Thứ Sáu, 28/05/2021, 10:20 (GMT+7)
.

Phát huy hơn nữa hiệu quả hồ bơi trong trường học

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh Tiền Giang có khoảng 100 trường hợp trẻ em tử vong do đuối nước. Và mới đây, trên địa bàn huyện Gò Công Đông xảy ra 3 trường hợp học sinh đuối nước tử vong. Để phòng, chống đuối nước ở trẻ em, các trường học trên địa bàn tỉnh đã xây dựng hồ bơi. Thế nhưng, vấn đề khai thác và sử dụng hồ bơi tại các trường học hiện nay đang gặp những khó khăn nhất định.

Theo Sở GD-ĐT, tính đến cuối năm 2020, toàn tỉnh Tiền Giang có 14 hồ bơi quy mô lớn tại các trường THPT, tổng kinh phí đầu tư trên 69 tỷ đồng. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 52 hồ bơi nhỏ, trong đó có 16 hồ bơi cố định trong các trường mầm non, tiểu học, THCS; 36 hồ bơi di động.

CHƯA PHÁT HUY HIỆU QUẢ

Tháng 10-2017, Phòng GD-ĐT huyện Gò Công Tây đưa vào hoạt động hồ bơi di động tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trừ (xã Bình Tân). Hồ bơi này dùng để phục vụ  chương trình phổ cập bơi cho hơn 1.000 học sinh của địa phương. Tuy nhiên, theo lãnh đạo nhà trường, từ khi đưa vào sử dụng đến nay, hồ bơi chỉ khai giảng được khoảng 2, 3 lớp bơi lội. Trước đây, để duy trì các lớp bơi lội, nhà trường đã kêu gọi nguồn kinh phí xã hội hóa từ phụ huynh, tuy nhiên chỉ có ít phụ huynh đồng ý. Thầy Lê Minh Huân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trừ cho biết, để duy trì hoạt động của hồ bơi, nhà trường đã đưa việc học bơi của học sinh nhà trường vào giờ học chính khóa. Theo đó, trong mỗi năm học, học sinh khối lớp 1, 2, 3 sẽ được học bơi vào học kỳ I, học sinh khối lớp 4, 5 sẽ học vào học kỳ II.

Các em học sinh Trường Tiểu học Huỳnh Văn Phèn (huyện Gò Công Tây) tham gia lớp phổ cập bơi tại hồ bơi của trường.
Các em học sinh Trường Tiểu học Huỳnh Văn Phèn (huyện Gò Công Tây) tham gia lớp phổ cập bơi tại hồ bơi của trường.

Còn hồ bơi của Trường Tiểu học Mỹ Thành Bắc (huyện Cai Lậy) đưa vào hoạt động từ năm 2010. Qua hơn 10 năm hoạt động, hồ bơi cũng gặp không ít khó khăn. Thầy Phan Văn Mạnh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, mỗi năm học, trường chỉ mở được 1 đến 3 lớp dạy bơi cho học sinh, lúc đầu học sinh rất hào hứng tham gia nhưng sau đó nhiều em bỏ giữa chừng. Do  đó, tỷ lệ phổ cập bơi của trường hằng năm chỉ đạt khoảng 70%. Hiện nay, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên nhà trường cũng chưa tổ chức khai giảng các lớp bơi trong mùa hè năm nay.

Trưởng phòng GD-ĐT huyện Gò Công Đông Nguyễn Văn Hiếu cho biết, đơn vị luôn khuyến khích các trường đưa bơi lội vào môn học tự chọn ở cuối học kỳ II của các năm học để phổ cập bơi cho học sinh và trong dịp hè đều có tổ chức dạy bơi cho học sinh tiểu học (lớp 4 và lớp 5), trung bình có khoảng 250 học sinh tham gia học bơi. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 9 hồ bơi trong trường học và 4 hồ bơi tư nhân ở các xã Kiểng Phước, Tân Tây và thị trấn Vàm Láng. “Khó khăn lớn nhất trong phổ cập bơi lội hiện nay của địa phương là đã có dự thảo quy chế nhưng vẫn chưa có văn bản chính thức hướng dẫn thực hiện Thông tư 03 ngày 19-1-2018 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị và tập huấn nhân viên chuyên môn đối với môn bơi, lặn”, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu nói.

NGUYÊN NHÂN VÀ GIẢI PHÁP 

Theo đánh giá của Sở GD-ĐT, hoạt động hồ bơi tại các trường học hiện nay đang gặp nhiều khó khăn. Trong đó, kinh phí vận hành (tiền điện, tiền thay nước, tiền hóa chất xử lý nước) hồ bơi và chi phí trả thêm giờ, thêm buổi cho huấn luyện viên, nhân viên cứu hộ, vệ sinh, lọc nước... quá lớn. Theo Thông tư 03 có quy định: Mỗi người hướng dẫn tập luyện không quá 30 người hoặc không quá 20 người đối với trẻ dưới 10 tuổi trong một buổi tập; phải bảo đảm có nhân viên cứu hộ thường trực khi có người tham gia tập luyện và thi đấu. Số lượng nhân viên cứu hộ phải bảo đảm ít nhất 200 m2 mặt nước bể bơi/1 nhân viên, trường hợp có đông người tham gia tập luyện phải bảo đảm ít nhất 50 người bơi/1 nhân viên trong cùng một thời điểm.

Theo Tiến sĩ Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD-ĐT, thời gian qua, vấn đề hồ bơi trường học được Sở GD-ĐT quan tâm chỉ đạo sâu sát. Sở đã phối hợp với Sở Tài chính, Sở Tư pháp và các sở, ngành tỉnh có liên quan nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định mức hỗ trợ kinh phí và mức thu phí quản lý, khai thác, sử dụng hồ bơi trong các trường học trên địa bàn tỉnh để giúp các trường học có căn cứ pháp lý và kinh phí đưa hồ bơi vào hoạt động. Trong khi chờ ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh về quy định này, Sở GD-ĐT phối hợp với Sở Tài chính lập phương án tài chính để tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí cho các trường để quản lý và khai thác các hồ bơi đã được xây dựng; có kế hoạch xây dựng thêm các công trình phụ cho các hồ bơi. Các trường có kế hoạch tổ chức phổ cập bơi cho học sinh, tuyên truyền đến phụ huynh, học sinh về lợi ích và tầm quan trọng của việc bơi lội phòng, chống đuối nước.

Như vậy, để dạy bơi cho một lớp có từ 45 học sinh trở lên thì phải cần 2 huấn luyện viên, ít nhất là 1 cứu hộ và 1 nhân viên vệ sinh vận hành lọc nước. Tuy nhiên, các biên chế này không được giao nên các trường không có tiền chi trả. Bình quân chi phí hoạt động của 1 hồ bơi trong một năm khoảng 324 triệu đồng, bao gồm: Tiền điện, tiền nước, tiền hóa chất xử lý nước, dụng cụ hỗ trợ giảng dạy, chi phí cho huấn luyện viên, nhân viên bơi lội, thuê nhân viên vệ sinh, lọc nước. Trong khi đó, tiền chi thường xuyên cấp cho các trường đủ để chi hoạt động cho việc giảng dạy chính khóa nên các trường không thể cân đối để chi cho việc vận hành hồ bơi, dạy phổ cập bơi.

Để giải quyết thực trạng khó khăn cho các hồ bơi trong trường học, ngành Giáo dục tỉnh Tiền Giang đã đưa ra 3 phương án: Thứ nhất, các trường sử dụng kinh phí chi thường xuyên để vận hành hồ bơi, ngân sách không hỗ trợ thêm kinh phí hoạt động. Thứ hai, ngân sách địa phương hỗ trợ các nội dung chi như tiền điện, tiền nước, tiền hóa chất xử lý nước, tiền công cụ dụng cụ, tiền thuê nhân viên vệ sinh, trực hồ bơi; tiền chi trả cho huấn luyện viên, cứu hộ cho 14 hồ bơi ở các trường THPT (cả 2 hồ bơi các trường đã cho thuê). Thứ ba, ngân sách địa phương chỉ hỗ trợ kinh phí vận hành (tiền điện, tiền nước, tiền hóa chất xử lý nước, tiền công cụ dụng cụ, tiền thuê nhân viên vệ sinh, trực hồ bơi) cho 12 hồ bơi trong các trường THPT chưa thực hiện cho thuê hồ bơi theo đề án đã phê duyệt. Đây cũng là phương án được ngành Giáo dục tỉnh Tiền Giang lựa chọn, bởi phương án này sẽ giúp các hồ bơi trong trường học vận hành tốt mà không phải cân đối từ chi thường xuyên của trường để bổ sung cho vận hành hồ bơi, không ảnh hưởng đến hoạt động chính khóa của nhà trường.

P. PHƯƠNG

.
.
Liên kết hữu ích
.