Thứ Bảy, 13/03/2021, 06:23 (GMT+7)
.

Chọn nghề - bước ngoặt quan trọng của tuổi 18

(ABO) Hằng năm, cứ vào giai đoạn những tháng đầu năm thì câu chuyện chọn trường, chọn ngành, nghề lại “nóng” lên. Việc chọn lối rẽ nào sau khi hoàn thành chương trình phổ thông không chỉ đặt ra cho tuổi 18 nhiều đắn đo, trăn trở, mà còn khiến các bậc phụ huynh cũng “đau đầu” không kém.

a
Hãy thật tỉnh táo và sáng suốt chọn ngành, nghề phù hợp vì đó là bước ngoặt quan trọng của tuổi 18.

Bởi việc chọn ngành, nghề để học tiếp sau khi hoàn tất chương trình phổ thông là bước ngoặt quan trọng của tuổi 18, ảnh hưởng rất lớn đến tương lai, sự nghiệp sau này của các em. Thế nên việc cân nhắc, đắn đo, suy nghĩ để chọn ngành, nghề sao cho phù hợp với sở thích, đam mê, năng lực học tập, điều kiện của gia đình… cũng là điều dễ hiểu.

Với tuổi 18, nhiều học sinh đã định hình rất rõ hướng đi với ngành, nghề mình sẽ theo đuổi trong tương lai và quyết tâm học tập, rèn luyện để thực hiện ước mơ, hoài bão của mình. Tuy nhiên, việc “bâng khuâng đứng giữa hai dòng nước”, chưa xác định được phải chọn ngành, nghề nào để theo đuổi sau khi hoàn thành chương trình phổ thông cũng không phải là hiếm đối với tuổi 18.

Bên cạnh đó, cũng có một số em phải chọn ngành, nghề theo nguyện vọng của cha mẹ, dù mình không thích và không phù hợp với năng lực của bản thân. Đồng thời, cũng có những em chọn ngành, nghề ấy vì thấy “nhiều bạn chọn nên chọn theo”, dù ngành, nghề đó không phù hợp với đam mê, không phù hợp với thế mạnh, năng lực học tập của mình và điều kiện của gia đình.

Cùng với đó là việc chọn ngành, nghề của tuổi 18 cũng chịu áp lực rất lớn từ tâm lý “thích làm thầy hơn làm thợ”. Tâm lý ấy đã ăn sâu, bám rễ không chỉ đối với các bậc phụ huynh, mà còn ngay trong chính suy nghĩ của các em. Dù biết rõ năng lực học tập của con không nổi trội nhưng một số phụ huynh vẫn muốn con mình phải vào đại học để cha mẹ được “nở mặt nở mày”; còn chuyện học xong có tìm được việc làm hay không, để tính sau.

Hậu quả của việc chọn ngành, nghề không phù hợp là một số sinh viên có kết quả học tập không tốt, có em phải bỏ dở việc học tập giữa chừng, quay lại chọn ngành, nghề khác để học cho phù hợp, vừa mất thời gian, vừa tốn kém tiền bạc của gia đình. Thậm chí có em phải dừng hẳn việc học để đi làm.

Nhìn ở góc độ khác, do tâm lý “muốn làm thầy hơn làm thợ” nên nhiều em chọn ngành ở bậc đại học mà nhu cầu của xã hội không cao, hoặc kết quả học tập, chất lượng đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu, từ đó khi tốt nghiệp ra trường khó tìm được việc, phải chấp nhận làm những việc trái với chuyên môn đã học...

Ngược lại, học sinh, sinh viên, học viên học ở các trường cao đẳng, trung cấp nghề, sau khi tốt nghiệp hầu hết đều có việc làm và thu nhập ổn định, nhiều người có thu nhập cao và thăng tiến nhanh, bởi nhu cầu của xã hội hiện nay rất cần lao động có tay nghề. Tuy nhiên, việc tuyển sinh học nghề hiện nay ở các trường cao đẳng và trung cấp nghề trong cả nước nói chung và Tiền Giang nói riêng rất khó khăn, thường xuyên không đạt chỉ tiêu.

Hãy thật tỉnh táo và sáng suốt chọn ngành, nghề phù hợp vì đó là bước ngoặt quan trọng của tuổi 18!

THIÊN LÊ



 

.
.
.