.

Cải tiến máy in 3D theo công nghệ in 4D

Cập nhật: 14:27, 04/05/2020 (GMT+7)

Cải tiến máy in 3D bằng cách sử dụng đầu in 2 trong 1 (E3D Cyclops) phối trộn 2 loại nhựa in 3D để in vật thể theo công nghệ in 4D là giải pháp sáng tạo do Thạc sĩ Lê Trung Kính, giáo viên Trường THPT Chuyên Tiền Giang thực hiện. Giải pháp này được trao giải Khuyến khích Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ XIII (2018 - 2019) và đạt giải Khuyến khích Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc lần thứ XV (2018 - 2019).

Thầy Kính  và học sinh  là đồng  tác giả  đề tài cải tiến.
Thầy Kính và học sinh là đồng tác giả đề tài cải tiến.

Kỹ thuật in 3D có nhược điểm là thường không thể in các vật có bề mặt cong nhẵn bóng vì khi in các lớp chồng lên nhau theo đường cong dễ sai lệch. Với kỹ thuật in 4D, vật thể sẽ được in phẳng, sau đó tự uốn cong bề mặt. Ngoài ra, in 4D sử dụng các loại polyme thông dụng và phối trộn chúng theo các tỷ lệ khác nhau tạo nên sự phong phú về vật liệu in.

Nhằm khắc phục những nhược điểm của máy in 3D, Thạc sĩ Kính đã nảy sinh sáng kiến cải tiến máy in 3D; đồng thời, phối hợp các loại nhựa in 3D hiện có trên thị trường để in vật thể theo công nghệ in 4D thông qua sử dụng đầu in E3D Cyclops để phối trộn vật liệu in thay cho sợi nhựa in thông minh (vật liệu thông minh).

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Tuyền, Phó Trưởng khoa Điện - Điện tử Trường Cao đẳng Tiền Giang, giám khảo chấm điểm giải pháp trên nhận xét: Cải tiến máy in 3D thành máy in 4D của Thạc sĩ Lê Trung Kính là giải pháp sáng tạo được thực hiện đầu tiên trên địa bàn tỉnh Tiền Giang và có tính ứng dụng cao. Máy in 3D cải tiến bước đầu được ứng dụng để in thử nghiệm một số vật dụng cơ bản. Nếu tác giả nghiên cứu thực hiện cho nhiều vật dụng, chi tiết có giá trị và có tính đa dạng hơn thì hiệu quả mang lại sẽ thiết thực hơn xét trên góc độ kinh tế cũng như kỹ thuật.

Để tiết kiệm chi phí, Thạc sĩ Kính cùng các cộng sự tận dụng máy in 3D cũ để cải tiến thành máy in 4D bằng cách lắp thêm đầu đùn, thay đầu in cũ bằng đầu in E3D Cyclops, bổ sung bàn nhiệt để tăng độ bám nhằm giúp vật thể in ra được sắc nét hơn. Ngoài ra, máy in còn được kết nối với 1 camera để quan sát và điều khiển quá trình in từ xa. Nguyên liệu sử dụng cho máy in gồm các loại nhựa: PLA, PET, TPU… được phối trộn theo tỷ lệ phù hợp.

Để máy in vận hành theo kỹ thuật in 4D, công đoạn khó nhất của nhóm nghiên cứu là phải thiết lập chương trình và nạp vào mạch Arduino để điều khiển các trục của máy in hoạt động một cách đồng bộ. Muốn vậy, nhóm nghiên cứu phải tính toán số bước của các động cơ sao cho 2 đầu đùn kéo 2 loại nhựa in và phối trộn tại đầu gia nhiệt để in ra các vật dụng theo yêu cầu. Sau khi in xong, vật thể sẽ tự biến dạng theo phương đã dự tính.

Máy in 3D cải tiến này có thể sử dụng để in nhiều vật thể, vật dụng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như: Dụng cụ y khoa, đồ dùng học tập, đồ chơi trẻ em… với độ bền cao dựa trên kỹ thuật phối trộn nhiều loại polyme theo tỷ lệ thích hợp.

Thiết bị này có thể được ứng dụng để in tạo mẫu thử nghiệm trước khi sản xuất hàng loạt một số vật dụng, chi tiết máy. Đặc biệt, tác giả đã sử dụng thiết bị này để in thử nghiệm các linh kiện chế tạo robot nhện và cánh tay robot với độ bền, độ cứng, độ dẻo, tính thẩm mỹ phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật quy định.   

Có thể nói, việc cải tiến máy in 3D thành máy in 4D là ý tưởng mang tính đột phá. Giải pháp sáng tạo trên đã mở ra hướng đi mới cho công nghệ in 4D trên cơ sở nghiên cứu tính chất lý hóa của các loại nhựa in 3D (độ dẻo, nhiệt độ nóng chảy) kết hợp sử dụng đầu in E3D Cyclops để phối trộn 2 loại nhựa (phù hợp) thành nguyên liệu thay thế vật liệu thông minh (giá thành rất cao). Qua đó, tiết tiệm đáng kể chi phí đầu tư, chi phí vận hành, có thể được ứng dụng hiệu quả vào các lĩnh vực sản xuất và đời sống, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp, cơ khí, điện tử…

LÊ TRUNG KÍNH - HUỲNH VĂN XĨ

.
.
.