Chủ Nhật, 26/05/2019, 14:03 (GMT+7)
.

Khởi nghiệp thành công nhờ đam mê nghiên cứu khoa học

7 năm qua, Thạc sĩ Phạm Hồng Thơm - Giám đốc Công ty TNHH MTV Cơ khí và Tự động hóa Tân Phước Đông (ấp Bãi Bùn, xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông) đã nghiên cứu, sáng chế ra nhiều thiết bị, máy móc ở lĩnh vực cơ khí gắn với tự động hóa có tính hữu dụng cao.

Việc doanh nghiệp không ngừng phát triển cùng với Dự án sản xuất lưỡi cưa gỗ CD đính hợp kim tự động được triển khai đã mang lại cho anh Thơm những thành công trong quá trình khởi nghiệp.

Anh Thơm và dây chuyền cưa xẻ gỗ tự động chuẩn bị giao cho đối tác ở tỉnh Lâm Đồng.
Anh Thơm và dây chuyền cưa xẻ gỗ tự động chuẩn bị giao cho đối tác ở tỉnh Lâm Đồng.

TẬN DỤNG LỢI THẾ ĐỂ KHỞI NGHIỆP

Sau khi tốt nghiệp ngành Thiết kế cơ khí Trường Đại học quốc gia Pukyong -  Hàn Quốc (chương trình học bổng du học toàn phần), tháng 8-2012, anh Thơm quyết tâm hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp với việc thành lập Công ty TNHH MTV Cơ khí và Tự động hóa Tân Phước Đông.

Thông qua việc áp dụng những kiến thức đã học ở Hàn Quốc vào điều kiện thực tế của Việt Nam cũng như địa phương, anh Thơm đã phát triển doanh nghiệp của mình theo hướng chuyên sản xuất các sản phẩm, thiết bị, máy móc cơ khí phục vụ cho nông, lâm, ngư nghiệp như: Máy cưa tự động, máy mài lưỡi cưa tự động…

Lý giải về lý do chọn Tân Phú Đông (nơi anh Thơm sinh ra) để khởi nghiệp vốn không có nhiều tiềm năng để phát triển mạnh ngành Cơ khí - Tự động hóa, anh Thơm cho rằng, vì bước đầu khởi nghiệp nên anh cần tối thiểu hóa chi phí thông qua tận dụng những gì mình có sẵn như sử dụng đất nhà để không tốn tiền thuê mặt bằng.

Bên cạnh đó, anh Thơm còn có thể thực hiện giải pháp sử dụng hợp lý nguồn lực còn hạn chế lúc đầu bằng cách liên kết với xưởng cưa của người thân ở gần nhà để thử nghiệm cũng như đánh giá mức độ hoàn thiện của một số máy móc, thiết bị cơ khí do anh sáng tạo ra như: Máy mài lưỡi cưa, máy cưa CD tự động… mà không phải tốn nhiều chi phí.

Kỹ sư Nguyễn Văn Re, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Tiền Giang nhận xét: “Thạc sĩ Phạm Hồng Thơm được đào tạo bài bản ở nước ngoài, rất đam mê nghiên cứu khoa học và có chí khởi nghiệp.

Những sản phẩm do anh sáng chế đều đảm bảo tính mới, tính ứng dụng và được đánh giá cao tại các lần tham dự Hội thi STKT cấp tỉnh cũng như toàn quốc.

Đặc biệt, những  thiết bị, máy móc do công ty anh Thơm sản xuất ngày càng thể hiện rõ lợi thế cạnh tranh với hàng ngoại nhập, với chất lượng cao, giá thành thấp, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước cũng như đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu”.

ĐAM MÊ NGHIÊN CỨU, SÁNG TẠO

Để sáng tạo ra một sản phẩm mới, anh Thơm phải mất nhiều thời gian cho việc thiết kế đến lập trình mô phỏng trên máy tính. Sau khi hoàn chỉnh mô hình, anh tiến hành kết nối và gia công theo lập trình trên máy tính.

Nhờ vậy, việc chỉnh sửa, hoàn thiện các phiên bản được thực hiện nhanh, đỡ tốn kém chi phí hơn so với cách làm mày mò của người thợ thủ công. Khi thiết kế, ngoài chú ý đến tính năng mới của sản phẩm, thì vấn đề đảm bảo an toàn cho người lao động khi vận hành thiết bị được anh đặc biệt quan tâm.

Với đam mê nghiên cứu, sáng tạo đã mang về cho anh Thơm giải Khuyến khích ở Hội thi sáng tạo kỹ thuật (STKT) tỉnh Tiền Giang lần thứ X (2012 - 2013) ngay trong giải pháp sáng tạo đầu tay là “Thiết bị hẹn giờ cho quạt oxy”.

Tiếp theo, nhiều giải pháp sáng tạo khác được anh lần lượt cho ra đời, được nhiều doanh nghiệp, người sử dụng đánh giá cao về hiệu quả cũng như tính năng sử dụng như: Thiết bị cân bằng động, máy mài lưỡi cưa, máy cưa CD tự động, máy cưa dĩa, máy bấm me lưỡi cưa, máy mở lưỡi cưa…

Trong đó, máy cưa CD tự động do anh Thơm sáng chế được trao giải Nhất Hội thi STKT tỉnh Tiền Giang lần thứ XII (2016 - 2017) và đạt giải Khuyến khích Hội thi STKT toàn quốc. Cũng với giải pháp này, anh Thơm được Chủ tịch UBND tỉnh trao Bằng công nhận danh hiệu “Trí thức khoa học - công nghệ tiêu biểu tỉnh Tiền Giang năm 2018”.

Anh Thơm cho biết, năm 2016 và 2017 là cột mốc quan trọng nhất cho quá trình khởi nghiệp cũng như sự phát triển doanh nghiệp của anh. Đây là khoảng thời gian anh dành toàn bộ nguồn lực cho Dự án đầu tư “Xây dựng nhà xưởng, máy móc, thiết bị chế tạo dây chuyền sản xuất lưỡi cưa gỗ CD đính hợp kim tự động (thép gió)”. Dự án có tổng kinh phí đầu tư hơn 1,4 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn từ Quỹ Khuyến công quốc gia hỗ trợ không hoàn lại là 195 triệu đồng.

Dự án được Cục Công nghiệp địa phương (thuộc Bộ Công thương), Sở Công thương, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Tiền Giang (thuộc Sở Công thương) tổ chức tổng kết, nghiệm thu vào cuối năm 2017. Các máy móc, thiết bị phục vụ quy trình sản xuất lưỡi cưa CD đính hợp kim tự động đều do anh Thơm nghiên cứu sáng chế ra.

Sau dự án, Công ty TNHH MTV Cơ khí và Tự động hóa Tân Phước Đông trở thành doanh nghiệp đầu tiên trong tỉnh cũng như cả nước đã làm chủ công nghệ sản xuất lưỡi cưa gỗ CD đính hợp kim tự động có thể thay thế hàng nhập ngoại.

Theo anh Thơm, ưu điểm của lưỡi cưa CD đính hợp kim tự động là có giá bán chỉ bằng 50% so với hàng nhập ngoại; đồng thời, năng suất cưa cao gấp 4 lần lưỡi cưa thường, sau thời gian sử dụng chỉ cần mài lại (bằng máy mài tự động), không cần phải bấm me hay mở lưỡi. Đặc biệt, gỗ được cưa bằng lưỡi cưa CD đính hợp kim tự động có độ chính xác cao, bề mặt bóng láng (tùy mục đích sử dụng có thể không cần bào lại)…

Hiện tại, các thiết bị, máy móc do anh Thơm sáng chế không chỉ cung ứng cho thị trường trong nước, mà còn được xuất sang Lào, Campuchia và một số nước ở châu Phi. Khi được hỏi về bí quyết khởi nghiệp thành công, anh Thơm chia sẻ: “Trong điều kiện cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, muốn thành công, doanh nghiệp, doanh nhân phải biết tận dụng và phát huy thế mạnh của mình gắn với không ngừng nghiên cứu, ứng dụng những thành tựu khoa học - công nghệ để tạo ra nhiều sản phẩm mới có tính khác biệt về chất lượng, công năng, giá cả nhằm đáp ứng kịp thời những nhu cầu của thị trường, người tiêu dùng vốn luôn thay đổi và ngày càng trở nên khó tính”.

HUỲNH VĂN XĨ

.
.
.