Thứ Tư, 06/06/2012, 15:29 (GMT+7)
.
Điều chỉnh mùa vụ thu hoạch:

Giải pháp kỹ thuật & thị trường cho trái măng cụt

Từ thực trạng “dội chợ - rớt giá” nên việc điều chỉnh thời gian thu hoạch măng cụt ở các tỉnh Nam bộ theo hướng sớm hơn, cho thu hoạch vào các tháng từ tháng 3 đến nửa đầu tháng 5 (dương lịch) là lời giải tối ưu cho cả 2 khía cạnh về mặt kỹ thuật và về mặt thị trường.

Về mặt kỹ thuật, kể từ cuối tháng 5 đầu tháng 6 trở đi, ở Nam bộ thường có nhiều trận mưa, măng cụt sinh trưởng và chín vào thời gian có mưa nhiều rất dễ bị xì mủ trên trái, chất lượng trái thấp (trái bị sượng). Cho măng cụt ra hoa, đậu trái và thu hoạch vào các tháng ít mưa sẽ cho năng suất cao và chất lượng trái tốt hơn.

Về mặt thị trường, giá măng cụt vào cuối tháng 5 và trong các tháng 6, 7 thường đạt thấp hơn các tháng 3-5 do thời gian này trên thị trường nội địa, măng cụt được cung cấp bởi 2 nguồn: nhập khẩu và sản xuất trong nước.

Ành: worldkitchen.vn
Măng cụt Việt Nam khó cạnh tranh với măng cụt Thái Lan với ưu điểm trái to, đều, ít xì mủ. Ảnh: worldkitchen.vn

Các tháng 6, 7 là thời gian măng cụt Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam với số lượng lớn. Vào thời gian này, những trái măng cụt nhỏ, có trọng lượng thấp (dưới 70g), bị xì mủ (chủ yếu cung cấp bởi các vùng trồng trong nước) khó cạnh tranh với măng cụt của Thái Lan với ưu điểm trái to, đều, ít xì mủ.

Trên thị trường, người tiêu dùng sành điệu dễ phân biệt trái măng cụt sản xuất trong nước và măng cụt nhập khẩu từ Thái Lan dựa vào màu sắc vỏ trái, kích cỡ và độ tươi của trái. Măng cụt Thái Lan nhập khẩu và bán lẻ tại thị trường Việt Nam thường có màu vỏ nâu đen, tai trái không còn tươi, kích cỡ trái thường lớn hơn măng cụt nội địa.

Để có măng cụt thu hoạch sớm, hạn chế tác động của thời tiết (mưa nhiều), cần phải có biện pháp xử lý ra bông. Một số nhà vườn ở huyện Chợ Lách (Bến Tre), huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh)… đã áp dụng và cho kết quả tốt. Ông Lý Vĩnh Như (Vĩnh Thành, Chợ Lách, Bến Tre) đã thành công trong việc duy trì năng suất măng cụt bằng biện pháp tạo khô hạn và siết gốc cho măng cụt kết hợp bón phân lân cao.

Với 0,5 ha, tổng số 150 cây măng cụt có độ tuổi 25-30 năm, nếu như năm ngoái cho ông Như thu hoạch 4 tấn măng cụt thì năm nay ông cũng thu được 4 tấn, cho dù trong vùng có nhiều vườn măng cụt năng suất giảm đến 80%.

Theo ông Như, trước khi khấc vỏ để xử lý ra bông 60 ngày, ông bón 2 kg phân super lân cho mỗi cây (cây có độ tuổi 25-30 năm), không cho nước vào vườn (không tạo khô hạn đến mức héo cây để xử lý ra hoa theo khuyến cáo của Viện Cây ăn quả miền Nam vì đã khấc vỏ).

Việc xử lý ra hoa bằng cách vào giữa tháng 12 âm lịch, dùng dây kẽm có đường kính 2mm siết chặt thân cây, ở độ cao 50-60 cm tính từ gốc (mặt đất). Ngay sau đó dùng búa nhỏ đập vào dây kẽm làm giập vỏ quanh thân (nơi có siết dây kẽm), vết vỏ bị giập rộng 0,7- 0,8 cm. Sau khi siết được 1 tháng thì cây ra hoa.

Trong vườn măng cụt của ông Như có 50% số cây cho năng suất cao và khoảng 50% số cây còn lại cho năng suất thấp hơn. Cây trên vườn có trái không đều nhau (cây nhiều, cây ít) là do siết gốc cùng ngày nhưng lá không cùng tuổi với nhau nên cây nào có đọt đúng tuổi (lá có biểu hiện vừa chuyển sang màu xanh đậm) thì ra hoa nhiều và ngược lại thì ít hơn. Áp dụng biện pháp xử lý ra hoa nêu trên, cây măng cụt cho trái nhiều, kể cả những cành thấp (ảnh).

Qua nhiều năm nghiên cứu và khảo sát thực tế các vườn măng cụt, bao gồm vườn năng suất thấp, vườn năng suất cao, KS. Huỳnh Văn Tấn (Viện Cây ăn quả miền Nam) khuyến cáo: Để cây măng cụt có thể ra hoa sớm hơn chính vụ, nhà vườn cần chuẩn bị ngay từ sau khi thu hoạch vụ trước. Sau thu hoạch bón phân theo công thức NPK (20-20-10) + Phân hữu cơ (Humix, Dynamic...) kết hợp với cắt tỉa cành để tạo điều kiện thuận lợi cho cây măng cụt ra đọt nhanh và đồng loạt.

Trước khi có tác động của kỹ thuật xử lý ra hoa 30 - 40 ngày, lúc này đọt non đạt 4 - 5 tuần tuổi, bón phân theo công thức NPK (8-24-24). Sau khi thực hiện tốt các việc trên chúng ta có thể xử lý ra hoa cho cây măng cụt bằng các biện pháp tạo khô hạn hoặc khấc vỏ.

Đối với biện pháp tạo khô hạn, khi đọt non được 9 tuần tuổi thì tiến hành phủ ni-long trên mặt liếp để tránh các cơn mưa làm ướt đất vùng rễ cây, khoảng 15 – 30 ngày sau thì lá cây măng cụt có hiện tượng héo. Khi đó tiến hành tưới nước thật đẫm 2 lần, lần 2 cách lần 1 không quá 7 ngày, các lần tưới tiếp theo phải đảm bảo mặt liếp đủ ẩm; khoảng 10 – 20 ngày sau khi tưới nước, cây măng cụt sẽ nhú chồi hoa và khoảng 40 – 45 ngày sau hoa sẽ nở.

Đối với biện pháp khấc vỏ (khoanh gốc) thực hiện vào trung tuần tháng 11 hàng năm cũng giúp cây măng cụt ra hoa sớm và đồng loạt, khắc phục hiện tượng sượng trái trên măng cụt vào mùa mưa (cuối tháng 5).

HỮU TIẾN
 

.
.
.