.

Nước sau biogas - nguồn phân bón quý giá

Cập nhật: 14:56, 27/07/2018 (GMT+7)

Nước thải sau hầm biogas có thể dùng để tưới cho cây trồng, giúp giảm đáng kể chi phí từ tiền mua phân bón (nhất là phân hóa học). Hiện nay, nhiều hộ chăn nuôi đã sử dụng nước thải sau hầm KSH để tưới cho cỏ chăn nuôi, sả và nhiều loại cây ăn trái như mít, xoài, nhãn… cho hiệu quả cao.

Mô hình xử lý nước thải sau biogas trước khi tưới cho rau và cây trồng của ông  Lê Quốc Bảo.
Mô hình xử lý nước thải sau biogas trước khi tưới cho rau và cây trồng của ông Lê Quốc Bảo.

Gia đình ông Lê Quốc Bảo, xã Thanh Hòa (TX. Cai Lậy) nuôi 15 heo nái, 150 con heo thịt. Trước đây, trang trại nuôi heo của ông xả chất thải thẳng ra ao sau nhà nên mùi hôi rất nặng, ảnh hưởng đến bà con xung quanh.

Được cán bộ khuyến nông huyện Cai Lậy hướng dẫn, ông đăng ký xây hầm KSH quy mô 12 m3. Ông được Dự án Hỗ trợ nông nghiệp cacbon thấp hỗ trợ 3 triệu đồng và được cán bộ dự án tư vấn xây dựng hầm KSH. Sau hầm KSH, ông xây 2 bể lắng, qua 2 bể lắng là cái ao rộng khoảng 700 m2.

Tham quan một vòng của ao này, chúng tôi không thể nhận ra đây là ao nước thải được lọc từ nguồn thải của trang trại heo.

Bởi, mùi hôi dường như không có, nước trong vắt. Dưới ao, ông Bảo nuôi cá phi, cá tra, cá tai tượng… Và ao cá này đã cho gia đình ông nguồn thu đáng kể từ tiền bán cá.

Không những vậy, ông sử dụng nguồn nước của ao này để dẫn tưới cho 0,6 ha sả, bưởi và mít. Ông Bảo tâm sự: “Ban đầu, tôi bơm nước từ ao này để tưới cây, không ngờ cây xanh tốt quá, tôi giảm lượng phân vô cơ lại nhưng vườn cây vẫn rất xanh tốt. Sau đó, tôi quyết định cắt toàn bộ lượng phân vô cơ và chỉ tưới nước được lấy từ dưới ao”.

Theo tính toán của ông Bảo, mỗi tháng gia đình ông tiết kiệm được khoảng 300.000 - 400.000 đồng từ tiền mua phân bón cho cây trồng.

“Mặc dù, cây ăn trái không xanh mướt như bón phân vô cơ nhưng nhìn lá, thân, trái thì biết cây không thiếu phân; cây ăn trái cũng ít sâu bệnh và trái cây ngon ngọt hơn, giữ được lâu hơn”- ông Bảo cho biết thêm.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Giám đốc Dự án Hỗ trợ nông nghiệp cacbon thấp tỉnh Tiền Giang Trần Thanh Phong chia sẻ: “Chúng ta phải coi chất thải chăn nuôi là nguồn tài nguyên để từ đó có biện pháp xử lý, tạo ra giá trị gia tăng trong chăn nuôi.

Tuy nhiên, khi sử dụng phân hữu cơ để bón cho cây trồng, nông dân cần chú ý phải sử dụng phân hoai, nếu sử dụng nước thải sau hầm KSH thì nguồn nước này phải nằm trong bể KSH từ 40 - 45 ngày mới đủ điều kiện tưới.

Ngoài ra, tùy từng loại cây trồng khác nhau sẽ có tần suất, nồng độ pha loãng phù hợp, nếu tưới đậm đặc quá cũng có thể làm cháy cây, nhất là cây còn non hoặc đang có lá non”.

Một số mô hình sử dụng nước thải sau biogas của Dự án Hỗ trợ nông nghiệp cacbon thấp tỉnh Tiền Giang đã và đang được triển khai ở nhiều địa phương.

Mô hình này đã giúp các hộ chăn nuôi sử dụng triệt để nước thải sau biogas, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do nước thải gây ra, góp phần tiết kiệm nguồn tài nguyên nước cũng như nâng cao hiệu quả, chất lượng ngành Chăn nuôi, phát triển ngành Chăn nuôi thân thiện với môi trường.

SN - TTKN

.
.
.