Chủ Nhật, 20/10/2013, 05:48 (GMT+7)
.

Giảng viên Nguyễn Thị Út Vi: Thực hiện tốt lời Bác dạy

Thạc sĩ Nguyễn Thị Út Vi (Giảng viên Khoa Ngoại ngữ, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) Trường Đại học Tiền Giang) được đồng nghiệp và sinh viên yêu mến bởi phong cách giản dị, gần gũi, luôn lấy việc “dạy chữ, dạy người” làm lẽ sống, vì tương lai của thế hệ trẻ.  Đặc biệt, cô luôn lấy tấm gương đạo đức, phong cách của Bác Hồ kính yêu để học tập và làm theo.

Cô Nguyễn Thị Út Vi (SN 1961) quê quán xã Long An, huyện Châu Thành. Năm 1976, khi còn là học sinh Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, nữ sinh Nguyễn Thị Út Vi đã tình nguyện đi bộ đội, công tác ở Phòng Chính trị Tỉnh đội Tiền Giang. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, cô Út Vi được phân công công tác tại Ngân hàng huyện Châu Thành. Năm 1983, cô thi đậu vào khoa Sư phạm tiếng Anh của Trường Đại học Cần Thơ.

Tốt nghiệp Đại học Cần Thơ năm 1987, cô về giảng dạy ở Trường THPT Nguyễn Văn Tiếp (chi nhánh Trường THPT Tân Hiệp - Châu Thành). Năm 1989, cô được điều về giảng dạy tại các trường: Cao đẳng Sư phạm Tiền Giang, Cao đẳng Cộng đồng Tiền Giang và Trường Đại học Tiền Giang (ĐHTG).

Cô đã trải qua nhiều chức vụ: Phó Trưởng Khoa Cơ bản (năm 2005 - 2009), Phó Chủ tịch và Chủ tịch Hội CCB Trường ĐHTG. Dù ở cương vị công tác nào cô cũng luôn đề cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, hết lòng vì sinh viên và đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp, đồng chí.

Cô Nguyễn Thị Út Vi nhận Giấy khen của Hội CCB Khối Các cơ quan tỉnh năm 2012.
Cô Nguyễn Thị Út Vi nhận Giấy khen của Hội CCB Khối Các cơ quan tỉnh năm 2012.

Là một giáo viên đứng trên bục giảng, cô Út Vi luôn khắc ghi và làm theo lời dạy của Bác “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Cô luôn tâm niệm, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác phải là một quá trình tự giác trau dồi kiến thức chuyên môn, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người thầy, phát huy tính tiên phong gương mẫu của người đảng viên, tính xung kích đi đầu của “Bộ đội Cụ Hồ”; gắn kết các hoạt động dạy học, công tác đoàn thể với lao động sáng tạo trên mọi lĩnh vực. Cô Út Vi học ở Bác“Người thầy thì cần phải rèn luyện cái tâm thật sáng, cái tài (tay nghề) thật cao mới đảm nhận được công tác trồng người”.

Ý thức được trách nhiệm là phải “khai đức, rèn trí, luyện tâm” cho sinh viên, cô luôn học hỏi, tìm tòi phương pháp truyền đạt sao cho sinh viên dễ hiểu, tiếp thu bài nhanh nhất. Cô Út Vi tâm niệm, ngoài việc hết lòng giảng dạy và giáo dục học sinh bằng tình thương yêu và trách nhiệm, cần có ý thức tự học, tự rèn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, luôn tìm cách đổi mới phương pháp dạy học “củng cố dạy chữ, nâng cao dạy người”. Cô bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ tại Trường Đại học Canberra (Úc) vào năm 1999.

Học tập tinh thần cần, kiệm và sửa đổi lối làm việc của Bác, cô xây dựng kế hoạch công tác, lịch sinh hoạt của bản thân một cách hợp lý, thường xuyên nhắc nhở sinh viên phải nghiêm túc tiết kiệm điện, nước và văn phòng phẩm.

Năm 2004, cô Út Vi được đồng đội tín nhiệm bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch Hội CCB của Trường ĐHTG. Cô luôn coi trọng công tác giáo dục tư tưởng và truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Những ngày lễ lớn hàng năm, cô tham mưu cho Hội CCB nhà trường phối hợp với Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên… tổ chức nhiều chương trình giao lưu và gặp gỡ giữa các CCB với đoàn viên, thanh niên của nhà trường; cùng Ban Chấp hành Hội CCB tổ chức cho các hội viên tham gia các chuyến du khảo về nguồn các di tích lịch sử cách mạng, viếng Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, thắp nến tri ân...

Với lối sống giản dị, gần gũi, hết lòng với nghề, cô Út Vi không chỉ nhận được tình thương yêu từ sinh viên mà còn nhận được sự tin yêu, tín nhiệm từ đồng nghiệp, lãnh đạo nhà trường. Chính những nỗ lực không mệt mỏi đó, nhiều năm liền cô đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, nhận nhiều giấy khen, bằng khen của UBND tỉnh, ngành GD&ĐT và của Trung ương  Hội CCB Việt Nam.

Thạc sĩ Nguyễn Quang Khải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHTG nhận xét: “Từ một thanh niên nghèo nhưng giàu nghị lực và được rèn luyện trong môi trường quân đội, được đào tạo chính quy, cô Út Vi có đủ bản lĩnh, tự tin và có năng lực chuyên môn vượt trội. Cô là một CCB, một nhà giáo toàn tâm, toàn ý, hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, thực hiện tốt lời Bác dạy”.

VĨNH SƠN

.
.
.