Thứ Hai, 28/05/2012, 11:12 (GMT+7)
.

Xuất khẩu dây chuyền sấy cơm dừa tầng sôi

Ông Nguyễn Văn Toản, Phó trưởng Phòng Quản lý xuất nhập khẩu khu vực Tiền Giang cho biết, vừa hướng dẫn thủ tục và hỗ trợ cơ sở máy và thiết bị công nghiệp Thái Hòa (4/8 Nguyễn Thị Thập, P.6, TP. Mỹ Tho) xuất khẩu trực tiếp dây chuyền sản xuất cơm dừa nạo sấy sang thị trường Indonesia. Đây là đơn vị thứ hai trong tỉnh xuất khẩu dây chuyền sản xuất ra thị trường nước ngoài.

Ông Nguyễn Văn Hòa, chủ cơ sở Thái Hòa cho biết, sản phẩm xuất khẩu là hệ thống máy sấy tầng sôi để sấy cơm dừa. Đây là dây chuyền máy sấy có công suất 800kg thành phẩm cơm dừa/giờ, xuất cho khách hàng là người Thái Lan.

Để có được cơ hội xuất khẩu dây chuyền này là do trước đây cơ sở Thái Hòa đã sản xuất 3 hệ thống máy sấy cơm dừa tầng sôi cho Công ty TNHH Thế Giới Việt (Bến Tre) của nhà đầu tư là người Thái Lan. Qua sử dụng thấy tính năng ưu việt nên khi mở rộng đầu tư nhà máy tại Indonesia, chủ đầu tư này tiếp tục đặt cơ sở sản xuất 2 hệ thống sấy cơm dừa.

Theo hợp đồng đã ký, đến đầu tháng 10-2012, hệ thống máy sấy cơm dừa tầng sôi được giao cho khách hàng để lắp đặt tại Indonesia. Đây là 2 hệ thống máy đầu tiên xuất khẩu, trong tổng số 6 hệ thống máy sấy mà cơ sở đã sản xuất thành công.

Dây chuyền sấy cơm dừa tầng sôi do cơ sở máy và thiết bị công nghiệp Thái Hòa sản xuất.
Dây chuyền sấy cơm dừa tầng sôi do cơ sở máy và thiết bị công nghiệp Thái Hòa sản xuất.

Trên thực tế, sấy cơm dừa hiện có nhiều nguyên lý, nhưng hiện nay dạng sấy theo nguyên lý tầng sôi được khách hàng chuộng hơn. Sấy tầng sôi làm cho sản phẩm hoạt động liên tục, đầu vào đầu ra liên hoàn, không bị hạn chế như sấy mẻ hay sấy vĩ.

Hệ thống máy sấy mà cơ sở lắp đặt cho khách hàng là hệ thống liên hoàn từ khâu chế biến, xay xát, sấy, làm nguội sản phẩm và phân loại tùy theo kích cỡ hạt cơm dừa khách hàng yêu cầu.

Máy sấy cơm dừa tầng sôi đầu tiên mà cơ sở Thái Hòa làm (lắp đặt cho Công ty An Thành, Cụm công nghiệp Tân Mỹ Chánh) có công suất 400kg thành phẩm cơm dừa/giờ, sau đó cơ sở nâng công suất máy lên 800kg thành phẩm/giờ.

Cơ sở Thái Hòa cũng vừa ký hợp đồng sản xuất máy sấy tầng sôi với công suất 1.200kg thành phẩm cơm dừa/giờ, tương đương từ 2,7-3 tấn cơm dừa nguyên liệu. Đây là máy sấy có công suất lớn nhất Việt Nam hiện nay theo công nghệ tầng sôi.

Theo ông Hòa, giá bán mỗi máy tùy theo công suất hoạt động của từng máy và tùy thuộc khách hàng muốn sử dụng tỷ lệ Inox nhiều hay ít, nhưng dao động từ 800 triệu đồng đến 1,4 tỷ đồng/sản phẩm và chỉ bằng 30-40% giá sản phẩm cùng loại nhập khẩu.

Dây chuyền chế biến thủy sản của Công ty CP thủy sản Ngọc Xuân và dây chuyền chế biến khóm do cơ sở Thái Hòa sản xuất. Dây chuyền chế biến thủy sản của Công ty CP thủy sản Ngọc Xuân và dây chuyền chế biến khóm do cơ sở Thái Hòa sản xuất.
Dây chuyền chế biến thủy sản của Công ty CP Thủy sản Ngọc Xuân và dây chuyền chế biến khóm do cơ sở Thái Hòa sản xuất.

Cơ sở Thái Hòa chính thức đi vào hoạt động từ năm 2000. Ban đầu, cơ sở hoạt động thuộc dạng đa ngành, bao gồm các lĩnh vực cơ khí phục vụ dân dụng, cơ khí phục vụ xây dựng, cơ khí phục vụ các ngành dược phẩm, chế biến rau quả, nông sản, chế biến thủy - hải sản.

Từ năm 2004, cơ sở đi chuyên sâu về các lĩnh vực thiết kế, chế tạo các thiết bị công nghiệp. Cơ sở có khả năng thiết kế, chế tạo hoàn chỉnh các dây chuyền chế biến nước quả đóng lon hoặc hộp, dây chuyền cô đặc, các dây chuyền chế biến cá ba sa, cá ngừ.

Nổi bật là cơ sở đã sản xuất thành công dây chuyền chế biến cá tra của nhà máy Ngọc Xuân theo quy trình khép kín từ khi tiếp nhận đến tạo sản phẩm hoàn chỉnh, với mức giá thấp hơn gần 50% so với sản phẩm của đối tác khác. Cơ sở Thái Hòa cũng đã thiết kế thành công dây chuyền sản xuất khóm đóng hộp từ khâu xử lý trái khóm ban đầu đến thanh trùng, đóng lon.

Để chuyên nghiệp hóa và chuyên môn hóa sản xuất, từ năm 2008, cơ sở bắt đầu đầu tư công nghệ gia công cơ khí chính xác như: Phay CNC, tiện CNC, cắt Plasma CNC, cắt dây CNC, bắn lỗ CNC, máy dập 45 tấn, máy dập vuốt 350 tấn.

Với năng lực trên, cơ sở đã mở rộng thêm lĩnh vực hoạt động về thiết kế, chế tạo khuôn mẫu phục vụ cho ngành dập và dập vuốt. Bên cạnh, cơ sở đã mở rộng thêm lĩnh vực thiết kế mô phỏng biến dạng kim loại (sử dụng phần mềm Dynaform) và chế tạo khuôn mẫu phục vụ cho ngành dập và dập vuốt; gia công các sản phẩm, chi tiết máy bằng phương pháp dập và dập vuốt.

“Hiện tại cơ sở đang tập trung nghiên cứu sản xuất theo hướng chi tiết, nhất là những thiết bị linh kiện hỗ trợ như co, linh kiện lắp đặt, khóa van một chiều cho đường ống thực phẩm… Khác với những đơn vị sản xuất - kinh doanh khác luôn có nhu cầu về vốn sản xuất, cơ sở Thái Hòa lại cần được hỗ trợ về công nghệ.”- ông Hòa cho biết.

THẾ ANH

.
.
.