Thứ Tư, 17/05/2023, 20:45 (GMT+7)
.

Khẳng định vai trò khoa học công nghệ trong phát triển kinh tế - xã hội

Trong các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, khoa học - công nghệ (KH&CN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST) là yếu tố đóng vai trò quan trọng. Thực tế cho thấy, thời gian qua, nhiều nghiên cứu KH&CN trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã được ứng dụng, từng bước đi vào sản xuất và đời sống.

TỪ HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN TÀI SẢN TRÍ TUỆ

Thực hiện Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ (TSTT) giai đoạn 2016 - 2020 của Chính phủ, tỉnh Tiền Giang đã ban hành Chương trình KH&CN hỗ trợ phát triển doanh nghiệp (DN) nâng cao năng lực cạnh tranh giai đoạn 2017 - 2020. Thông qua chương trình, Sở KH&CN đã tham mưu cho UBND tỉnh hỗ trợ các cá nhân, đơn vị đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, giải pháp hữu ích; đặc biệt là các nhãn hiệu tập thể (NHTT), nhãn hiệu chứng nhận (NHCN), chỉ dẫn địa lý. Từ năm 2016 đến nay, Sở KH&CN đã hỗ trợ công nhận 4 NHCN (gạo Gò Công, dưa hấu Gò Công, kẹo khóm Tân Phước, lạp xưởng Cai Lậy). Đây là điều kiện để các sản phẩm chủ lực của tỉnh được trong nước và quốc tế biết đến.

Các sở, ngành tham quan các sản phẩm KN trên địa bàn tỉnh.
Các sở, ngành tham quan các sản phẩm khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Nhằm duy trì, phát triển và tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm dưa hấu Gò Công, Đề tài “Tạo lập, quản lý và phát triển NHCN “Dưa hấu Gò Công” đã được triển khai thực hiện. Đề tài được UBND huyện Gò Công Đông quản lý và chủ trì thực hiện bởi Trung tâm Nghiên cứu công nghệ và SHTT CIPTEK. Sau quá trình thẩm định, NHCN “Dưa hấu Gò Công” đã được Cục SHTT - Bộ KH&CN cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

Để đưa KH&CN vào đời sống, sản xuất, đóng vai trò quan trong phát triển kinh tế - xã hội, trong thời gian tới, Sở KH&CN sẽ tập trung triển khai Chương trình quốc gia hỗ trợ DN nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2030.

Sở KH&CN sẽ thực hiện tốt công tác quản lý công nghệ và thị trường công nghệ. Một trong những nội dung trọng tâm là vận động các DN tham gia chứng nhận DN KH&CN; phấn đấu phát triển thêm 1 DN KH&CN. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động truyền thông về sản phẩm KH&CN, DN KH&CN để nâng cao giá trị thương hiệu, tạo uy tín đối với người tiêu dùng giúp nâng cao lợi thế cạnh tranh cho DN KH&CN.

Một trong những nhiệm vụ hàng đầu là hỗ trợ phát triển hệ sinh thái KN, ĐMST. Theo đó, Sở KH&CN sẽ triển khai thực hiện Kế hoạch hỗ trợ hệ sinh thái KN, ĐMST trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025. Cụ thể, ngành KH&CN sẽ tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực của hệ sinh thái KN, ĐMST; hỗ trợ tổ chức cuộc thi KN, ĐMST; hỗ trợ hoạt động truyền thông về KN, ĐMST; hỗ trợ tham gia sự kiện Ngày hội KN, ĐMST Đồng bằng sông Cửu Long và quốc gia (TECHFEST); hoạt động kết nối mạng lưới KN.

Ngoài ra, Sở KH&CN sẽ tập trung triển khai Chiến lược SHTT và Chương trình phát triển TSTT tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Công việc trọng tâm là tuyên truyền, nâng cao nhận thức về SHTT nhằm khuyến khích ĐMST; xây dựng ý thức tôn trọng quyền SHTT, hình thành văn hóa SHTT trong xã hội.

Với vị trí địa lý thuận lợi, được thiên nhiên ưu đãi, gạo Gò Công có đầy đủ các yếu tố để phát triển theo mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhiều năm qua, sản phẩm lúa - gạo Gò Công được thị trường ghi nhận về chất lượng vượt trội. Để phát huy hiệu quả, nâng tầm hạt gạo Gò Công trở thành “thương hiệu”, các huyện Gò Công Tây, Gò Công Đông, Tân Phú Đông, TX. Gò Công cùng Sở KH&CN, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) xác định mục tiêu và chiến lược phát triển sản xuất các giống lúa chất lượng như: VD20, Nàng Hoa 9, OM5451, OM4900 là các giống chủ lực và đưa vào danh mục “Gạo Gò Công”.

Trên cơ sơ đó, Sở KH&CN, Sở NN&PTNT phối hợp với các huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây, Tân Phú Đông và TX. Gò Công triển khai Đề tài: “Tạo lập, quản lý và phát triển NHCN “Gạo Gò Công”. Sau quá trình thẩm định, NHCN “Gạo Gò Công” đã được Cục SHTT cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

Lạp xưởng từ lâu đã trở thành món ăn đặc sản của nhiều hộ gia đình ở Cai Lậy. Tiếng lành đồn xa, lạp xưởng Cai Lậy được khá nhiều người biết đến. Từ đó, lạp xưởng trở thành đặc sản nơi đây. Để nâng cao danh tiếng cho sản phẩm, những năm qua các sở, ban, ngành rất quan tâm đầu tư phát triển cho sản phẩm.

Theo đó, năm 2020 UBND tỉnh Tiền Giang đã phê duyệt hỗ trợ kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học “Xây dựng, quản lý và phát triển NHCN Lạp xưởng Cai Lậy”. Nhiệm vụ được thực hiện trong 2 năm (2021 và 2022) với sự tham gia của UBND TX. Cai Lậy trong vai trò là chủ sở hữu NHCN. Sản phẩm đã được xây dựng logo mang biểu tượng chung cho sản phẩm lạp xưởng của TX. Cai Lậy và đăng ký bảo hộ tại Cục SHTT vào tháng 2-2022. Việc NHCN Lạp xưởng Cai Lậy được cấp giấy chứng nhận đã tạo cơ hội cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn TX. Cai Lậy được sử dụng tên địa danh Cai Lậy trên các sản phẩm lạp xưởng của cơ sở mình, góp phần nâng cao uy tín, thương hiệu.

Kẹo khóm Tân Phước được công nhận nhãn hiệu chứng nhận giúp tạo thêm uy tín trên thị trường.
Kẹo khóm Tân Phước được công nhận nhãn hiệu chứng nhận đã tạo thêm uy tín trên thị trường.

Trên vùng đất Tân Phước, cây khóm thích nghi tốt và trở thành cây trồng chủ lực, đặc sản của địa phương với diện tích khoảng 15.700 ha, sản lượng 287.000 tấn/năm. Hiện ngày có nhiều cơ sở sản xuất kẹo khóm ra đời và hoạt động nhộn nhịp. Điều này góp phần giải quyết đầu ra; đồng thời, cũng góp phần tạo việc làm, tăng nguồn thu nhập cho nông dân.

Với giá trị mà sản phẩm đang mang lại cho địa phương, việc xây dựng, phát triển, quảng bá thương hiệu “Kẹo khóm Tân Phước” sẽ nâng cao danh tiếng cho sản phẩm. Năm 2020, Sở KH&CN tỉnh đã phê duyệt nhiệm vụ khoa học “Xây dựng, quản lý và phát triển NHCN kẹo khóm Tân Phước”. Nhiệm vụ được thực hiện trong 2 năm (2021 và 2022) với sự tham gia của UBND huyện Tân Phước trong vai trò là chủ sở NHCN. Đến nay, kẹo khóm Tân Phước đã được cấp NHCN và ngày càng được nhiều người biết đến.

ĐẾN HÌNH THÀNH HỆ SINH THÁI KHỞI NGHIỆP, ĐMST

Cùng với hỗ trợ xây dựng các NHTT, Sở KH&CN còn phối hợp với các sở, ngành liên quan hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp (KN), ĐMST trên địa bàn tỉnh. Với sự quan tâm hỗ trợ của UBND tỉnh cũng như sự đồng hành của các ngành liên quan, thời gian qua, hệ sinh thái KN, ĐMST trên địa bàn tỉnh đã từng bước hình thành.

Trên cơ sở đó, nhiều mô hình khởi nghiệp đã phát huy hiệu quả, khẳng định khát vọng lập thân, lập nghiệp. Trong đó, điển hình là anh Dương Quốc Thái (xã Hậu Mỹ Bắc B, huyện Cái Bè) đã KN thành công với việc sản xuất, chế tạo các máy móc phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp. Xuất thân là thợ cơ khí, anh Thái đã không ngừng học hỏi và có nhiều sáng chế hữu ích phục vụ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Với khát vọng lập thân, lập nghiệp, năm 2002, anh Thái quyết định mở cơ sở sản xuất các thiết bị, máy móc phục vụ ngành Nông nghiệp nhằm thỏa đam mê nghiên cứu, sáng tạo. Các sản phẩm nổi bật của cơ sở gồm: Máy đào rãnh đất thoát nước, máy đào rãnh đặt ống nước sạch nông thôn mới, máy đào rãnh cáp quang dưới đất… Với những nghiên cứu, sáng tạo trên, anh Thái đạt nhiều giải thưởng tại các Hội thi Sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh và cấp quốc gia.

VÀ HỖ TRỢ DN ĐỔI MỚI CÔNG NGHỆ

Cùng với hoạt động hỗ trợ KN, ĐMST, thời gian qua, Sở KH&CN tỉnh còn hỗ trợ phát triển các DN KH&CN. Với vai trò cơ quan chuyên môn, Sở KH&CN đẩy mạnh hoạt động hướng dẫn DN thành lập DN KH&CN với nhiều nội dung. Từ những nỗ lực trên, Sở KH&CN đã hỗ trợ hình thành 8 DN KH&CN. Từ nguồn vốn của Quỹ Phát triển KH&CN, đến nay đã cho 17 DN vay với tổng số tiền hơn 81,8 tỷ đồng nhằm thực hiện các dự án đổi mới công nghệ, tạo sản phẩm mới, nâng cao chất lượng sản phẩm. Từ nguồn vốn vay của Quỹ Phát triển KH&CN, các DN đã đầu tư đổi mới công nghệ, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Điển hình như Công ty TNHH Đông trùng hạ thảo (ĐTHT) Thiên Ân (huyện Gò Công Tây) đã KN thành công từ mô hình “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình nuôi cấy và đa dạng hóa các sản phẩm từ ĐTHT”. Ngày 6-11-2020, công ty đã được Sở KH&CN tỉnh cấp Giấy xác nhận đánh giá và thẩm định kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN không sử dụng ngân sách nhà nước và được cấp Chứng nhận DN KH&CN với các sản phẩm như: ĐTHT tươi, ĐTHT sấy khô, nước ĐTHT Nice, ĐTHT - yến, rượu ĐTHT. Hiện tại, các sản phẩm từ ĐTHT do DN sản xuất đã được Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TP. Hồ Chí Minh (Sở KH&CN TP. Hồ Chí Minh) chứng nhận đảm bảo các chỉ tiêu về lý hóa, vi sinh.

Đồng thời, nước uống đóng chai, nấm ĐTHT tươi, nấm ĐTHT sấy khô của DN hiện đã được Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), hệ thống siêu thị Aeon (hệ thống siêu thị của Nhật có yêu cầu rất khắt khe về chỉ tiêu chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm) và tập đoàn VinGroup ký hợp đồng tiêu thụ dài hạn. Đặc biệt, nhiều sản phẩm của công ty đã được công nhận đạt chuẩn OCOP.

Với sự hỗ trợ của Sở KH&CN, Công ty TNHH SD đã được vinh danh Giải thưởng chất lượng quốc gia lần đầu tiên vào năm 2016.
Với sự hỗ trợ của Sở KH&CN, Công ty TNHH SD đã được vinh danh Giải thưởng chất lượng quốc gia lần đầu tiên vào năm 2016.

Ngoài các hoạt động trên, để giúp các DN trên địa bàn tỉnh nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng thương hiệu phát triển thị trường, Sở KH&CN còn hỗ trợ các DN tham gia Giải thưởng chất lượng Quốc gia. Công ty TNHH SD sản xuất - kinh doanh đồ chơi và đồ dùng cho trẻ em bằng gỗ, được thành lập năm 1989 tại TP. Mỹ Tho, với các sáng lập viên là các giáo viên. Năm 1999, cơ sở được nâng cấp lên thành DN với tên gọi DN tư nhân SD, tháng 2-2018 chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV SD. Năm 2021, công ty chuyển đổi hình thức kinh doanh sang Công ty TNHH SD.

Sản phẩm chính của Công ty TNHH SD hiện nay bao gồm: Đồ chơi cho trẻ em; bàn, ghế cho trẻ em; hàng gia dụng và quà tặng bằng gỗ; công cụ  trường học; đồ chơi cho thú cưng. Hiện nay, thị trường tiêu thụ của Công ty TNHH SD ngày càng được mở rộng sang các nước châu Á; trong đó, thị trường chính vẫn là Đan Mạch. Không chỉ cải tiến về mẫu mã để tạo sự hài lòng cho khách hàng, Công ty TNHH SD còn rất chú trọng đến chất lượng sản phẩm. Năm 2016 Công ty đã được vinh danh giải thưởng chất lượng Quốc gia lần đầu tiên.

Với sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn, đặc biệt là Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Sở KH&CN, đến nay, có 49 lượt DN (19 DN) trên địa bàn tỉnh đạt Giải thưởng chất lượng quốc gia.

T. ĐẠT

.
.
.