Thứ Tư, 05/10/2016, 15:25 (GMT+7)
.

Nhân rộng phương pháp "Bàn tay nặn bột"

Thực hiện Đề án phương pháp “Bàn tay nặn bột” của Bộ GD-ĐT, từ năm học 2012 - 2013, Sở GD-ĐT Tiền Giang đã triển khai đến các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh thực hiện. Phương pháp này bước đầu đã đem lại kết quả tốt trong quá trình dạy và học, tạo sự hứng thú cho học sinh, nâng cao hiệu quả giảng dạy các môn tự nhiên và khoa học, lịch sử, địa lý.

Dạy và học theo phương pháp “Bàn tay nặn bột” tại Trường Tiểu học Thiên Hộ Dương (TP. Mỹ Tho).
Dạy và học theo phương pháp “Bàn tay nặn bột” tại Trường Tiểu học Thiên Hộ Dương (TP. Mỹ Tho).

Có trực tiếp tham dự tiết học theo phương pháp “Bàn tay nặn bột” (BTNB), mới thấy được tính tích cực của phương pháp này. Trước khi bắt đầu tiết học, giáo viên chia lớp theo từng nhóm. Mở đầu bài “Mặt trời” môn Khoa học và Xã hội lớp 3, câu đố của giáo viên Trường Tiểu học Thiên Hộ Dương (TP. Mỹ Tho) đã lôi cuốn sự chú ý của các em học sinh: “Sáng, chiều gương mặt hiền hòa. Giữa trưa thì thật chói lòa gắt gay. Dậy đằng Đông, ngủ đằng Tây. Hôm nào đi vắng trời mây tối mù” là gì?

Giáo viên còn cho các em quan sát một số bức tranh có liên quan đến câu đố để các nhóm tự suy nghĩ, thảo luận, tìm ra câu trả lời. Khi đã phát hiện được câu trả lời, các em hào hứng giơ tay phát biểu. Trong suốt tiết học, thầy và trò cùng nhau đưa ra vấn đề và giải quyết vấn đề rất sôi nổi.

Một tiết học theo phương pháp BTNB được tiến hành theo 5 bước: Tình huống xuất phát và câu hỏi nêu vấn đề; bộc lộ quan niệm ban đầu của học sinh; đề xuất câu hỏi hay giả thuyết và thiết kế phương án thực nghiệm; tiến hành thực nghiệm tìm tòi, nghiên cứu và kết luận kiến thức mới.

Các giáo viên giảng dạy theo phương pháp BTNB đều nhận định: “Phương pháp này đòi hỏi giáo viên và học sinh chủ động trong suốt tiết học. Giáo viên là người dẫn dắt, học sinh tìm hiểu ra vấn đề. Các em được tham gia các thí nghiệm, rồi tự đưa ra đánh giá, thảo luận so sánh kết quả với các bạn trong nhóm để đi đến kết quả.

Hầu hết học sinh đều hứng thú, chủ động trong suốt tiết học, nắm vững kiến thức, hiểu bài sâu hơn, từ đó tạo được kỹ năng nhanh nhạy, linh hoạt trong học tập cũng như tinh thần đoàn kết nhóm của các em”.

Cô Tô Thị Bảy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thiên Hộ Dương cho biết: “Nhà trường đưa phương pháp BTNB vào giảng dạy từ năm học 2014 - 2015, lúc đầu đã gặp không ít khó khăn về cơ sở vật chất, đồ dùng dạy học, giáo viên và học sinh chưa quen; nhưng thấy được hiệu quả của phương pháp, nhà trường dần khắc phục khó khăn, tạo điều kiện cho giáo viên tham gia các lớp tập huấn, từ đó giáo viên ngày càng linh hoạt ứng dụng những đồ dùng đơn giản nhất hiện có vào bài giảng và tự làm thiết bị, đồ dùng dạy học từ những vật liệu sẵn có để phục vụ bài giảng. Hàng năm, nhà trường còn tổ chức hội giảng chuyên đề theo phương pháp BTNB.

Qua thời gian thực hiện cho thấy, việc áp dụng phương pháp BTNB giúp học sinh được trải nghiệm nhiều hơn, giáo viên có thể khai thác những kiến thức trong đời sống thực tế của học sinh, từ đó giúp học sinh tự tìm hiểu và hình thành kiến thức mới của bài học. Nhờ vậy tiết học tạo sự hứng thú cho học sinh, vì bản thân các em tự tìm tòi để rút ra được tri thức. Tinh thần làm việc nhóm của học sinh cũng được phát huy tối đa”.

Đa số các trường khi đưa phương pháp này vào giảng dạy đều phát huy được hiệu quả. Cô Huỳnh Mỹ Hòa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Huệ (TP. Mỹ Tho) nhấn mạnh: “Để thực hiện tốt phương pháp BTNB, đòi hỏi giáo viên phải có kiến thức, kỹ năng vững vàng và có khả năng linh hoạt để ứng phó với mọi tình huống xảy ra trong tiết học.

Tập trung phát triển khả năng nhận thức của học sinh, giúp các em tìm ra lời giải đáp cho những thắc mắc trẻ thơ bằng cách tự đặt mình vào tình huống thực tế, từ đó khám phá ra bản chất vấn đề. Qua đó, học sinh sẽ hình thành khả năng suy luận theo phương pháp nghiên cứu từ nhỏ và hình thành tác phong, phương pháp làm việc khi trưởng thành”.

Bà Trần Thị Quý Mão, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: “Phương pháp BTNB bước đầu đã mang lại hiệu quả rõ nét, giúp dẫn dắt học sinh từ chưa biết đến biết theo một phương pháp mới mẻ là để học sinh tiếp xúc với hiện tượng, sau đó giúp các em giải thích bằng cách tự mình tiến hành quan sát qua thực nghiệm. Phương pháp này giúp các em không chỉ nhớ lâu, mà còn hiểu rõ câu trả lời mình tìm được.

Từ năm học 2012 - 2013, phương pháp BTNB được triển khai thực hiện thí điểm tại 10 trường tiểu học trong tỉnh (mỗi đơi vị cấp huyện 1 trường); năm học 2013 - 2014 nhân rộng ra 100% trường tiểu học trong tỉnh (lúc đó 228 trường tiểu học) và được duy trì đến nay. Đối với bậc trung học cơ sở, được triển khai thực hiện từ năm học 2013 - 2014 ở 22 trường. Từ năm học 2016 - 2017 sẽ triển khai thực hiện đến tất cả 126 trường THCS và 37 trường THPT.

P. MAI

.
.
.