Thứ Tư, 28/11/2012, 15:16 (GMT+7)
.

Dấu ấn ông bí thư xã

Cách nay gần 3 năm, ông Phan Văn Quận (Tư Quận) được Huyện ủy Gò Công Tây điều động về tham gia cấp ủy xã Long Bình, sau đó được Đại hội đại biểu Đảng bộ xã tín nhiệm bầu giữ trọng trách Bí thư nhiệm kỳ 2011-2015.

Ba năm chưa phải là đủ dài, lại mới được điều chuyển từ nơi khác tới nhưng bằng quyết tâm học tập, làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh “hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”, Bí thư xã Tư Quận đã tạo nên những dấu ấn tốt đẹp trong lòng nhân dân xã Long Bình.

Việt chú thích ảnh này giùm.
Cùng với tập thể cấp ủy, Bí thư Tư Quận (bên trái) đã tạo ra sự chuyển biến tích cực, đưa xã Long Bình vượt lên về mọi mặt.

Là một xã “biên giới” của Gò Công Tây, từ lâu Long Bình được xác định là một trong 3 cụm kinh tế - kỹ thuật của huyện; có trục đường tỉnh 877A xuyên tâm theo hướng tây-đông; có đường huyện 16A nối với quốc lộ 50 theo hướng bắc-nam; có đường dẫn và bến phà vượt sông Cửa Tiểu sang huyện mới Tân Phú Đông; có nguyên bờ nam là sông Cửa Tiểu; có khu thị tứ lâu đời khá sầm uất và được quy hoạch để thành lập thị trấn trong tương lai gần…

Với lợi thế đó, song ở thời điểm cuối năm 2009 trở về trước, Long Bình được xếp vào xã loại trung bình của huyện. Về hệ thống chính trị, Đảng bộ có khá đông đảng viên nhưng chưa thật sự trong sạch, vững mạnh. Hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền còn khá khiêm tốn. Các tổ chức đoàn thể chỉ hoạt động cầm chừng.

Vì vậy, nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội phấn đấu mãi mà chưa đạt. Điều đáng nói là tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội có nhiều diễn biến phức tạp và nhiều vấn đề xã hội bức xúc chưa được giải quyết căn cơ…

Nói chung, khi về nhận nhiệm vụ đứng đầu Đảng bộ xã Long Bình, ông Tư Quận phải tiếp quản một “cơ ngơi” khá bề bộn, đòi hỏi phải giải quyết ngay; đồng thời phải tính tới kế “sâu rễ, bền gốc” cho sự phát triển ổn định, lâu dài của xã.

Với vai trò Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND xã, ông Tư Quận đã bằng cái tâm và cái tầm của người đứng đầu ra sức tìm cách xốc lại cả hệ thống chính trị của xã, tạo ra sự chuyển biến tích cực, đưa xã Long Bình vượt lên về mọi mặt.

Dù  nhiều lần ông Tư Quận khẳng định: “Đây là thành quả phấn đấu của tập thể cấp ủy và công lao của cả hệ thống chính trị và của toàn dân trong xã chứ không phải của riêng một cá nhân nào”. Đành là vậy nhưng đối với người dân, mọi sự đổi thay theo chiều hướng tích cực mà Long Bình có được như ngày hôm nay mang đậm dấu ấn của ông bí thư xã.

Dấu ấn đầu tiên mà người dân cảm nhận được một cách rõ ràng là sự đổi thay về nền nếp hoạt động, công tác cũng như thái độ phục vụ, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, nhân viên của cả hệ thống chính trị tại trụ sở xã.

Không còn cảnh người dân phải phải chờ đợi hay thất vọng ra về vì cán bộ phụ trách “bận” đi đâu đó hay làm gì đó mà đến trễ hoặc vắng mặt ở cơ quan, nhất là vào các buổi chiều. Tại trụ sở xã không còn cảnh liên hoan, tiệc tùng thường xuyên sau những buổi hội nghị, hội thảo hoặc là tiếp khách đột xuất hay những buổi xế chiều cán bộ, nhân viên rỗi việc sinh “buồn buồn”.

Cũng không còn hình ảnh cán bộ xã ngồi quán ăn, quán nhậu, quán nước trong giờ hành chính. Đặc biệt, người dân cảm thấy được tiếp đãi một cách trọng thị, ân cần khi đến quan hệ làm việc với các cơ quan chức năng ở xã.

Không chỉ ở trụ sở xã mà nền nếp, phong cách làm việc của bộ máy quản lý các ấp cũng được đổi mới, nâng chất rõ rệt. Người dân có thể tìm gặp các cán bộ ấp để đề nghị giải quyết mọi công việc vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, thậm chí là ban đêm...

Một số cán bộ có dư luận không minh bạch về tiền nong, nhất là các trường hợp có liên quan đến việc thực hiện các chế độ cho các đối tượng chính sách hoặc trợ cấp xã hội, nhân đạo từ thiện…;  những cán bộ có dấu hiệu tự tư, tự lợi, bè cánh hoặc thường xuyên ăn uống, nhậu nhẹt bê tha… đều bị xử lý, uốn nắn kịp thời và đối với các trường hợp cần thiết thì mạnh dạn thay thế.

Bây giờ, đến Long Bình và hỏi: Cán bộ xã, ấp hiện nay làm việc ra sao? Thì bất cứ người dân nào cũng có thể cho câu trả lời: “Ngon rồi! Tay nào lơ mơ là khó làm việc với ông Tư Quận”.

Những người dân bình thường hoàn toàn không hề biết đến luận điểm: “Cán bộ là vấn đề cốt tử” nhưng lại rất hài lòng về công tác chấn chỉnh, củng cố, đổi mới hoạt động của bộ máy cán bộ ở xã Long Bình trong thời gian qua mà người khởi xướng và chỉ đạo thực hiện không ai khác hơn là ông Tư Quận.

Ông Tư Quận (đứng giữa) đang đi kiểm tra phong trào phòng, chống tội phạm ở các ấp.
Bí thư Tư Quận kiểm tra phong trào phòng, chống tội phạm ở các ấp.

Dấu ấn thứ hai là ông Tư Quận đã tạo ra sự đồng tình, ủng hộ tuyệt đối của đại bộ phận cộng đồng dân cư đó là thái độ kiên quyết, dứt khoát, không khoan nhượng trong đấu tranh với các tệ nạn xã hội; nhất là nạn đánh bạc mà trước đó Long Bình đã rất nổi tiếng với các tụ điểm đá gà ăn tiền, đặc biệt là trường gà “thằng Tr…”.

Đây là trường gà có tiếng là rất “mạnh”, ngang nhiên tồn tại suốt một thời gian dài dù chỉ nằm cách trụ sở các cơ quan xã đúng một cây số (!). Cùng với việc xóa trường gà này, các hình thức đánh bạc khác cũng không có chỗ để tồn tại.

Bao nhiêu người vợ, bao nhiêu người mẹ đã hết lời “Cảm ơn ông Tư Quận” bởi chủ trương “cấm tiệt đá gà, đánh bạc”. Song song đó, các tệ nạn khác như quán nhậu “tươi mát”, quán cà phê đèn mờ, chòi, võng… cũng bị cấm tiệt. Nạn nhậu say gây rối, gây sự đánh nhau, bạo hành gia đình và nạn trộm cắp vặt… giảm đi rất rõ rệt.

Dấu ấn thứ ba là sự quyết liệt trong thực hiện cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trên toàn địa bàn xã. Nếu trước đây, hàng chục năm mới đưa được 3 ấp lên ấp văn hóa nhưng chỉ trong vòng chưa đầy 3 năm trở lại đây 5 ấp còn lại mà toàn là những ấp thuộc loại “phức tạp” lần lượt được UBND huyện Gò Công Tây quyết định công nhận là ấp văn hóa.

Đây là cuộc vận động lớn có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự hưởng ứng tích cực, nhiệt thành của nhân dân. Tuy nhiên, không thể không nhắc đến vai trò của người đứng đầu đảng bộ trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và trực tiếp xuống địa bàn đeo bám, vận động, thuyết phục các hộ dân phấn đấu thực hiện các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa, nền tảng của khu dân cư văn hóa.

Bởi thế mà hiện nay 8/8 ấp của xã đã được công nhận là ấp văn hóa. Bà con hớn hở thấy khung cảnh phong quang, đường làng ngõ xóm sạch đẹp, hệ thống đèn chiếu sáng được lắp đặt khắp các trục đường chính. Nhân dân sống tươi vui, chan hòa trong tình làng nghĩa xóm.

Cư dân cố cựu ở đây khẳng định: Từ sau 30-4-1975 đến nay, Tư Quận là bí thư mà dân dễ tiếp cận nhất. Ông luôn luôn sẵn sàng lắng nghe và chỉ đạo giải quyết rốt ráo những thắc mắc, đề nghị của bất cứ người dân nào một cách thấu tình, đạt lý.

Ông Sáu Diệp, một người dân ở ấp Hòa Phú cứ nhắc mãi: “Nếu không có ông Tư Quận thì tôi đã bị cán bộ địa chính xã và chấp hành viên Đội Thi hành án huyện thi hành “ngược” quyết định của Tòa án nhân dân huyện Gò Công Tây trong vụ tranh chấp ranh đất với người láng giềng rồi!”.

“Ở đâu dân cần, có Tư Quận”. Tư Quận sẵn sàng xuống tiếp xúc với dân dù chỉ là để vận động, thương thảo với một chủ hộ về việc đốn hạ một cây dừa mọc gie gây cản trở cho việc mở rộng, bê tông hóa đường vào xóm. Hay như xuống để thăm viếng, trao đổi, giáo dục, động viên những gia đình nghèo, đông con, thiếu việc làm, thường xuyên có xung đột gia đình, ảnh hưởng đến trật tự công cộng… thay đổi nền nếp sinh hoạt, chí thú làm ăn như trường hợp các gia đình con trai, con gái của ông Huỳnh Văn Bộ ở ấp Khương Ninh.

Người dân trong xã nâng cao niềm tin vào Đảng và bộ máy công quyền gắn với các cách xưng hô với ông Tư Quận. Đây chính là dấu ấn tiếp theo và còn nhiều nữa.

Cũng có dư luận bảo “Tư Quận lấn sân”. Nhưng đối với những người dân bình thường của xã Long Bình, có mấy ai quan tâm đến mối quan hệ trong cơ chế lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước như thế nào? Nhiệm vụ cụ thể của ông bí thư xã là gì?... Mọi người chỉ cần biết ai đã đem lại lợi ích thiết thực cho họ nhiều hơn, tốt hơn? Ai bảo vệ họ? Ai là người mà họ có thể  tin cậy và gửi gắm niềm tin? Chính vì vậy mà dấu ấn đẹp của ông Tư Quận trong lòng dân Long Bình càng sâu sắc.

Nếu mọi người biết, ông Tư Quận sinh năm 1955, có nghĩa là đến năm 2015 hết nhiệm kỳ làm bí thư Đảng ủy xã Long Bình thì cũng là lúc ông phải nghỉ hưu theo quy định. Điều đó càng làm tăng thêm sự trân trọng về tấm lòng của ông nhiều hơn bởi ở Tư Quận không có chuyện “tư duy nhiệm kỳ” mà rõ ràng là tư duy và hành động của một người cán bộ của Đảng “hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân” đúng như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

LÊ MINH HOÀNG

.
.
.