Thứ Ba, 05/06/2012, 07:50 (GMT+7)
.

Tân Phước: Khắc phục bất cập về giao thông để xây dựng nông thôn mới

Từ năm 2004 đến nay, hệ thống giao thông nông thôn (GTNT) ở huyện Tân Phước đã được đầu tư đáng kể. Song so với nhu cầu, nhất là trước việc xây dựng các tuyến ô bao thì sự đầu tư chưa thấm vào đâu. Mặt khác, do điều kiện khách quan nên huyện không đủ sức hoàn chỉnh hệ thống GTNT.

Sau 9 năm triển khai xây dựng GTNT, xã Thạnh Mỹ dal hóa được 3 tuyến đường với chiều dài 8 km; trải đá xanh 4 tuyến, 3 km đường đá đỏ. Hiện nay, xã còn nhiều tuyến GTNT đất với chiều dài trên 30 km cần dal hóa, nhựa hóa. Đó là chưa nói đến 22 ô đê bao đang triển khai thi công với hàng chục tuyến GTNT được hình thành trên các ô bao này và trên 10 cây cầu cần đầu tư, nâng cấp.

“Với nguồn vốn phân cấp 600 triệu đồng/năm, xã chỉ có thể trải dal, nhựa khoảng 1 km. Đó là lý do vì sao mà qua nhiều năm đầu tư xây dựng, hệ thống GTNT vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của người dân và sự phát triển của địa phương” - ông Nguyễn Văn Thọ, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Mỹ bày tỏ.

Đường qua ấp Mỹ Thuận dù được trải sỏi đỏ nhưng mùa mưa đi lại rất khó khăn.
Dù được trải sỏi đỏ nhưng mùa mưa, việc đi lại vẫn rất khó khăn.

Theo thống kê của Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện, từ năm 2004 đến nay, toàn huyện có 198 công trình được đầu tư, trong đó có 175 công trình đường, dài gần 276 km; 23 công trình cầu, dài 560 m, với tổng kinh phí trên 40,3 tỷ đồng.

Theo đánh giá, nếu so với những ngày đầu thành lập huyện, mạng lưới GTNT hiện nay có bước phát triển nhất định. Việc phân cấp vốn đầu tư về cho xã hàng năm (từ 150 triệu đồng/xã lên 400 triệu đồng/xã và 600 triệu đồng/xã vùng sâu hiện nay) để xây dựng GTNT đã cơ bản giải quyết nhu cầu đi lại của nhân dân, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Hệ thống giao thông sau khi được đầu tư phát huy hiệu quả rõ rệt. Việc đi lại của người dân, vận chuyển hàng hóa ngày càng thuận lợi hơn. Từ trung tâm xã, thị trấn đi đến các ấp, khu phố được thông suốt, góp phần tích cực cho việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo trật tự của địa phương.

Tuy nhiên, nếu so với nhu cầu đi lại của người dân cũng như yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện, hiện trạng giao thông hiện nay chưa đáp ứng được.

“Với khối lượng công trình đã đầu tư, tỷ lệ tuyến GTNT được trải nhựa, dal, vật liệu cứng, sỏi đỏ chiếm khoảng 50% GTNT trên toàn huyện. Trong đó, có đến 62 công trình với chiều dài 139,5 km chỉ mới trải đá 0x4, 11 công trình nâng cấp đất với chiều dài trên 28 km” - ông Lê Hữu Phúc, Phó trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng cho biết.

Cũng theo ông Phúc, hệ thống đường huyện, đường liên xã chủ yếu được trải nhựa, sỏi đỏ và nền đất nên hư hỏng rất nhiều, đặc biệt trong mùa mưa lũ. Hệ thống cầu trên các tuyến chủ yếu là cầu nhỏ, tải trọng thấp, hàng năm cần phải xây dựng mới hoặc gia cố, duy tu, sửa chữa, chưa đáp ứng được nhu cầu phục vụ vận tải lâu dài trong tương lai.

Việc đầu tư còn mang tính dàn trải, chắp vá, chưa theo hướng trọng tâm quy hoạch; quy mô đầu tư chỉ giải quyết nhu cầu trước mắt, chưa có tính lâu dài.

Nguyên nhân được lý giải, trước đây khi triển khai chương trình, bên cạnh vốn phân cấp, xã đã vận động người dân đóng góp vào để đầu tư xây dựng các công trình. Nhưng do là huyện nghèo, người dân nhiều nơi đến khai hoang lập nghiệp, có những người có đất nhưng không sinh sống trong huyện nên vận động đóng góp rất khó.

Mặt khác, một bộ phận nhân dân còn trông chờ vào đầu tư của Nhà nước nên chưa tích cực tham gia. Sau đó, có chủ trương không bắt buộc vận động người dân xây dựng GTNT nên huyện không tiến hành vận động mà chỉ sử dụng nguồn vốn phân cấp đầu tư GTNT. Và do nguồn vốn phân cấp hạn hẹp nên số lượng các công trình đầu tư trong thời gian qua còn hạn chế.

GTNT được xác định là động lực phát triển kinh tế - xã hội, là cơ sở xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện Tân Phước. Theo tính toán, hiện nay, Tân Phước còn khoảng 300 km đường GTNT cần đầu tư.

Như thế, với vốn phân cấp hiện nay là 600 triệu đồng/xã (phân cấp 400 triệu đồng đối với thị trấn Mỹ Phước và xã Phú Mỹ) chỉ có thể đầu tư được khoảng 1 km đường GTNT, Tân Phước phải mất hơn 10 năm mới dal hóa, nhựa hóa hết các tuyến GTNT trên địa bàn. Đó là chưa tính đến nhiều ô đê bao khóm đang và sắp hình thành, khi đó số đường GTNT còn tăng lên trong thời gian tới.

Định hướng thời gian tới, Tân Phước đẩy mạnh phát triển GTNT gắn với xây dựng NTM; xây dựng các cơ chế, chính sách thu hút, huy động các nguồn lực trong xã hội; lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án cho phát triển GTNT.  

N. VĂN

.
.
.