.

Tăng cường tư vấn tâm lý học đường

Cập nhật: 10:10, 09/11/2022 (GMT+7)

Tâm lý học sinh thường diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19. Thời gian qua, nhiều trường trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã thành lập phòng tư vấn tâm lý học đường để kịp thời gỡ rối các vấn đề về tâm lý cho học sinh.

Tuy nhiên, hiệu quả từ công tác tư vấn tâm lý học đường vẫn chưa cao, bởi thực tế trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã từng xảy ra không ít trường hợp học sinh gặp phải các vấn đề về tâm lý như áp lực học tập, chuyện gia đình, tình cảm riêng tư… dẫn đến những sự việc đáng tiếc. Vậy đâu là giải pháp cho công tác tư vấn học đường hiệu quả, giúp ổn định tâm lý học sinh?

KHI HỌC SINH BỊ ẢNH HƯỞNG TÂM LÝ

Cách đây không lâu, vào đầu năm học 2022 - 2023, nhiều người hốt hoảng khi chứng kiến em N.P.T., học sinh của một trường THCS trên địa bàn huyện Chợ Gạo rơi từ tầng 3 xuống sân xi măng của trường và em T. được đưa đi điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang trong tình trạng bị gãy tay, gãy chân trái, chấn thương cột sống.

Theo ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), tâm lý tuổi học sinh thường diễn biến rất đa dạng ở từng độ tuổi khác nhau. Đặc biệt là sau khoảng thời gian học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã có những tác động không nhỏ đến tâm lý, sức khỏe của học sinh. Không ít học sinh khi trở lại trường sau kỳ nghỉ dịch dài hạn đã có các biểu hiện của trầm cảm, dễ bị kích động… Đây là vấn đề đáng lo lắng, cần phát hiện và sớm đưa ra các giải pháp giải quyết kịp thời.

Trường THPT Bình Đông, TX. Gò Công tổ chức Diễn đàn “Xây dựng tình bạn đẹp - Nói không với bạo lực học đường” dành cho học sinh.
Trường THPT Bình Đông, TX. Gò Công tổ chức Diễn đàn “Xây dựng tình bạn đẹp - Nói không với bạo lực học đường” dành cho học sinh.

Theo nhiều Hiệu trưởng các trường THCS, THPT, bạo lực học đường trong nhiều năm qua được xem là thực trạng đáng nhức nhối của toàn ngành Giáo dục, chủ yếu tập trung ở lứa tuổi 13 đến 16 tuổi, đây là giai đoạn phát triển mạnh mẽ về tâm sinh lý của học sinh. Đánh giá trên thực tế các sự việc, có rất nhiều nguyên nhân xảy ra mâu thuẫn, thậm chí có nhiều chuyện nhỏ nhặt, nhưng do không kiềm chế, dẫn đến xô xát, đánh nhau.

Khi xảy ra sự việc liên quan đến những biến đổi tâm sinh lý của học sinh, hay bạo lực học đường thì trước tiên trách nhiệm thuộc về nhà trường trong việc giáo dục học sinh, nhưng cũng cần xem xét lại rằng, không phải lúc nào giáo viên, Ban Giám hiệu các trường cũng quán xuyến hết từng học sinh.

CÙNG GỠ RỐI TÂM LÝ HỌC SINH

Những năm học qua, ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang đã đẩy mạnh triển khai Thông tư 31 ngày 18-12-2017 của Bộ GD-ĐT về hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông.

Theo đó, các trường học trên địa bàn tỉnh đã kịp thời thành lập phòng tư vấn tâm lý học đường, góp phần phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp đối với học sinh đang gặp khó khăn về tâm lý trong học tập và cuộc sống, để tìm hướng giải quyết phù hợp, giảm thiểu tác động tiêu cực có thể xảy ra; qua đó, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc tư vấn tâm lý học đường không phải đến khi xảy ra sự việc mới dùng giải pháp can thiệp, mà đây là việc làm thường xuyên trong các trường học. Trong công tác tư vấn tâm lý học đường, nhiều trường học đã đề cao vai trò của giáo viên chủ nhiệm, bởi đây là những người thường xuyên gần gũi, chăm lo, tiếp xúc nhiều với học sinh.

Theo thầy Huỳnh Ngọc Minh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, TP. Mỹ Tho, bên cạnh giảng dạy và học tập, nhà trường rất chú trọng nắm bắt tâm lý, nguyện vọng của học sinh, trong đó vai trò của giáo viên chủ nhiệm là vô cùng quan trọng. Các thầy cô sẽ thể hiện sự quan tâm của mình qua việc nắm bắt hoàn cảnh, tâm lý của các em, đặc biệt là những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, từ đó kết hợp với các bộ phận khác có liên quan kịp thời giải quyết tốt các vấn đề, vụ việc.

“Các vấn đề tâm lý thường gặp đối với học sinh lớp 12 là về định hướng nghề nghiệp, nhu cầu được tư vấn về phương pháp học tập hiệu quả. Đối với học sinh khối 10, 11 có nhiều tâm tư về tuổi học trò, tình cảm bạn bè, tình cảm gia đình… Bên cạnh công tác tư vấn tâm lý, nhà trường còn có mô hình “Hộp thư xanh” và hộp thư điện tử, đây được xem là những địa chỉ đáng tin cậy để gỡ rối tâm lý cũng như các vấn đề học tập cần thiết cho học sinh”, thầy Minh cho biết thêm.

Còn theo cô Bùi Huỳnh Thơ, Hiệu trưởng Trường THCS Thái Văn Nam, huyện Gò Công Đông cho biết: “Tuổi mới lớn, các em thích khám phá, tìm hiểu nhiều vấn đề về giới tính, tình yêu học trò, kỹ năng sống, nghề nghiệp... Chính vì vậy, công tác tư vấn tâm lý cho học sinh là rất quan trọng.

Tuy nhiên thực tế, ngoài giờ học, học sinh chủ yếu là ở nhà và ngoài xã hội, do đó bên cạnh nhà trường tổ chức thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh, thì rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các giáo viên tư vấn tâm lý với gia đình, đặc biệt là cha mẹ, bạn bè, những người xung quanh các em”.

Bên cạnh những thuận lợi, công tác tư vấn tâm lý học đường hiện nay cũng bộc lộ không ít khó khăn, nguyên nhân chủ yếu là do chưa có cán bộ chuyên trách về tư vấn tâm lý học đường, chủ yếu là làm công tác kiêm nhiệm nên thiếu thời gian và kỹ năng chuyên nghiệp; cơ sở vật chất thiếu thốn… Tâm lý tuổi học trò vô cùng đa dạng. Bên cạnh sự nỗ lực của nhà trường, rất cần sự chung tay, góp sức của gia đình và xã hội để kịp thời uốn nắn, giáo dục học sinh, từ đó góp phần vào mục tiêu nâng cao chất lượng GD-ĐT.

V. PHƯƠNG

.
.
.