Thứ Bảy, 07/05/2016, 08:06 (GMT+7)
.

Trợ giúp trẻ em dựa vào cộng đồng

Phú Đông là một trong 6 xã bãi ngang ven biển của huyện Tân Phú Đông, với diện tích tự nhiên là 2.949 ha, được phân chia thành 5 ấp. Toàn xã có 1.569 hộ dân, gồm 6.270 nhân khẩu. Tổng số hộ nghèo toàn xã là 664 hộ, chiếm tỷ lệ 41,6%; mật độ dân trí thấp, dân cư phân bố không đồng đều, đa số người dân sản xuất nông nghiệp, một số hộ sống bằng nghề đánh bắt thủy sản gần bờ hoặc làm thuê và buôn bán nhỏ lẻ.

Trẻ em cần được bảo vệ và chăm sóc tốt.
Trẻ em cần được bảo vệ và chăm sóc tốt.

Từ khi UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động Vì trẻ em và Chương trình Bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011 - 2015, xã Phú Đông đã đưa các mục tiêu, chỉ tiêu của chương trình vào các hoạt động liên quan của địa phương để cùng phối hợp thực hiện, nhất là việc chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; trong đó có trẻ em lang thang, phải làm việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại.

Dưới sự chỉ đạo và hướng dẫn của Ban Chỉ đạo (BCĐ) huyện, xã đã triển khai xây dựng kế hoạch, thành lập BCĐ đồng thời triển khai thực hiện mô hình điểm các hoạt động nhằm ngăn ngừa, trợ giúp trẻ em lang thang, lao động nặng nhọc nguy hiểm, độc hại; phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH tổ chức tập huấn cho các thành viên BCĐ, các ngành, đoàn thể trong xã, đại diện các hộ gia đình về nội dung cơ bản của Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Mặt khác, BCĐ đã tăng cường tuyên truyền các nội dung liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; 10 nhóm quyền của trẻ em theo luật; hậu quả của việc trẻ em lang thang, phải lao động sớm, lao động nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại cũng như những biện pháp phòng ngừa… trên hệ thống Đài Truyền thanh xã, ấp và kết hợp tuyên truyền trực tiếp thông qua các ngành, đoàn thể, sinh hoạt chi, tổ hội đến từng hộ gia đình, nhất là các hộ có hoàn cảnh khó khăn.

Cùng với công tác tuyên truyền, xã tổ chức cho các gia đình có dấu hiệu, nguy cơ tự nguyện ký cam kết không cho con bỏ học, thất học đi lang thang, vi phạm pháp luật; không để con em lao động sớm, lao động nặng nhọc nguy hiểm, trong môi trường độc hại; không để con em bị tai nạn thương tích đến mức phải đến cơ sở y tế điều trị; phối hợp với các ngành chức năng tạo điều kiện thuận lợi để trẻ em phát triển toàn diện.

Các trường cũng đã tổ chức cho học sinh học tập các quyền cũng như bổn phận của trẻ em; tổ chức vui chơi giải trí, tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, trang bị cho trẻ em kỹ năng sống, kiến thức và kỹ năng tự vệ; tổ chức diễn đàn trẻ em bày tỏ nguyện vọng về quyền được chăm sóc, bảo vệ, quyền được học tập, quyền có cơ hội phát triển toàn diện để trở thành người có ích cho xã hội.

Đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, từ nguồn kinh phí của dự án, xã đã hỗ trợ cho gia đình các em một số vốn để tạo điều kiện ổn định cuộc sống; tặng xe đạp và miễn giảm học phí, giúp các em có thêm động lực vươn lên học tập tốt.

Ngoài ra, xã còn vận động các nhà hảo tâm ủng hộ, đóng góp Quỹ bảo trợ trẻ em, thường xuyên giúp đỡ cho những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và những trường hợp gặp rủi ro đột xuất, giúp các em vượt qua khó khăn để tiếp tục đến trường.

Kết quả thực hiện Mô hình “Ngăn ngừa trợ giúp trẻ em lang thang, trẻ em phải lao động nặng nhọc, nguy hiểm” ở xã Phú Đông trong thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, thu hút được nhiều thành phần trong xã hội tham gia vào công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Nhờ đó, đến nay trên địa bàn xã không có trẻ em lang thang, phải lao động nặng nhọc, nguy hiểm, vi phạm pháp luật giảm đáng kể.

Đây là mô hình đem lại hiệu quả thiết thực cần được nhân rộng ở các địa phương nhằm góp phần giảm thiểu tình trạng trẻ em lang thang, phải lao động nặng nhọc, nguy hiểm độc hại, giúp các em có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện hòa nhập với cộng đồng.

CHÂU HẢO

.
.
.