Thứ Sáu, 07/12/2012, 10:56 (GMT+7)
.

ĐBSCL trước thách thức biến đổi khí hậu

Đó là một trong những nội dung quan trọng của Hội thảo Tham vấn kế hoạch châu thổ sông Cửu Long diễn ra ngày 5-12, trong khuôn khổ MDEC - Tiền Giang 2012. Hội thảo do Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và Viện Tư vấn phát triển cùng phối hợp tổ chức.

Ông Bùi Ngọc Sương, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cho biết, mặc dù diện tích canh tác nông nghiệp và thủy sản chưa tới 30% của cả nước nhưng ĐBSCL đem lại hơn 30% giá trị sản xuất nông nghiệp và 54% sản lượng thủy sản. Ngành Nông nghiệp đã giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế của vùng trong thời gian qua.

Tuy nhiên, hiện nay phát triển nông nghiệp của vùng chủ yếu theo chiều rộng, thiếu tính bền vững và năng lực cạnh tranh hạn chế trên thị trường nên tiềm năng phát triển chưa tương xứng. Ngoài ra, trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu ngày càng lớn tới khu vực, liệu vựa lúa, vùng nông nghiệp của cả nước có còn là trụ cột, điểm tựa để phát triển kinh tế trong khu vực, của cả nước trong tương lai trung và dài hạn hay không?

Câu hỏi không dễ trả lời nhưng hết sức quan trọng, nó giúp định hướng phát triển kinh tế - xã hội của khu vực và giúp các nhà hoạch định chính sách chủ động, linh hoạt, đối phó với những bất lợi trong quá trình phát triển như nước biển dâng, lũ lụt, tình trạng xâm nhập mặn nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững.

Khả năng ngập lụt ngày càng tăng ở các tỉnh ĐBSCL. Ảnh: M.Anh
Khả năng ngập lụt ngày càng tăng ở các tỉnh ĐBSCL. Ảnh: M. Anh

Theo nghiên cứu của các chuyên gia, ĐBSCL là 1 trong 5 vùng bị tác động nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu trên thế giới. Vì thế, nền nông nghiệp và cuộc sống của người dân trong vùng sẽ bị tác động lớn, nên cần có những phương án chuẩn bị và đối phó cũng như định hướng phát triển phù hợp, cân bằng trong thời gian tới.

“Hà Lan là quốc gia nằm thấp hơn mực nước biển, lại có nền nông nghiệp rất phát triển và rất có kinh nghiệm trong việc đối phó với các tác động từ biển và biến đổi khí hậu. Vì thế, việc trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia Hà Lan trong xây dựng kế hoạch sẽ rất  hữu ích cho Việt Nam và ĐBSCL, giúp cho nhà khoa học, lãnh đạo khu vực, địa phương thảo luận, bổ sung những cơ hội và thách thức cho phát triển ĐBSCL trong bối cảnh biến đổi khí hậu và định hướng phát triển bền vững trong thời gian tới”, ông Bùi Ngọc Sương cho biết. 

Ông Dick Kevelam, Trưởng nhóm chuyên gia Hà Lan cho rằng, theo dự báo chính thức của Chính phủ Việt Nam đã đưa vào quy hoạch, tầm nhìn đến năm 2030, dân số tăng lên thêm trên 30 triệu người, mặc dù sản xuất tăng trưởng cao nhưng cuộc sống người dân vẫn chưa cải thiện nhiều.

Trong thời gian tới an ninh lương thực cũng cần phải tính đến, nên phải định hướng xây dựng các kịch bản để ứng phó. Nếu xem xét trong tương lai, phải đầu tư rất lớn cho hạ tầng. Bên cạnh đó, dựa theo những điểm mạnh của vùng, sản xuất hàng hóa dịch vụ phải dựa trên những sản phẩm nông nghiệp, tạo ra những nguồn lợi lớn; xây dựng các giải pháp cũng phải dựa trên những điều kiện sản xuất nông nghiệp, phải thích ứng với biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp.

Đối với các tác động của thượng nguồn phải hợp tác với các nước để giảm tác động và phải có cơ sở khoa học. Điều này cực kỳ quan trọng. Bởi theo dự báo dòng chảy có thể giảm 40%. Đây là kịch bản tệ nhất.

“Để hiểu được những biến đổi ĐBSCL và đưa ra các giải pháp thích hợp, chúng tôi chia thành 3 khu vực: thượng nguồn, giữa và ven biển. Cần có giải pháp cho khu vực thượng nguồn. Ở giữa phải cung ứng nước ngọt đảm bảo cho sản xuất lương thực, rau. Vùng ven biển phải kiểm soát bảo vệ trước nước biển dâng”, ông Dick Kevelam cho biết.

Theo tính toán của các chuyên gia, các kịch bản mực nước biển dự kiến sẽ dâng cao khoảng 9 cm vào năm 2010 và 33 cm vào năm 2050, 45 cm vào năm 2070 và 1m vào năm 2100.

Do địa thế thấp, nếu mực nước biển dâng cao như dự báo, mực nước biển khu vực ĐBSCL đến năm 2020 sẽ dâng cao từ 11-12 cm so với trung bình giai đoạn từ 1980 – 1999, vào năm 2030 khoảng 45% diện tích của ĐBSCL có nguy cơ nhiễm mặn cực đại. Năng suất lúa dự báo sẽ giảm 9%. Nếu mực nước biển dâng cao 1m, phần lớn ĐBSCL sẽ ngập gần như suốt năm nếu không có công trình phòng, chống.

Theo dự báo, mực nước biển  khu vực ĐBSCL đến năm 2020 sẽ dâng cao từ 11-12 cm so với trung bình giai đoạn từ 1980 – 1999 và nếu xét vấn đề nước biển dâng kết hợp lũ thượng nguồn sẽ tạo khả năng ngập lũ cao hơn, thoát lũ sẽ chậm hơn liên quan đến bố trí thời vụ sản xuất, độ cao bờ bao, công trình hạ tầng cơ sở kinh tế, xã hội cần phải tăng thêm độ cao an toàn.

Do vậy, độ cao an toàn các công trình kiên cố ngoài việc tuân theo quy phạm chuyên ngành cần tăng thêm khoảng 10-15 cm tùy theo cấp công trình. Còn theo nghiên cứu và dự báo của Ủy ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (BĐKH) của Liên hiệp quốc (IPPC) và Ngân hàng Thế giới (WB), nếu nước biển dâng lên 1m, vùng ĐBSCL sẽ có 1,5-2 triệu ha bị ngập và những năm lũ lớn khoảng trên 90% diện tích của ĐBSCL bị ngập từ 3- 4 tháng.

BĐKH cũng làm gia tăng thiên tai khiến năng suất cây trồng giảm. Theo đánh giá, nếu nhiệt độ tăng thêm 10C, năng suất lúa sẽ giảm 10%, thực trạng trên sẽ đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực của các tỉnh và quốc gia.

Là tỉnh hạ nguồn sông Cửu Long, với khoảng 80% dân số sống bằng nghề nông, sản xuất nông nghiệp của Tiền Giang cũng được dự báo sẽ tiếp tục bị gánh chịu những tác động khá mạnh mẽ do BĐKH gây nên như: bão, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn… sẽ tăng về tần suất và cường độ ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất các vụ đông xuân, hè thu (hè thu sớm, hè thu chính vụ và hè thu muộn), vườn cây ăn trái từ đó làm tăng chi phí sản xuất.

THẾ ANH - NGÔ VĂN

.
.
.