Chủ Nhật, 12/05/2013, 06:01 (GMT+7)
.

Cai Lậy: Xây dựng NTM với nỗ lực nâng cao thu nhập người dân

Thực hiện tiêu chí số 10 về thu nhập thì ngoài trợ vốn, đào tạo nghề, tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật, các xã xây dựng nông thôn mới (NTM) ở huyện Cai Lậy còn khuyến khích người dân tăng thu nhập bằng các mô hình tiểu, thủ công nghiệp và phát huy lợi thế ngành nghề đặc thù của địa phương.

Vận chuyển lúa gạo tại các nhà máy xay xát - một nghề tăng thu nhập cho lao động nông thôn tại xã Tân Bình
Vận chuyển lúa gạo tại các nhà máy xay xát - một nghề tăng thu nhập cho lao động nông thôn tại xã Tân Bình.

Với vị trí thuận lợi “trên bến, dưới thuyền”, khu vực ấp 2 và ấp 3 (xã Tân Bình) tập trung khoảng 25 nhà máy xay xát, xuất khẩu lúa gạo; sản xuất củi trấu, lò sấy lúa, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động thời vụ, chủ yếu là lao động tại chỗ. Theo đại diện doanh nghiệp tư nhân Tân Long (ấp 3, xã Tân Bình) vào cao điểm mùa vụ, doanh nghiệp cần hơn 100 công nhân ở khâu vận hành máy, vận chuyển lúa gạo với thu nhập bình quân 100.000 đồng/ngày.

Với ngành nghề đặc thù của địa phương, xã Tân Bình đang tận dụng lợi thế để cải thiện thu nhập người dân, nhất là đối tượng chưa có việc làm ổn định. Được chọn xây dựng xã NTM giai đoạn 2011- 2020, Ban chỉ đạo xây dựng NTM xã Tân Bình xác định tiêu chí thu nhập là đòn bẩy để hoàn thành các tiêu chí khác như hộ nghèo, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên và hơn hết là huy động tốt nguồn lực trong nhân dân hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông thôn.

Bà Lê Thị Dung, Chủ tịch UBND xã Tân Bình cho biết: “Cuối năm 2012, thu nhập bình quân đầu người của xã chỉ hơn 11,8 triệu đồng/năm, để đạt mức 29 triệu đồng/năm vào năm 2015 như chỉ tiêu, bên cạnh phát huy hiệu quả kinh tế của các mô hình sản xuất, chăn nuôi trên địa bàn xã thì chúng tôi cũng khuyến khích các doanh nghiệp xay xát, xuất khẩu lúa gạo mở rộng quy mô sản xuất để tạo việc làm cho lao động địa phương”.

Riêng tại xã Tân Phú những năm gần đây, nghề may túi xách gia công thu hút khá đông lao động, nhất là chị em phụ nữ. Ông Nguyễn Văn Nha, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phú cho biết: “Hiện trên địa bàn xã có 2 điểm may túi xách do hộ dân đứng ra tổ chức, giải quyết việc làm thường xuyên cho 500 lao động. Phát huy lợi thế, thời gian qua chúng tôi đã phối hợp mở lớp dạy nghề may công nghiệp cho chị em phụ nữ và tạo điều kiện để các điểm may túi xách hoạt động”.

Tại điểm may túi xách của anh Trần Văn Minh ở ấp Tân Hiệp có 50 lao động làm việc tại chỗ, mức lương từ 2,5 - 3 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, anh Minh còn cho 200 chị nhận hàng gia công tại nhà với điều kiện có tay nghề và trang bị máy may công nghiệp. Chị Trần Thị Chùm, một công nhân may túi xách tại cơ sở của anh Minh cho biết: “Công việc may túi xách phù hợp với lao động không có việc làm ổn định và ít đất sản xuất.

Riêng các chị nhận hàng gia công tại nhà có thể tranh thủ làm thêm khi xong việc đồng áng, việc nhà. Trước kia, hết mùa vụ tôi nhận hàng thủ công về đan nhưng tiền công không cao, hàng cũng không thường xuyên. Hiện nay mỗi tháng may túi xách, thu nhập cũng được khoảng 3 triệu đồng. Công việc ổn định nên cuộc sống đỡ vất vả hơn trước rất nhiều”.

Theo UBND xã Tân Phú, năm 2012 thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 14 triệu đồng/năm. Bằng cách phát huy lợi thế về sản xuất nông nghiệp và một số nghề thủ công, xã đang tiến đến hoàn thành tiêu chí thu nhập - một tiêu chí được đánh giá khó thực hiện của chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM.

Theo quyết định 342/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi một số tiêu chí của Bộ tiêu chí Quốc gia về NTM, năm 2012 xã đạt chuẩn NTM phải có thu nhập bình quân đầu người 20 triệu đồng/năm, đến năm 2015 đạt mức 29 triệu đồng/năm và đến năm 2020 đạt 49 triệu đồng/năm.

Năm 2012, qua khảo sát tại 25 xã xây dựng NTM của huyện Cai Lậy, chỉ có 3 xã đạt tiêu chí về thu nhập với mức 22 triệu đồng/năm. Lợi thế lớn nhất của huyện là sản xuất nông nghiệp nhưng diện tích sản xuất manh mún, dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi diễn biến phức tạp, giá cả nông sản không ổn định nên thu nhập của nông dân khá bấp bênh. Vì vậy, các nghề tiểu thủ công nghiệp, lao động thời vụ tạo thu nhập tăng thêm là giải pháp khả thi để các xã xây dựng NTM nâng cao thu nhập bình quân đầu người và tiến dần đến thực hiện đạt tiêu chí thứ 10 về thu nhập.

Tuy nhiên, để đạt tiêu chí về thu nhập, ngoài nỗ lực của chính quyền địa phương trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế, triển khai các dự án dạy nghề, tạo điều kiện về việc làm cho lao động tại chỗ thì người dân cũng cần ý thức tự tạo việc làm để có nguồn thu nhập ổn định. Có như vậy, việc xây dựng NTM có thể hoàn thành như mục tiêu đã đề ra.

TRƯỜNG GIANG

.
.
.