Thứ Năm, 20/12/2012, 05:49 (GMT+7)
.

Công trình bờ kè sông Bảo Định: Loay hoay tìm nguồn vốn

Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sạt lở gây ra, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND TP. Mỹ Tho lập dự án đầu tư xây dựng công trình bờ kè sông Bảo Định (TP. Mỹ Tho).

Dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt vào ngày 23-7-2009 và đã trình Chính phủ xem xét bố trí vốn đầu tư. Đây là một giải pháp phòng, chống sạt lở và thích ứng với biến đổi khí hậu. Song, đến nay công trình vẫn chưa có vốn để thực hiện.

a
Sông Bảo Định nhìn từ cầu Hùng Vương. Ảnh: Ngô Văn

THIẾT THỰC VÀ CẤP BÁCH

Tiếp giáp với sông Tiền, sông Bảo Định chạy qua địa phận TP. Mỹ Tho. Hàng năm, bờ sông qua địa phận TP. Mỹ Tho thường xuyên bị sạt lở nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, tài sản của nhân dân và hạ tầng cơ sở của thành phố. Vì vậy, tỉnh cho chủ trương lập dự án xây dựng bờ kè sông Bảo Định. Đây được xem là giải pháp rất cấp bách.

Theo đơn vị tư vấn, hiện nay 2 bên bờ sông Bảo Định khá phức tạp. Đoạn từ vàm sông đến cầu Hùng Vương, nhà cửa san sát lấn ra sông. Các đoạn sau nhà cửa thưa thớt hơn, tuy nhiên dừa nước, cây bần, cây tạp, lục bình trên sông khá nhiều, đặc biệt có những khu vực trở thành bãi đổ rác lấn ra lòng sông.

Một số đoạn giao thông ven sông, chủ yếu đường bê tông xi măng, không thuận lợi cho việc đi lại. Năm 2011, lũ kết hợp với triều cường đột biến làm ngập lụt nhiều khu vực thành phố, trong đó nghiêm trọng nhất là lưu vực sông Bảo Định, gây sạt lở hầu hết dọc theo tuyến bờ.

Mức độ sạt lở ngày càng nghiêm trọng và phức tạp. Thời gian qua, một số đoạn kè do Nhà nước hoặc doanh nghiệp và người dân tự đầu tư kinh phí xây dựng mặc dù rất tốn kém nhưng còn manh mún và lộn xộn.

Với những diễn biến và xu thế trên, việc xây dựng đường và bờ kè vừa có tính cấp bách và còn là điều kiện phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xây dựng TP. Mỹ Tho vào năm 2015 trở thành đô thị loại 1.

Ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, cho rằng việc xử lý sạt lở sông Bảo Định rất cần thiết. Ông phân tích thêm: “Năm 2011, mức triều ở Mỹ Tho rất cao gây ngập nhiều nơi. Năm 2012, khu vực phía Tây của tỉnh không có lũ nhưng mức triều ở Mỹ Tho vẫn rất cao và gây ngập nặng. Năm 2011, UBND tỉnh đã phải xuất ngân sách khẩn cấp xử lý đê bao cho sông Bảo Định.

Tuy nhiên, đây chỉ xử lý tạm thời, không di dời dân, chỉ tái lập lại phần sạt lở, đến nay nhiều nơi bị sạt lại. Nếu được bộ, ngành Trung ương hỗ trợ, việc kè cặp 2 bờ sông Bảo Định được thực hiện sẽ có ý nghĩa rất thiết thực cho công tác phòng, chống lụt bão và biến đổi khí hậu hiện nay”.

Theo ông Mai Thanh Minh, Phó Chủ tịch UBND TP. Mỹ Tho, nếu trình trạng sạt lở và ngập lụt tiếp tục như thế này trước mắt mất dần một quỹ đất, lâu dài ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của TP. Mỹ Tho.

Còn lãnh đạo Sở Xây dựng, Sở Tài Nguyên - Môi trường cho rằng, nếu không xúc tiến công trình kè căn cơ và sớm, sạt lở ngày càng nghiêm trọng, lúc đó việc xử lý sẽ càng khó hơn; tác động môi trường ngày càng lớn, người dân không an tâm sinh sống và sản xuất.
 

Đại diện một số bộ, ngành Trung ương cũng cho rằng, việc đầu tư công trình này rất cần thiết. Tuy nhiên, theo các vị đại diện này, kè sông Bảo Định mới chỉ là giải pháp cứng, cần có giải pháp mềm là nâng cao ý thức cộng đồng, xây dựng hệ thống cảnh báo các nguy cơ. Ngoài ra, bên cạnh triển khai kè, các ngành, các cấp cần có phương án tái định cư cho dân, xử lý tác động môi trường...

KHÓ KHĂN NGUỒN VỐN

Theo dự án được lập, công trình thực hiện từ ngã ba giáp sông Tiền đến 2 nhánh sông giáp ranh xã Lương Hòa Lạc (Chợ Gạo) và xã Long An (Châu Thành).

Dự án sẽ xây dựng mới kè 2 bờ sông kết hợp với đường đi bộ, cây xanh, chống được mực nước sông trong mùa lũ với tổng chiều dài kè trên 6,5 km. Dự án cũng sẽ nâng cấp và xây mới các tuyến đường, cầu với chiều dài đường gần 4 km; xây dựng hệ thống thoát nước dọc 2 bờ kè và đường đảm bảo tiêu thoát nước triệt để ra sông; xây dựng hệ thống thắp sáng dọc bờ kè và đường với tổng vốn đầu tư 891,7 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2013 - 2015.

Với số vốn này, theo ông Nguyễn Thành Minh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh không khả năng đầu tư, việc tiếp cận các nguồn vốn khác cũng rất khó khăn, cần sự hỗ trợ từ Trung ương. Vì vậy UBND tỉnh đã trình dự án lên Chính phủ xem xét.

Theo đại diện các bộ, ngành Trung ương, hiện nay tình hình kinh tế, ngân sách rất khó khăn. Việc đầu tư công trình với vốn lớn từ ngân sách rất khó. Các đại diện này gợi ý, cần xã hội hóa trong thực hiện công trình như những đoạn không xung yếu có thể huy động sức dân vào cùng làm. Đồng thời, tỉnh cũng có thể tiếp cận vốn từ các nguồn khác như vốn ODA; vốn từ các dự án, chương trình tài trợ của nước ngoài…

Ông Văn Phú Chính, Cục phó Cục Quản lý đê điều (Bộ NN&PTNT), cho rằng dự án với số vốn lớn như thế rất khó thực hiện trong tình hình hiện nay. Theo ông, tỉnh cần chia dự án thành các dự án nhỏ có quy mô vừa phải và các dự án nhỏ như thế sẽ dễ tiếp cận các nguồn vốn để thực hiện.

N.VĂN
 

.
.
.