Thứ Ba, 16/03/2021, 09:20 (GMT+7)
.

Tuyển sinh năm 2021: Đổi mới theo nhu cầu của xã hội

Nhiều chỉ tiêu, đa dạng phương thức tuyển sinh, chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu của xã hội… là những điểm mới trong tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang trong năm 2021.

ĐA DẠNG NGÀNH NGHỀ, CHỈ TIÊU

Nhìn trên phương diện tổng thể, bức tranh tuyển sinh của Trường Đại học Tiền Giang trong khoảng 3 năm gần đây khả quan. Bởi trong những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Trường Đại học Tiền Giang đã tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy theo hướng chuẩn hóa hiện đại và chất lượng đào tạo của trường đã nhận được sự kỳ vọng của toàn xã hội, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm của trường mỗi năm gần 90%. Điểm nổi bật của Trường Đại học Tiền Giang trong năm học này là nhà trường đã thực hiện tinh gọn, giảm đầu mối không cần thiết, mở rộng các ngành nghề, đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Chất lượng đào tạo của Trường Đại học Tiền Giang trong những năm qua được nâng lên rõ rệt.
Chất lượng đào tạo của Trường Đại học Tiền Giang trong những năm qua được nâng lên rõ rệt.

Kỳ tuyển sinh năm 2021, Trường Đại học Tiền Giang tuyển sinh 21 ngành đào tạo đại học và 1 ngành đào tạo cao đẳng sư phạm mầm non với 1.505 chỉ tiêu. Nhiều ngành của trường trong suốt thời gian qua đã khẳng định chất lượng đào tạo như: Quản trị kinh doanh, Công nghệ thực phẩm, Sư phạm Mầm non, Du lịch… Ngoài ra, Trường Đại học Tiền Giang còn liên kết với Công ty TNHH Esuhai và Trường Nhật ngữ Kaizen Yoshida School tuyển sinh chương trình kỹ sư làm việc tại Nhật Bản các ngành: Cơ khí, Cơ điện tử, Tự động hóa, Công nghệ thông tin, Xây dựng, Công nghệ thực phẩm và Công nghệ sinh học.

Đối với Trường Cao đẳng Tiền Giang, những năm qua chất lượng tuyển sinh và đào tạo của trường dần được xã hội đặt niềm tin. Mỗi năm nhà trường cho ra thị trường lao động trên 1.000 sinh viên có tay nghề chuyên môn, trình độ kỹ thuật cao. Trong năm học này, nhà trường sẽ tuyển sinh 600 chỉ tiêu cao đẳng, 850 chỉ tiêu trung cấp và 260 chỉ tiêu sơ cấp. Điểm nổi bật trong tuyển sinh là nhà trường sẽ mở lớp thường xuyên, trong suốt năm; phương thức học linh hoạt: Học suốt tuần, hoặc học vào thứ Bảy, Chủ nhật, hoặc học vào buổi tối tại trường hoặc tại doanh nghiệp.

KẾT NỐI DOANH NGHIỆP - TẠO VIỆC LÀM

Đứng trước xu thế đổi mới, thị trường lao động ngày càng sàng lọc và khắt khe hơn, các trường đại học, cao đẳng trong tỉnh đã chủ động làm mới mình. Một trong những cách làm mới mà nhiều trường đang áp dụng là bắt tay với doanh nghiệp, tạo việc làm cho sinh viên ngay sau khi tốt nghiệp. Trong cơ cấu chương trình đào tạo cũng đã đổi mới hoàn toàn, ở từng học phần đã cơ cấu rõ ràng cơ số tiết lý thuyết cũng như số tiết thực hành.

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Tiền Giang Nguyễn Quang Khải cho biết, 70% thời gian đào tạo của các ngành, nghề dành cho thực hành nghề nghiệp tại xưởng trường và doanh nghiệp. Cụ thể, trường có 12 ngành, nghề đào tạo, thường xuyên liên kết với doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp như: Điện công nghiệp, Điện tử công nghiệp, Điện tử dân dụng, Sửa chữa xe máy; Sửa chữa, bảo dưỡng, lắp đặt tủ lạnh - máy lạnh; Động cơ ô tô; Điện ô tô; Gầm ô tô, May công nghiệp; Xây dựng, Hàn, Cắt gọt kim loại.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Võ Văn Hiếu cho biết, đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT chỉ mới công bố dự thảo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Theo đó, về cơ bản, dự kiến kỳ thi năm nay vẫn diễn ra như năm ngoái. Sau khi có văn bản hướng dẫn chính thức từ Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT Tiền Giang sẽ có hướng dẫn cụ thể đến các trường trong công tác thi cử cũng như ôn tập.

Bên cạnh đó, thông qua Chương trình “Hàn Quốc, bạn của thế giới”, tổ chức  KOICA đã cử 4 tình nguyện viên đến hỗ trợ nhà trường trong các lĩnh vực: Công nghệ thông tin, điện lạnh, công nghệ ô tô. Một điểm khá nổi bật của nhà trường trong công tác đào tạo là, từ năm 2016 đến nay, các ngành, nghề khối kỹ thuật có 100% học sinh, sinh viên được doanh nghiệp tuyển dụng ngay khi tốt nghiệp; các ngành, nghề còn lại có 80% - 90% học sinh, sinh viên có việc làm sau 1 năm tốt nghiệp.

Ở Trường Đại học Tiền Giang, qua thực tế trong những năm gần đây, chất lượng đào tạo dần đáp ứng khá tốt những yêu cầu mà doanh nghiệp đòi hỏi khi tuyển dụng. Trường cũng đã chú trọng đẩy mạnh các hoạt động hợp tác với các tập đoàn, doanh nghiệp trong chương trình đào tạo, hướng nghiệp cho sinh viên như: Xây dựng các chương trình đào tạo gắn liền với yêu cầu thực tế của xã hội; hỗ trợ sinh viên thực hành thực tập; tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp đại học khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường… Nhiều sinh viên của trường sau khi tốt nghiệp được tuyển dụng thể hiện tốt năng lực, trình độ, có tinh thần cầu tiến, siêng năng trong công việc.

Bên cạnh chương trình đào tạo, một trong những điểm mấu chốt được nhiều trường quan tâm là đào tạo kỹ năng cho sinh viên. Theo đó, các trường đã đưa vào giảng dạy các môn kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết trình, xây dựng kế hoạch, kỹ năng phản biện, tư duy…

Có thể thấy, hơn ai hết, trước vòng xoáy của thời đại công nghệ 4.0, các trường đại học phải thay đổi ngay chính mình; bởi nếu lạc hậu, kém nhanh nhạy với cái mới thì việc đào thải là tất yếu. Đứng trước xu thuế tự chủ đại học, một trong những điểm căn cơ để các trường đại học có thể tồn tại và phát triển trong giai đoạn hiện nay là bắt tay hợp tác với doanh nghiệp, tạo được đầu ra ổn định cho sinh viên, từ đó sẽ tạo uy tín, lòng tin từ phía xã hội.

P. PHƯƠNG

.
.
.