Thứ Sáu, 08/04/2022, 09:05 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Nỗ lực hoàn thành năm học "đặc biệt"

Năm học 2021 - 2022 được đánh giá là năm học “đặc biệt” bởi cùng lúc ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng phải thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa đảm bảo nâng cao chất lượng GD-ĐT. Vượt qua khó khăn, toàn ngành GD-ĐT đang dần ổn định hoạt động, nỗ lực hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Còn khoảng hơn 2 tháng nữa, học kỳ II năm học 2021 - 2022 sẽ kết thúc. Do vừa dạy học trực tiếp, vừa dạy học trực tuyến nên chất lượng giáo dục không đồng đều ở các khối lớp. Do đó, các trường học đang tăng cường biện pháp hỗ trợ, lấy lại kiến thức, kỹ năng cho học sinh, đảm bảo chất lượng giáo dục trong thời gian còn lại của năm học “đặc biệt” rất hạn hẹp.

GIÁO VIÊN TÌNH NGUYỆN “TĂNG CA”

Năm học 2021 - 2022, Trường Tiểu học Thủ khoa Huân, TP. Mỹ Tho, có 35 lớp với 1.341 học sinh và 60 giáo viên giảng dạy. Trăn trở trước những khó khăn do học sinh phải học trực tuyến trong thời gian dài, ảnh hưởng đến việc tiếp thu kiến thức, nhiều giáo viên của trường đã không quản ngại khó khăn, vất vả khi tự nguyện mở các lớp phụ đạo, dạy thêm miễn phí cho học sinh vào các giờ trái buổi trong ngày tại trường, hoặc tổ chức dạy thêm trực tuyến nhằm giúp các em củng cố kiến thức của chương trình năm học.

Giờ học phụ đạo miễn phí ở Trường Tiểu học Thủ Khoa Huân.
Giờ học phụ đạo miễn phí ở Trường Tiểu học Thủ Khoa Huân.

Đều đặn vào sáng thứ 2, thứ 4 hằng tuần, cô Đặng Thúy An, giáo viên lớp 27, Trường Tiểu học Thủ Khoa Huân đều sắp xếp công việc chuyên môn, gia đình để vào trường phụ đạo, dạy thêm miễn phí cho các học sinh của lớp mình chủ nhiệm.

“Năm học 2021 - 2022, lớp 2 được học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Qua thời gian dài học trực tuyến nên khi trở lại trường vẫn còn nhiều em chưa nắm kiến thức cơ bản, do đó tôi đã mạnh dạn đề xuất phụ đạo trái buổi cho học sinh. Ở các buổi phụ đạo, tôi chú trọng ôn tập các kiến thức căn bản của 2 môn Toán và Tiếng Việt cho học sinh. Thực tế qua hơn 1 tháng tăng cường phụ đạo cho học sinh, nhiều em đã tiến bộ rõ rệt, đặc biệt là kỹ năng Tiếng Việt cũng như thực hiện tốt các bài Toán cơ bản”, cô An chia sẻ.

Còn cô Nguyễn Thị Quốc Minh, giáo viên dạy lớp 53, Trường Tiểu học Thủ Khoa Huân thì tổ chức lớp phụ đạo miễn phí trực tuyến cho học sinh mỗi tuần 2 buổi (2 giờ/buổi). Để đảm bảo việc học của học sinh, cô Minh thống nhất với phụ huynh duy trì đường link và giờ học online vào buổi tối. Cô Minh cho biết: “Cô và trò sẽ tương tác trực tuyến qua ứng dụng Zoom.

Lớp học chủ yếu củng cố kiến thức cho các em ở 2 môn Toán và Tiếng việt. Vào cuối các buổi học phụ đạo, giáo viên sẽ cho thêm bài tập để học sinh làm, làm xong bài tập thì phụ huynh chụp hình, gửi vào Zalo cho giáo viên xem và sửa bài. Để có bài giảng chất lượng, giúp học sinh dễ hiểu và tiếp thu nhanh, giáo viên phải chuẩn bị rất kỹ từ giáo án đến khâu kỹ thuật, thiết bị, hình ảnh, âm thanh... nhằm tạo hiệu ứng tốt cho bài giảng”.

Như một thói quen, mỗi tối từ thứ 4 đến chủ nhật vào khung giờ từ 19 giờ đến 20 giờ 30 phút mỗi ngày, em Huỳnh Lê Phương Ngọc, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Thủ khoa Huân và các bạn trong lớp cùng tham gia lớp học trực tuyến với giáo viên chủ nhiệm.

"Phải nói rằng việc dạy và học hiện nay khá vất vả, tuy nhiên nhà trường cùng giáo viên vẫn cố gắng tăng cường các lớp phụ đạo miễn phí vào những buổi chiều, ban đầu sĩ số học sinh của các lớp phụ đạo chỉ đạt khoảng 50% nhưng qua động viên, hỗ trợ học sinh tham gia đã đông hơn. Với những em đọc, viết yếu sẽ được rèn luyện lại từ đầu, còn em nào viết chậm, viết chữ nguệch ngoạc, giáo viên trực tiếp cầm tay học sinh uốn nắn cho đúng nét. Còn với kỹ năng đọc sẽ rèn cho các em cách phát âm, đánh vần. Đến nay, rất nhiều em đã tiến bộ, viết, đọc Tiếng Việt khá trôi chảy”.

LÊ THỊ KIM HỒNG, HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG TIỂU HỌC HUỲNH VĂN PHÈN, HUYỆN GÒ CÔNG TÂY

Theo em Ngọc, trong mỗi buổi học, giáo viên sẽ ôn lại các kiến thức đã học trong ngày ở các môn Toán, Tiếng Việt; đồng thời, hướng dẫn học sinh làm bài tập cơ bản đến nâng cao nhằm củng cố kiến thức, giúp học sinh tự tin với chuẩn kiến thức của năm học cuối cấp ở bậc tiểu học.

 

 

Nan giải nhất vẫn là học sinh lớp 1, bởi các em vẫn còn quá nhỏ. Theo lãnh đạo nhiều trường tiểu học, ngay sau khi các em trở lại trường học trực tiếp sẽ tiến hành rà soát lại khả năng học tập của từng em, từ đó có những điều chỉnh phù hợp. Theo đó, với những học sinh chưa biết đọc, biết viết, giáo viên sẽ hỗ trợ chính khóa hoặc tổ chức các lớp phụ đạo trái buổi cho các em.

NỖ LỰC Ở BẬC TRUNG HỌC

Hiện tại, sau khi hoàn thành việc kiểm tra giữa học kỳ II, các trường THCS, THPT đang tăng tốc hoàn thành khung chương trình của Bộ GD-ĐT ban hành. Vấn đề cốt lõi được nhiều cơ sở giáo dục trung học quan tâm hiện nay là làm sao đảm bảo chương trình trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng phải đảm bảo chất lượng để học sinh có thể học tập tốt ở các bậc học tiếp theo.

Với học sinh khối 12, nếu như theo đúng dự kiến của Bộ GD-ĐT, thì Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 sẽ diễn ra vào tháng 7, như vậy học sinh chỉ còn 3 tháng để vừa hoàn thành chương trình, kiểm tra học kỳ, vừa ôn tập thi tốt nghiệp THPT. Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố đề thi tham khảo tốt nghiệp THPT, ngành GD-ĐT tỉnh đã chỉ đạo các trường nghiên cứu cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT mà Bộ GD-ĐT đã công bố. Theo đó, các trường cần bám sát những định hướng, cấu trúc trong đề thi để có thể giảng dạy và ôn tập sao cho đạt hiệu quả.

"Năm học 2021 - 2022 tiếp tục là năm chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, điều đáng mừng là đến nay các trường học trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã nhanh chóng ổn định việc dạy và học sau khi tổ chức cho học sinh đi học trực tiếp. Đến nay, tỷ lệ học sinh đến trường học trực tiếp ở các bậc học lần lượt mầm non trên 74%; tiểu học trên 85%; THCS trên 93% và THPT trên 96%.

Toàn ngành GD-ĐT tỉnh đang nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép” vừa đảm bảo dạy học, vừa thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh. Hơn bao giờ hết, các cơ sở giáo dục cần tận dụng thật tốt “thời gian vàng” khi học sinh đến trường học trực tiếp để củng cố kiến thức, kỹ năng nhằm đảm bảo chất lượng dạy và học lâu dài cho những năm tiếp theo."

                                    TIẾN SĨ LÊ QUANG TRÍ, GIÁM ĐỐC SỞ GD-ĐT

Trường THPT Vĩnh Kim (huyện Châu Thành) đang cố gắng vừa hoàn thành chương trình, vừa nỗ lực ôn tập cho học sinh lớp 12. Với những học sinh có học lực trung bình, hoặc yếu kém nhà trường tổ chức một số lớp phụ đạo trái buổi, nhắc nhở giáo viên thường xuyên quan tâm, động viên học sinh cố gắng trong khoảng thời gian còn lại của năm học.

Quan điểm của nhà trường là học sinh cần nắm chắc kiến thức cơ bản, giáo viên tuyệt đối không cắt xén chương trình. Ngay sau khi có hướng dẫn chính thức của Bộ GD-ĐT về Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, nhà trường sẽ hướng dẫn, tư vấn cho học sinh chọn bài thi phù hợp với sở trường, nguyện vọng của mình.

Còn tại các trường THCS cũng đang linh hoạt các giải pháp dạy học trực tiếp song song với trực tuyến trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trong đó chú trọng bồi dưỡng, hướng dẫn học sinh lớp 9 các kiến thức, kỹ năng cần thiết để các em có thể tham gia tốt Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tới đây. Dự kiến trong tháng 4, Sở GD-ĐT sẽ có những hướng dẫn cụ thể về Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2022 đến các trường.

Đ. PHI

.
.
.