Thứ Sáu, 15/12/2017, 20:27 (GMT+7)
.

Lợi ích của hầm biogas

Lợi ích trong việc xây dựng hầm biogas mang lại là góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, tạo ra phân hữu cơ bón cho cây trồng; tạo ra khí phục vụ đun nấu, thắp sáng… hay sử dụng như một loại nhiên liệu chạy động cơ kéo các máy công tác bơm nước, chạy lò hơi hoặc phát điện...

Ông Nguyễn Văn Ái kiểm tra công trình hầm biogas của gia đình.
Ông Nguyễn Văn Ái kiểm tra công trình hầm biogas của gia đình.

Trên thực tế, nhiều mô hình hầm biogas được xây dựng đã phát huy hiệu quả, góp phần đáng kể trong việc giải quyết ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi. Mô hình hầm biogas của ông Nguyễn Văn Ái, ấp Long Hòa B, xã Đạo Thạnh (TP. Mỹ Tho) xây dựng cách nay hơn 3 năm, với sức chứa khoảng 20 m3 chất thải đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Từ khi xây dựng hầm, ông đã tận dụng nguồn nước sau bể lắng, lọc để tưới cho cây ăn trái trong vườn như: Dừa, xoài, bưởi, quýt… Ngoài ra, ông còn tận dụng khí để dẫn vào bếp gas đun nấu rượu, nấu cơm, nấu nước… Mỗi tháng, nhờ sử dụng mô hình hầm biogas, gia đình ông đã tiết kiệm được từ 500.000 - 700.000 đồng tiền mua phân bón cho cây ăn trái và tiền mua gas phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày.

Tương tự, gia đình ông Nguyễn Văn Lai ở gần đó cũng xây dựng hầm biogas khoảng 9 m3 để xử lý chất thải cho 30 con heo thịt và heo nái. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Lai cho biết, từ khi xây dựng hầm biogas, lợi ích mang lại rất nhiều như: Môi trường xung quanh chuồng trại được sạch sẽ, nước thải qua xử lý được tận dụng để bón cho cây trồng, có khí gas cho việc nấu nướng hằng ngày. Đầu tư xây dựng hầm biogas chỉ khoảng 13 triệu đồng nhưng tính ra, mỗi tháng gia đình tiết kiệm được khoảng 400.000 - 500.000 đồng.

Đến thăm mô hình hầm biogas khá hiện đại của gia đình ông Văng Công Hoan, ấp Lương Phú C, xã Lương Hòa Lạc (huyện Chợ Gạo), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên về hệ thống kết nối với hầm để tận dụng tối đa chất thải và khí gas. Tham quan xung quanh mô hình, ông Văng Công Hoan tâm sự: “Tôi đầu tư xây dựng hầm hơn 40 m3 để xử lý chất thải, với chi phí đầu tư khoảng 40 triệu đồng. Sau bể biogas, gia đình xây dựng thêm 3 bể lắng lọc để lấy nguồn nước thải ở hầm thứ 3 tưới cho cây trồng. Ngoài ra, tôi còn tận dụng khí gas để đun nấu cho sinh hoạt gia đình, chạy máy phát điện, máy xay thức ăn và chạy motor dội rửa chuồng. Chi phí đầu tư xây dựng hầm biogas không lớn nhưng lợi ích mang lại rất nhiều. Mỗi tháng, gia đình tiết kiệm trên 1 triệu đồng.

Đánh giá về hiệu quả mang lại của hầm biogas, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án LCASP Huỳnh Thanh Nông cho biết, lợi ích của biogas về môi trường là chuồng trại chăn nuôi trở nên sạch sẽ, chất thải được xử lý nên làm giảm một số dịch bệnh như: Giun sán, bệnh truyền nhiễm, xử lý được phân và nước thải làm giảm đi mùi hôi, thối. Biogas là một nguồn năng lượng sạch và có giá trị cao có thể dùng để phục vụ nhiều mục đích như: Đun nấu, thắp sáng, chạy động cơ đốt trong (dùng thay thế cho xăng và dầu diezel), dùng chuyển hóa thành điện năng sử dụng cho sinh hoạt. Lợi ích của biogas trong nông nghiệp là chất thải từ chuồng trại khi được cho vào hầm biogas sẽ bị biến đổi và một phần được chuyển hóa thành khí biogas; phần còn lại là nước thải và các chất cặn bã có thể được sử dụng vào nhiều mục đích khác như: Làm phân bón, nước thải có thể dùng để tưới trực tiếp cho rau và hoa màu xanh tốt hơn. Ngoài ra, nước thải từ hầm biogas còn có thể dùng vào việc nuôi cá theo mô hình vườn - ao - chuồng... góp phần tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình. Bên cạnh đó, việc xây dựng hầm biogas còn giảm gánh nặng công việc cho phụ nữ và trẻ em, thay thế gỗ củi và các nhiên liệu hóa thạch khác trong đun nấu, góp phần giảm phát thải hiệu ứng khí nhà kính.

Thực tế cho thấy, xây dựng hầm biogas để góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường và tận dụng khí gas đun nấu, giảm chi phí chăn nuôi và sinh hoạt. Đây là mô hình hay, mang lại lợi ích nhiều mặt nên cần được nhân rộng.

S.N - TTKN

.
.
.