Thứ Tư, 15/07/2015, 10:48 (GMT+7)
.

Chuyện ở một ngôi trường xã hội hóa

Năm học 2014 - 2015, Trường Mầm non Phan Trọng Tuệ (ấp 5, xã An Hữu, huyện Cái Bè) mới tròn 3 tuổi. Tuy là trường tư với nguồn vốn xã hội hóa 100%, nhưng chỉ sau 3 năm hoạt động trường khẳng định được vị thế của mình trong công tác nuôi và dạy trẻ, trở thành một địa chỉ đáng tin cậy của phụ huynh.

Không gian rộng, được trang trí phù hợp với từng nhóm trẻ.
Không gian rộng, được trang trí phù hợp với từng nhóm trẻ.

HIỆU QUẢ

Trường có tổng diện tích 5.200 m2, bao gồm: Sân chơi, hệ thống phòng học, phòng chức năng, hội trường… Các phòng học được trang bị hiện đại (có nhà vệ sinh, máy điều hòa nhiệt độ, quạt thông gió, màn hình lớn, đồ dùng, đồ chơi cần thiết, đồ dùng cá nhân của trẻ…) và có các góc chơi với những loại đồ chơi phong phú, nhiều màu sắc phù hợp với từng nhóm tuổi, giúp trẻ phát triển nhận thức, phát huy được sở trường riêng.

Ngoài ra, các phòng chức năng như: Phòng truyền thống, vi tính, âm nhạc, mỹ thuật, y tế học đường và nhà ăn cũng được đầu tư theo hướng hiện đại, sạch sẽ và tiện ích.
Từ chưa được 60 học sinh (HS) của buổi ban đầu (khi trường khánh thành được 2 tháng), đến năm học 2014 - 2015 trường đã là nơi học tập, vui chơi của gần 180 HS, góp phần không nhỏ trong việc “giải nhiệt” cho Trường Mầm non An Hữu.

Với mục đích chăm sóc, giáo dục trẻ từ 15 - 60 tháng tuổi theo chương trình giáo dục Mầm non do Bộ GD-ĐT quy định, những năm qua trường luôn thực hiện tốt các cuộc vận động và các phong trào do ngành Giáo dục phát động như: “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Trường học Xanh - Sạch - Đẹp - An toàn”, “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương tự học và sáng tạo”…

Theo đó, các giáo viên luôn tìm tòi, sáng tạo, phát huy tính tích cực của HS. Chương trình dạy học luôn đổi mới, sáng tạo theo từng chủ đề, có sự lồng ghép để tạo sự mới mẻ như: Bài dạy có kết hợp với giáo dục an toàn giao thông, giáo dục môi trường, giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm…

Các giáo viên (GV) còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian, các hoạt động tập thể (một nhóm ít nhất 2 bé), các ngày hội, ngày lễ để các bé cùng tham gia nhằm tạo sự gắn kết ở các bé…

Nhằm bảo đảm sức khỏe của trẻ, trường luôn thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh và y tế trường học. Cụ thể, trường luôn có cán bộ phụ trách y tế trực; kết hợp tốt với y tế xã, y tế dự phòng để cân, đo, khám sức khỏe định kỳ cho trẻ và tiêm chủng mở rộng (kể cả khám sức khỏe cán bộ, GV và nhân viên nhà trường); xây dựng và thực hiện mô hình phòng, chống suy dinh dưỡng; kết hợp, hướng dẫn phụ huynh nuôi và chăm sóc trẻ tại gia đình; thường xuyên kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng bữa ăn…

CÒN ĐÓ NHỮNG KHÓ KHĂN

Người đầu tư xây dựng ngôi trường này là anh Lê Văn Hùng, chủ vựa trái cây, cũng là chủ khu nhà hàng Phố Việt (trường nằm trong khuôn viên quần thể kiến trúc nhà hàng Phố Việt gồm: Sân vườn, quán cà phê, nhà cổ miền Trung…).

Ý tưởng đầu tư mở một ngôi trường của anh Hùng từ khá lâu, khi anh còn làm Chủ tịch Hội Cha mẹ học sinh của Trường Mầm non An Hữu. Anh Hùng hồi tưởng lại: “Gắn bó với Trường Mầm non An Hữu mấy năm nên tôi biết được nhu cầu của nhiều phụ huynh do trường quá tải, nhiều người phải đưa con đi gởi ở các nhóm trẻ, thậm chí có cháu không có chỗ học hoặc học ở rất xa. Từ đó tôi có ý định xây dựng một ngôi trường gần đây để giúp các em có nơi học hành, vui chơi thoải mái. Đúng lúc đó ngành Giáo dục khuyến khích xã hội hóa, tôi liền bắt tay làm thủ tục xin xây trường”.

Không lâu sau, Trường Mầm non Phan Trọng Tuệ đã được xây dựng, với tổng trị giá đầu tư 15 tỷ đồng, có khả năng thu nhận từ 600 - 700 HS các lớp từ nhà trẻ đến mẫu giáo (học bán trú 100%). Đây là trường mầm non tư thục có quy mô đầu tư lớn nhất huyện Cái Bè hiện nay.

Cô Lê Thị Khéo, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Thời gian đầu trường chỉ có vài chục HS, nguồn thu rất eo hẹp, chủ đầu tư phải “bù lỗ” suốt hơn 1 năm. Sau đó số lượng HS tăng lên, trường tạm cân đối
thu - chi”.

Về phía GV, từ khi mới thành lập đến nay hầu như không lúc nào trường tuyển đủ số lượng giáo viên đúng chuẩn và trên chuẩn theo dự kiến. Thậm chí, nhiều GV đến công tác chỉ vài tháng lại bỏ đi để tìm “biên chế”, dù lương giáo viên ở đây được trả cao hơn các cơ sở mầm non công lập khác.

Để khắc phục nỗi lo thiếu GV đạt chuẩn, ngay từ khi mới thành lập, trường đã đề ra phương án gửi GV đi học nâng cao nghiệp vụ. GV được tuyển vào trường nếu chưa đạt chuẩn sẽ được gửi đi đào tạo (vẫn được hưởng lương đầy đủ). Với cách làm này, sau 2 năm số GV dạy lớp của trường đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu của ngành, tuy nhiên vẫn còn quá khiêm tốn so với số cán bộ, GV và nhân viên nhà trường (khoảng 20 người).

Ngoài ra, trường còn đang thiếu Hiệu phó chuyên môn và GV có bề dày kinh nghiệm (hiện đa số cán bộ, nhân viên, GV còn quá trẻ) nên phần nào ảnh hưởng đến chất lượng nuôi, dạy trẻ.

Ngoài ra, trường chưa hoàn thiện hết các dãy phòng học. Về vấn đề này, anh Lê Văn Hùng chia sẻ: Hiện tại, điều tôi lo lắng chính là chưa có tiền xây tiếp dãy phòng học còn lại (gồm 6 phòng học). Dãy phòng này đã cơ bản hoàn thành (nền, móng, tường đã xây xong) nhưng chưa làm được mái che do thiếu vốn.

Anh Hùng nói: “Nhìn công trình ngày một xuống cấp, tôi xót lắm. Vì vậy, trong thời gian tới tôi sẽ cố gắng tìm nguồn vốn vay để tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thiện dãy phòng này, hy vọng sẽ kịp phục vụ cho năm học mới 2015 - 2016”.

MINH CHÂU

.
.
.