Thứ Ba, 11/12/2012, 06:07 (GMT+7)
.

ĐBSCL: Loay hoay với cơ chế, chính sách cho nông, thủy sản

“Giá cả nông sản hàng hóa bấp bênh, chất lượng không tốt, số lượng thiếu ổn định, người sản xuất khó dự báo được thị trường. Nông dân sản xuất tự phát, bán sản phẩm thô, giá thấp, khó tiêu thụ. Vật tư đầu vào, chất lượng, số lượng, chủng loại khó kiểm soát. Hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động chưa hiệu quả, kinh tế trang trại chưa phổ biến…”.

Đó là hàng loạt vấn đề được đặt ra tại Hội thảo rà soát cơ chế, chính sách đối với các mặt hàng nông sản chủ lực của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) diễn ra sáng ngày 7-12 trong khuôn khổ MDEC-Tiền Giang 2012.

Các nhà khoa học cho rằng, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho nông dân, doanh nghiệp liên quan đến việc phát triển các sản phẩm chủ lực của ĐBSCL. Nhà nước đã quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, thủy lợi, giao thông, cơ giới hóa trong nông nghiệp, hỗ trợ sau thu hoạch, vay tín dụng và tiêu thụ sản phẩm, quy hoạch vùng nguyên liệu, hỗ trợ giống cây, con…

Thế nhưng, theo đánh giá chung, việc phát triển sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, cây ăn trái và thủy sản hiện nay của vùng ĐBSCL là kém bền vững. Xuất khẩu tăng nhưng nông dân nghèo, khai thác tài nguyên kém hiệu quả, chất lượng và giá trị tăng thêm của các dòng sản phẩm chủ lực còn nhiều hạn chế; thiệt hại do dịch bệnh, thiên tai ngày càng trở nên trầm trọng.

Trong khi đó các cơ chế, tổ chức và chính sách đầu tư các sản phẩm còn rời rạc, nhiều bất cập và kém hiệu quả. Cho nên, nếu chúng ta không có các chiến lược và giải pháp thích hợp ngay từ bây giờ thì các sản phẩm chủ lực ngày càng khó cạnh tranh trong hội nhập kinh tế và tác động của biến đổi khí hậu.

Trái cây, thế mạnh của ĐBSCL chưa phát huy đúng mức. Ảnh: Mai Anh
Trái cây, thế mạnh của ĐBSCL chưa phát huy đúng mức. Ảnh: Mai Anh

Chỉ riêng đối với mặt hàng thủy sản, theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, Chính phủ, Bộ NN&PTNT và các địa phương đã có nhiều quyết định, công văn chỉ đạo liên quan đến phát triển ngành hàng cá tra. Song, thực trạng phát triển nghề nuôi cá tra ở ĐBSCL ì ạch trong thời gian qua đã nói lên tất cả.

Cơ chế, chính sách phát triển cá tra thông qua các văn bản pháp quy thực tế có nhiều nhưng vẫn chưa đủ, chưa đồng bộ và chưa đủ mạnh. PGS.TS Nguyễn Thanh Phương đề xuất: “Chúng ta cần ban hành cơ chế, chính sách (khung pháp lý) cho liên kết sản xuất cá tra; hình thành trung tâm đầu mối trong sản xuất và thương mại nghề cá nói chung và cá tra nói riêng ở ĐBSCL; có chính sách tài chính và thuế cho người sản xuất và doanh nghiệp sản xuất, thương mại cá tra; có cơ chế hỗ trợ và ưu tiên cho phát triển khoa học, công nghệ…”.

Cũng tại hội thảo, câu hỏi lớn đang được đặt ra là: “Tại sao nông dân trồng lúa Việt Nam nghèo?”. Xuất khẩu gạo của Việt Nam nhiều năm liền đứng nhất, nhì thế giới, năng suất lúa được xếp vào nhóm cao sản của thế giới, tại sao lại phải luôn tranh cãi giá thành sản xuất lúa để lo bài toán thu mua dự trữ, làm sao cho giá cả thị trường tăng trên 30% giá sàn. Cách tính giá thành luôn luôn là đề tài thảo luận chưa có sự đồng thuận.

“Giải quyết bài toán thu nhập thấp của nông dân chính là giải pháp phát huy khả năng tái sản xuất mở rộng với sự trợ giúp của công nghiệp và dịch vụ để nông nghiệp, nông thôn tiến hành chuyển đổi cơ cấu kinh tế”- GS.TS Bùi Chí Bửu, Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam cho biết.

Các nhà khoa học cho rằng, vấn đề liên kết trong vùng chưa thật sự được chú ý, mỗi tỉnh đều có cơ chế, chính sách na ná nhau và phát triển độc lập với nhau. Điều này thể hiện ở cả tư duy và cơ chế, về thiết kế liên kết vùng chưa rõ ràng…

Làm thế nào và thay đổi gì trong cơ chế, chính sách nông sản nói chung và các mặt hàng nông sản nói riêng thực sự đi vào cuộc sống, tiếp thêm sức mạnh cho các sản phẩm chủ lực cạnh tranh trong môi trường hội nhập là điều không đơn giản.

Trước đây, việc hỗ trợ kinh tế cho nông dân thường chạy theo các thiệt hại như heo bị nhiễm bệnh chết, cúm gia cầm, lúa mất mùa, tồn đọng; mua lúa tạm trữ, mua cá tra… khi hàng tồn đọng. Tư duy này đã không còn phù hợp nữa và cần phải thay đổi.

PGS.TS Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam đề nghị Nhà nước cần quan tâm nhiều hơn đến các chính sách xây dựng vùng chuyên canh sản xuất đủ lớn cho một loại cây ăn trái đặc sản, xây dựng vùng sản xuất an toàn, vệ sinh thực phẩm, hợp tác sản xuất và tiêu thụ kiểu Đài Loan, Nhật Bản.

Đồng quan điểm của các nhà khoa học, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ Bùi Ngọc Sương cho biết, vùng ĐBSCL chưa có quy hoạch cho từng sản phẩm thế mạnh và còn thiếu cơ chế, chính sách mang tính toàn diện, đột phá nhằm tạo động lực cho việc phát triển các sản phẩm nông sản hàng hóa chủ lực một cách bền vững.

Vì vậy, chúng ta cần đánh giá một cách khách quan về những kết quả đã đạt được và làm rõ những hạn chế trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ các mặt hàng nông sản chủ lực của vùng; đồng thời, ngành chức năng cần rà soát lại cơ chế, chính sách mà Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương đã ban hành trong thời gian qua đối với các mặt hàng nông sản chủ lực như: lúa, cá tra, trái cây…

Bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, trước mắt chúng ta phải dự báo thị trường nông sản, thủy sản, tiến hành rà soát quy hoạch vùng, quy hoạch phát triển sản xuất ngành hàng chính; nghiên cứu, chuyển giao khoa học, kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp; đầu tư cơ sở hạ tầng; đào tạo nhân lực nông thôn vào những ngành nghề có thế mạnh của địa phương…

“Chúng ta cần rà soát lại tất cả những cơ chế, chính sách cho phù hợp với thực tế như: Quản lý đất đai, khuyến khích xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn, đầu tư cơ sở hạ tầng và xử lý môi trường; liên kết, hợp tác sản xuất, xây dựng quan hệ sản xuất trong quản lý chuỗi sản phẩm nông sản, thủy sản chủ lực…

Đặc biệt, ngành chức năng sẽ kiến nghị sửa đổi các Nghị định của Chính phủ (Nghị định 66/2006 về phát triển ngành nông thôn; Nghị định 41/2010 về tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Nghị định 61/2010 về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn…)” - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết.

THẾ ANH – SĨ NGUYÊN

.
.
.