khắc phục được những điều bất hợp lý trong bản chấm lần đầu, nhưng lại có nhiều vướng mắc khác khiến GV tiếp tục “bối rối”.

Cụ thể, trong lần hướng dẫn chấm thứ 2, nội dung ở câu 1 đã được bổ sung thêm, thành: “HS có thể có những cảm nhận khác nhau về nhân vật, về đại để cần nêu được: Lục Vân Tiên là một con người tài ba, dũng cảm, vị nghĩa vong thân (0,5 điểm)”.

Tuy nhiên, theo các GV thì hướng dẫn này đã làm các cô hiểu rằng “phải bổ sung thêm vế “vị nghĩa vong thân” ”, nhưng có bổ sung hay không thì biểu điểm vẫn không thay đổi gì nhiều nên có nhiều người đã không chấm lại câu này.

Ở câu 4, các từ địa phương Nam bộ (kèm theo từ toàn dân tương ứng) đã được đáp án đưa ra hết , từ “kêu” thay vì giải thích là “nói to” cũng đã được sửa thành “gọi”. Các từ này lại được sắp xếp trong bảng, chia làm 2 cột nên rất dễ hiểu, dễ chấm. Tuy nhiên, vấn đề lại nảy sinh khi đáp án lưu ý thêm: “HS chỉ cần chỉ ra 4 từ trong số các từ nêu trên: 1,0 điểm”.

Như vậy, trong bảng có tất cả 14 từ, vậy chỉ cần nêu 4 từ (bất kỳ từ toàn dân hay từ địa phương) là có ngay 1,0 điểm. Trong khi đó, yêu cầu chính xác nên là “HS chỉ cần chỉ ra 4 từ (các từ địa phương Nam bộ, kèm theo từ toàn dân tương ứng)” trong số các từ nêu trên thì mới được 1,0 điểm; hay đơn giản hơn, chỉ cần yêu cầu HS chỉ ra 4 “cặp từ” là mọi người cũng sẽ hiểu ngay.

Các GV cũng khẳng định, tuy còn nhiều vướng mắc, nhưng đáp án thứ 2 đã giúp các cô rất nhiều, HS cũng đỡ thiệt thòi hơn. Tuy nhiên, các GV cũng khẳng định, ở bất kỳ đáp án nào, nhất là đáp án môn Ngữ văn cũng cần có sự chính xác tuyệt đối. Vì môn Ngữ văn đã dạy HS cách sử dụng từ ngữ, dùng từ, dùng câu… nếu vì những lỗi này mà các em bị mất điểm thì thật oan cho các em.

Sau khi nhận được phản ánh tiếp theo của các thầy cô, Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục đã có bản hướng dẫn chấm lần 3. Ở bản chấm này, tất cả những thiếu sót đã được điều chỉnh.

KIM MINH

.
.
.