.

Tiền Giang: Hiệu quả từ các nền tảng ứng dụng công nghệ trong phòng, chống dịch

Cập nhật: 13:34, 20/10/2021 (GMT+7)

Ứng dụng công nghệ thông tin vào phòng, chống dịch Covid-19 đang là yêu cầu cấp bách đối với các cơ quan chức năng và người dân trên địa bàn. Thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Tiền Giang cùng các sở, ngành, địa phương đã tổ chức triển khai xây dựng, thiết lập các nền tảng công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 đến từng cơ quan, đơn vị và mỗi người dân.

Công nghệ đã giúp cho việc học trực tuyến được thuận lợi hơn. Ảnh: PHI CÔNG
Công nghệ đã giúp cho việc học trực tuyến được thuận lợi hơn. Ảnh: PHI CÔNG

HỖ TRỢ QUẢN LÝ, TRUY VẾT…

Lãnh đạo Sở TT-TT Tiền Giang cho biết, Sở đã tổ chức tập huấn triển khai và hướng dẫn phần mềm Quản lý dịch bệnh Covid-19 và Quản lý xét nghiệm cho 191 đơn vị (Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, 8 bệnh viện, 11 trung tâm y tế huyện và 172 trạm y tế xã). Đến nay, phần mềm Quản lý dịch bệnh Covid-19 và Quản lý xét nghiệm đã cập nhật dữ liệu lên phần mềm từ dữ liệu của các cơ sở y tế ngày càng phát huy hiệu quả.

Cụ thể, phần mền quản lý F0, F1, F2, F3 và quản lý xét nghiệm; đáp ứng yêu cầu về quản lý dịch tễ, kết quả xét nghiệm; có chức năng truy vết khi phát sinh trường hợp kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19; đảm bảo việc truy vết, khoanh vùng chính xác, kịp thời và nhanh nhất.

Song song đó, phần mềm Quản lý doanh nghiệp hỗ trợ phòng, chống Covid-19 cho các doanh nghiệp trong và ngoài khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh (địa chỉ http://qlkcn.vnpttiengiang.vn) qua quá trình triển khai thực hiện cũng đã phát huy được hiệu quả.

Phần mềm đã hỗ trợ quản lý công nhân theo từng doanh nghiệp, chi tiết đến phân xưởng, tổ sản xuất; quản lý lịch sử về nơi ở, nơi làm việc và di chuyển trên phương tiện ô tô đưa đón công nhân; hỗ trợ phân nhóm công nhân trong quản lý “3 tại chỗ”; có chức năng truy vết, khi một doanh nghiệp phát hiện trường hợp nhiễm Covid-19 sẽ ngay lập tức có được thông tin về các đối tượng liên quan để nhanh chóng, kịp thời khoanh vùng, truy vết.

Trong thời gian qua, Nhóm Mỹ Tho Confession đã vận động, trao tặng hàng chục ngàn phần quà cho người dân khó khăn.
Trong thời gian qua, Nhóm Mỹ Tho Confession đã vận động, trao tặng hàng chục ngàn phần quà cho người dân khó khăn.

Một trong những ứng dụng có thể nói hiệu quả nhất là: Bản đồ thông tin dịch bệnh Covid-19 (https://covid.tiengiang.gov.vn) và tích hợp ứng dụng TienGiangS, phần mềm cập nhật dữ liệu hằng ngày đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin dữ liệu dịch tễ trên địa bàn tỉnh.

Bản đồ thông tin dịch bệnh Covid-19 giúp người dân có cái nhìn trực quan nhất, chính xác nhất toàn cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Trên bản đồ thể hiện chi tiết danh sách bệnh nhân, thông tin dịch tễ; các điểm cách ly tập trung, khu vực phong tỏa, cách ly y tế; chốt kiểm soát dịch; địa điểm xét nghiệm Covid-19; các cơ sở y tế, điểm khai báo y tế...

Tất cả các thông tin trên đều được hiển thị theo thời gian thực, giúp người dân có thể theo dõi tình hình dịch bệnh được dễ dàng, thuận tiện, tránh di chuyển đến các vùng dịch.

KẾT NỐI NGƯỜI VỚI NGƯỜI

Hiện nay, công nghệ tiên tiến được ứng dụng trong hầu hết lĩnh vực, tạo thuận lợi trong sinh hoạt của người dân, đặc biệt là giúp người dân chủ động phòng tránh lây nhiễm Covid-19 trong thời điểm hiện nay. Trong đó, các ứng dụng đi chợ online đã và đang là giải pháp hữu hiệu, giúp người tiêu dùng hạn chế ra ngoài để phòng lây nhiễm bệnh Covid-19 nhưng vẫn có thể mua được hàng hóa.

Chị Nguyễn Thị Hoa (phường 3, TP. Mỹ Tho) cho biết: “Do dịch bệnh diễn biến phức tạp, đã lâu chị không đi chợ truyền thống hay đi siêu thị mua đồ, mà chọn hình thức đi chợ online. Hiện có rất nhiều ứng dụng để người dùng có thể mua sắm trực tuyến thuận tiện, lựa chọn các sản phẩm. Đi chợ online là một giải pháp hữu hiệu giúp tiết kiệm thời gian và phù hợp với những người làm công sở như tôi”.

Trong lĩnh vực giáo dục, ứng dụng công nghệ trong dạy và học đang cho thấy ưu điểm vượt trội. Đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay, việc dạy và học trực tuyến đang là giải pháp cần thiết để giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Công nghệ còn là cầu nối kết nối người thân; kết nối, hỗ trợ lẫn nhau cùng vượt qua đại dịch; giúp các y, bác sĩ có thể tư vấn khám bệnh từ xa cho bệnh nhân; lan tỏa những điều tích cực, tốt đẹp để động viên tinh thần người dân... thông qua các nền tảng công nghệ như Zalo, Messenger…  “Hơn 4 tháng qua, khi dịch bệnh bùng phát, tôi chỉ có thể gặp con qua điện thoại. Gửi con cho ông bà ở quê chăm sóc, 2 vợ chồng tôi đều tham gia lực lượng tuyến đầu chống dịch, nên không thể về nhà thăm con và gia đình…” - anh N.V.L. công tác tại Công an TP. Mỹ Tho chia sẻ.

LÊ PHƯƠNG

.
.
.