Thứ Hai, 18/06/2012, 09:47 (GMT+7)
.

Lý giải “bi kịch” thị trường nông sản

Những ngày này khi về các huyện phía Đông của tỉnh đều nghe bà con trồng dừa than thở về việc dừa khô rớt giá chưa từng có. Giá dừa khô từ chỗ 130.000-140.000 đồng/chục (12 trái) cách đây khoảng 1 năm, nay chỉ còn 12.000 đồng/chục.

Giờ đây người trồng bán 1 chục dừa chỉ mua được 1 kg gạo bình thường, nhưng khổ nỗi lại không có người mua. Dừa khô hiện chất đầy nhà hay nằm lăn lóc ngoài vườn, nhiều trái đã lên mộng trong khi cây dừa là nguồn sống chính của người dân vùng này hàng chục năm nay. Bà con than rằng, nếu đà này kéo dài cuộc sống sẽ lâm vào tình cảnh rất khó khăn, vất vả.

“Bi kịch” của trái dừa đang diễn ra gần giống với trái nhãn tiêu Huế cách đây hơn 3 năm. Vào các năm 2008-2009, trái nhãn tiêu Huế đột ngột tăng lên gần 20.000 đồng/kg, người dân đổ xô trồng lại nhãn, nhiều dự án về cây nhãn cũng được manh nha trở lại và nay nhãn tiêu Huế đang đối mặt với bệnh chổi rồng và giá cả cũng rất bấp bênh.

Mới đây nhất là khoai lang. Gõ vào Google có đến 1.220.000 kết quả nói về tình trạng khoai lang các tỉnh ĐBSCL rớt giá. Nào là: Khoai lang rớt giá mạnh nhất trong 5 năm qua, điêu đứng vì khoai lang, khoai lang bị ép giá… “Bi kịch” này xảy ra khi chỉ trong thời gian ngắn nông dân ĐBSCL đổ xô vào trồng loại cây này bất chấp cảnh báo của ngành Nông nghiệp.

Trái khóm Tân Phước sau thời gian ngắn có giá cao nay lại rơi vào cảnh khó khăn. Các nhà khoa học nông nghiệp đang cảnh báo tình trạng ồ ạt trồng mít Thái Lan, xoài Đài Loan cũng sẽ rơi vào tình cảnh “dở khóc dở cười” như những loại nông sản đã từng gặp.

cvdf
Trái nhãn tiêu Huế đã từng sốt giá.

Ngành chăn nuôi cũng không thoát khỏi những “bi kịch”. Sau hàng loạt thông tin về việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi heo và cá điêu hồng, thì người nuôi 2 loại này cũng nằm trong diện điêu đứng.

Mấy ngày nay giá heo hơi chỉ dao động quanh mức 4 triệu đồng/tạ, trong khi cá điêu hồng tuột khỏi mức 30.000 đồng/kg. Điều này đồng nghĩa là người nuôi giỏi chỉ đảm bảo hòa vốn, còn phần nhiều là lỗ. Chưa kể thời gian qua bệnh heo tai xanh, dịch cúm gia cầm… cứ nhồi đi nhồi lại gây nhiều khó khăn cho người nuôi.

Có điều dễ nhận thấy nhất là sau hàng loạt những “biến cố” của ngành Nông nghiệp gần đây đều có ít nhiều thông tin liên quan đến các thương lái Trung Quốc. Xét ở khía cạnh nào đó, điều này cũng không sai. Bởi không ít thương lái Trung Quốc mua bán không “nghiêm chỉnh”, ít nhiều đã tác động trực tiếp vào chuỗi mua bán của nhiều loại nông sản, tạo ra những biến động rất lớn về giá, gây khó khăn cho nông dân.

Trong khi đó, thời gian gần đây, thương nhân Trung Quốc đã tham gia trực tiếp nhiều khâu trong mua bán nông sản. Tác động rõ ràng nhất gần đây là đối với gạo, dừa, khóm mà được các phương tiện thông tin đại chúng thông tin liên tục.

Nhưng nếu xét một cách toàn diện hơn thì những vấn đề trồi sụt mà ngành Nông nghiệp vừa qua đưa ra cho chúng ta một lời cảnh báo rõ ràng hơn. Bởi khi Việt Nam chính thức là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), với sân chơi toàn cầu, chỉ cần những cái “hắt hơi” của thị trường thế giới cũng đã tác động ngay đến thị trường trong nước.

Với đặc thù nước sản xuất nông nghiệp là chính, nên khi có biến động của thị trường thế giới thì ngành Nông nghiệp sẽ chịu tác động trực tiếp và nặng nề nhất. Chúng ta phải nhận thức rõ ràng rằng, tham gia vào sân chơi chung của thế giới thì không chỉ có những đối tác đến từ Trung Quốc mà còn rất nhiều nước trên thế giới cùng tham gia.

Do vậy, không chỉ có những biến động trong ngành Nông nghiệp mà dự báo còn rất nhiều ngành khác cũng có nguy cơ như vậy. Và không chỉ có một số thương lái Trung Quốc tham gia mua bán, với một số thương lái không “nghiêm chỉnh” mà còn không ít thương lái đến từ các nước khác dù đến sớm hay muộn. Vấn đề ở chỗ là chúng ta có thể sàng lọc những khách hàng không “nghiêm chỉnh” hay không mà thôi.

Có lẽ điều mà chúng ta cần làm ngay là ngoài cơ chế giám sát tính hợp pháp hoạt động của các thương lái nước ngoài thì điều cốt lõi là nhanh chóng xây dựng cơ chế tự vệ cho ngành Nông nghiệp nhằm thích ứng và kịp thời hội nhập với những thay đổi nhanh chóng về kinh tế nói chung và liên quan đến ngành Nông nghiệp nói riêng.

Tái cấu trúc lại sản xuất nông nghiệp là điều không cần phải bàn cãi vì nó phù hợp và thích ứng với xu thế hiện nay. Tuy nhiên, tái cấu trúc như thế nào còn là chặng đường dài và nhiều việc phải làm. Nhiều chuyên gia cho rằng, tái cấu trúc ngành Nông nghiệp không đơn giản như tái cấu trúc một doanh nghiệp, bởi nó liên quan đến từng ngõ ngách cuộc sống người nông dân. Nhưng điểm cần lưu tâm là phương thức và kiến thức kinh doanh của người nông dân cũng cần phải tính đến.

Những biến động thất thường của giá cả các mặt hàng nông nghiệp thời gian qua cũng có phần nguyên nhân từ những kiến thức và phương thức kinh doanh của nông dân. Nông dân chỉ vốn quen với việc làm ra sản phẩm, còn kiến thức về kinh doanh, ký kết hợp đồng tiêu thụ ít khi được nhắc đến. Ngay cả các lớp tập huấn cũng chỉ nghiêng về kỹ thuật canh tác mà chưa chú trọng kỹ năng kinh doanh, tuy điều này là vô cùng quan trọng trong cơ chế kinh tế thị trường.

Nên khi nền kinh tế đã mở cửa, nhiều đối tác nước ngoài tham gia, nông dân lại lúng túng trong phương thức mua bán, dẫn đến rất dễ bị thua thiệt.

Mới đây, Sở Công thương đã phối hợp với các chuyên gia, các huyện tổ chức các lớp tập huấn về cơ chế, chính sách tiêu thụ nông sản, cung ứng vật tư; nghiệp vụ soạn thảo và ký kết hợp đồng tiêu thụ... Đây là một trong những nội dung quan trọng của Dự án:“Xây dựng mô hình thí điểm doanh nghiệp-hộ kinh doanh-nông dân tiêu thụ và cung ứng vật tư phục vụ sản xuất” và mở ra hướng đi mới cho việc tái cấu trúc lại ngành Nông nghiệp…

THẾ ANH

.
.
.