Thứ Năm, 03/10/2019, 21:07 (GMT+7)
.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục

Ứng dụng CNTT đang góp phần ngày càng nâng cao chất lượng giảng dạy và học trong các trường học.
Ứng dụng CNTT đang góp phần ngày càng nâng cao chất lượng giảng dạy và học trong các trường học.

Thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh không ngừng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong toàn ngành và đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý cũng như chất lượng dạy và học.

HIỆU QUẢ TRONG QUẢN LÝ

Hiệu quả của việc ứng dụng CNTT thể hiện rõ nét nhất là trong thời gian qua, ngành GD-ĐT tỉnh đã triển khai thực hiện Dự án “Xây dựng cơ sở dữ liệu toàn ngành về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông” của Bộ GD-ĐT.

Ngoài các phần mềm quản lý trong toàn ngành do Bộ GD-ĐT cung cấp, Sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT, các trường học của tỉnh còn triển khai sử dụng một số phần mềm khác như: Phần mềm kế toán Misa, phần mềm quản lý thư viện, phần mềm quản lý cán bộ, công công, viên chức, giáo viên…

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Phương Toàn cho biết, hiện nay, 100% đơn vị của ngành GD-ĐT tỉnh đã được đầu tư, lắp đặt đường truyền Internet tốc độ cao. Nhờ ứng dụng tốt CNTT trong quản lý giáo dục mà công tác báo cáo, thống kê của các đơn vị được thực hiện chính xác, nâng cao hiệu quả công việc.

Minh chứng cụ thể nhất cho những lợi ích mà ứng dụng CNTT mang lại là nếu như trước đây thư mời các cuộc họp của Sở GD-ĐT gửi cho các đơn vị hay ngược lại chủ yếu chuyển bằng thư giấy mất vài ngày mới đến nơi, thì hiện nay do có CNTT nên công tác chuyển thư mời rất nhanh chóng qua hệ thống điện tử.

Theo lãnh đạo phòng GD-ĐT của các địa phương trên địa bàn tỉnh, CNTT đang trở thành “trợ thủ đắc lực” của ngành GD-ĐT. Nhờ ứng dụng CNTT mà dữ liệu của các đơn vị được chia sẻ với nhau. Cán bộ, giáo viên có thể kết nối làm việc hoặc liên lạc trao đổi công viêc bất cứ nơi nào chứ không lệ thuộc đến văn phòng như trước đây. Công tác báo cáo, cập nhật số liệu được thực hiện nhanh, giảm áp lực về thời gian, tránh sai sót.

Do ứng dụng CNTT mà công tác quản lý sổ điểm, cập nhật điểm số của học sinh càng trở nên đơn giản, thuận tiện, hiệu quả và chính xác. Trưởng phòng GD-ĐT huyện Tân Phú Đông Phạm Minh Tâm cho biết, mặc dù địa phương còn nhiều khó khăn trong công tác giáo dục nhưng hiện nay 100% trường học trên địa bàn huyện đã ứng dụng CNTT trong công tác quản lý.

Qua đó, không chỉ giúp cho việc quản lý, điều hành của Phòng GD-ĐT huyện trở nên thuận lợi hơn mà việc quản lý hồ sơ giáo viên, học sinh, lưu trữ kết quả học tập, tính điểm tổng kết... của các trường cũng được giảm tải và chính xác.

Việc ứng dụng CNTT đã đem lại những hiệu quả trong quản lý cũng như nâng chất dạy và học. Do đó, trong năm học 2019 - 2020, toàn ngành GD-ĐT tỉnh tiếp tục ứng dụng CNTT, đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng giáo viên chủ động tích hợp CNTT vào từng môn học; tăng cường sử dụng các mô hình học tập kết hợp giữa truyền thống và trực tuyến; triển khai ứng dụng rộng khắp bài giảng điện tử E-Learning trong giảng dạy và học tập tại các trường phổ thông. Bên cạnh đó, ngành GD-ĐT tỉnh tăng cường sử dụng phần mềm “Trường học kết nối” của Bộ GD-ĐT nhằm phục vụ tốt công tác trao đổi chuyên môn, đổi mới nội dung, phương pháp dạy học…

ĐỒNG CHÍ NGUYỄN PHƯƠNG TOÀN

GÓP PHẦN NÂNG CHẤT DẠY VÀ HỌC

Một trong những hiệu quả thiết thực của việc ứng dụng CNTT là nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập. Nhờ ứng dụng CNTT mà chất lượng học tập của học sinh ngày càng được nâng lên.

Nếu như giáo dục trước đây chủ yếu là “thụ động” với việc giáo viên giảng bài, rồi đọc cho học sinh ghi chép, thì hiện nay nhờ ứng dụng CNTT mà các tiết học càng trở nên sinh động với tranh ảnh minh họa phong phú, cùng với sự hỗ trợ công nghệ mô phỏng ảo... giúp học sinh hứng thú, say mê học tập, phát huy tính chủ động tìm hiểu và khắc sâu kiến thức bài học.

Về giảng dạy, theo Sở GD-ĐT, năm học 2019 - 2020, tỉnh có 100% cán bộ, giáo viên từ bậc học mầm non đến THPT ứng dụng tốt CNTT vào việc giảng dạy. Theo đó, giáo viên được khuyến khích khai thác tốt các công cụ trình chiếu, soạn và trình bày bài giảng điện tử E-Learning; trong đó, mỗi giáo viên THPT có ít nhất 1 tiết dạy sử dụng bài giảng điện tử trong 1 năm học; mỗi trường THPT và THCS tạo mới ít nhất 5 bài giảng điện tử áp dụng cho từng môn học.

Dù là một trường vùng sâu vùng xa nhưng thời gian qua, Trường Mầm non Tân Phú (huyện Tân Phú Đông) luôn chủ động ứng dụng CNTT vào giảng dạy và đã mang lại những hiệu quả nhất định. Trong mỗi năm học, nhà trường đều cử giáo viên tham gia các lớp tập huấn về những phần mềm giảng dạy ở bậc học mầm non nhằm giúp giáo viên có điểu kiện tiếp thu và áp dụng vào thực tế công tác giảng dạy tại trường. Hiện trường có 100% giáo viên chủ động khai thác dữ liệu Internet vào soạn giảng bằng giáo án điện tử. Nhờ ứng dụng CNTT vào các giờ học mà trẻ năng động, hoạt bát và phát biểu nhiều hơn…

ĐỖ PHI

.
.
.