Thứ Tư, 13/06/2012, 10:23 (GMT+7)
.

Tập trung dập dịch bệnh trên tôm

Vừa qua, tại Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 2 (TP. Hồ Chí Minh), Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch bệnh trên tôm nước lợ do Bộ NN&PTNT quyết định thành lập đã tổ chức hội nghị bàn về những giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên tôm đang diễn ra hết sức phức tạp ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước.

TÔM CHẾT CHƯA RÕ NGUYÊN NHÂN

Hiện nay, tại khu vực ĐBSCL, tình hình dịch bệnh trên tôm vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp với tổng diện tích nuôi tôm bị thiệt hại là 45.000 ha, phần lớn có liên quan đến hội chứng hoại tử gan tụy. Diện tích tôm nuôi công nghiệp bị thiệt hại tại Tiền Giang tính đến thời điểm này đã hơn 550 ha, chiếm hơn 35% diện tích đã thả giống – đây cũng là mức thiệt hại nặng nhất từ trước tới nay.

Về tác nhân gây ra hội chứng hoại tử gan tụy gây thiệt hại trên tôm, các nhà khoa học chỉ ra rằng, Cypermethrin là một trong những “thủ phạm” chính. Do hầu hết các ao nuôi ở ĐBSCL đều có sự hiện diện của chất này và theo các nghiên cứu khoa học thì chỉ với nồng độ Cypermethrin trong nước 0,001 ppb là tôm bị chết.

Tuy nhiên, đây không phải là tác nhân duy nhất, bởi người nuôi tôm tại Thái Lan vẫn bị thiệt hại hàng loạt do hội chứng hoại tử gan tụy dù chất này đã bị ngành chức năng cấm sử dụng từ lâu. Tại ĐBSCL, một số khu vực tôm bị chết do hoại tử gan tụy nhưng không phát hiện dư lượng Cypermethrin trong môi trường.

Cán bộ khuyến ngư kiểm tra dịch bệnh tại đầm tôm.
Cán bộ khuyến ngư kiểm tra dịch bệnh tại đầm tôm.

Điều này cũng đã được thể hiện qua kết quả nghiên cứu của một số nhà khoa học nước ngoài như nhóm nghiên cứu của Mạng lưới các Trung tâm nuôi trồng thủy sản ở châu Á - Thái Bình Dương (NACA) cho rằng, các tác nhân như: độc tố, vi khuẩn, virus… cũng có khả năng gây ra hội chứng hoại tử gan tụy trên tôm. Tương tự như vậy, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 2 nghi ngờ vi khuẩn Alphaproteobacteria có thể là tác nhân gây ra bệnh nguy hiểm này.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản, thời gian qua các tác nhân gây ra hội chứng hoại tử gan tụy chưa được xem xét trong một tổng thể. Chẳng hạn, trước nay chỉ kết luận là chất lượng tôm giống không tốt nhưng việc nghiên cứu xem hội chứng hoại tử gan tụy  ở giai đoạn con giống là có hay không vẫn chưa được thực hiện; việc sử dụng các hóa chất, thức ăn trong giai đoạn giống có tác động gì không cũng chưa được xem xét.

Ngoài ra, hội chứng hoại tử gan tụy gây chết tôm ở các tỉnh phía Bắc và duyên hải miền Trung trong thời gian qua cũng chưa được nghiên cứu để tìm hiểu nguyên nhân. Chính vì thế, cần phải nghiên cứu toàn bộ những vấn đề có thể gây ra hội chứng hoại tử gan tụy trên tôm, trên cơ sở đó mới có thể xác định được tác nhân chính gây ra bệnh này.

TẬN DỤNG MỌI NGUỒN LỰC DẬP DỊCH

Để xác định tác nhân chính gây ra hội chứng hoại tử gan tụy trên tôm cần phải có nhiều thời gian. Tuy nhiên, người nuôi tôm cả nước đang “điêu đứng” do dịch bệnh hoành hành nên họ không thể chờ đợi. Chính vì vậy, để giải quyết những vấn đề cấp bách hiện nay, cần tập hợp các nhà khoa học trong nước, tranh thủ kiến thức, kinh nghiệm của các nhà khoa học nước ngoài; đồng thời phải tham khảo những kinh nghiệm hay của nông dân, địa phương. Từ đó, sớm tìm ra tác nhân gây bệnh để có những giải pháp chỉ đạo sản xuất hợp lý, kịp thời.

BCĐ yêu cầu Tổng cục Thủy sản nhanh chóng tổng kết các mô hình nuôi tôm thành công, hướng dẫn các giải pháp cấp bách về phòng, chống dịch bệnh, phổ biến cho các địa phương triển khai thực hiện; nhanh chóng hoàn thiện dự án quan trắc môi trường trình Bộ NN&PTNT phê duyệt để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh lâu dài.

Cục Thú y phối hợp với Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II xây dựng tiêu chí xác định hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính làm cơ sở hỗ trợ người nuôi tôm tham gia bảo hiểm nông nghiệp; đồng thời nhanh chóng triển khai nhiệm vụ điều tra dịch tễ và xây dựng bản đồ dịch tễ trên tôm nước lợ.

Khi cần thiết tổ chức hội thảo xin góp ý của các nhà khoa học đảm bảo thực hiện nhiệm vụ hiệu quả, phục vụ tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trước mắt và lâu dài; từng bước xây dựng mạng lưới giám sát dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản.

Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố ven biển cần tăng cường kiểm soát chất lượng giống và các yếu tố đầu vào, tổ chức thực hiện hướng dẫn của Tổng cục Thủy sản và BCĐ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh trên tôm.

THÀNH CÔNG

.
.
.