Thứ Hai, 27/05/2013, 05:47 (GMT+7)
.

Du lịch Tiền Giang - Cần có những đột phá mới

Nằm cách TP. Hồ Chí Minh khoảng 70 km, Tiền Giang là một trong những tỉnh ĐBSCL có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái nên lượng khách du lịch ngoại quốc đến đây là không ít. Tuy nhiên, lượng khách quay lại để tham quan lần sau lại không cao. Do đó, Tiền Giang vẫn cần có những đột phá mới để khai thác hết thế mạnh ngành công nghiệp "không khói".

1. Nói về quảng bá thương hiệu, du lịch Tiền Giang vẫn chưa có một thương hiệu để khách quốc tế biết đến qua Internet, cẩm nang du lịch hoặc những tờ bướm, tờ rơi. Trong khi đó, Thái Lan, Singapore, Malaysia... quảng bá về du lịch nước của họ rất nhiều. Trên trang web của mỗi quốc gia này đều nói nhiều đến du lịch, thậm chí có cả những tour, địa điểm tham quan. Thú vị hơn, bản đồ của nước này cùng những lời giới thiệu các danh lam thắng cảnh được in và phát miễn phí tại sân bay, siêu thị, nhà hàng...

Trong khi đó, thông tin về du lịch Tiền Giang chưa được tìm thấy trên mạng Internet, cho dù có vào trang web của một vài công ty du lịch lữ hành ở TP. Hồ Chí Minh. Chủ một cửa hiệu sách ở công viên Thủ Khoa Huân, cho biết: “Khách quốc tế thường tìm mua cẩm nang du lịch về Tiền Giang nhưng đâu có để bán”. Điều này cho thấy việc quảng bá về du lịch tỉnh nhà chưa được quan tâm đúng mức.

Du khách đi bằng đò chèo ở cù lao Thới Sơn.
Du khách đi bằng đò chèo ở cù lao Thới Sơn.

2. Nói về cơ sở vật chất, cảnh quan, Tiền Giang có nhiều di tích lịch sử như chùa Vĩnh Tràng (Mỹ Tho), chùa Sắc Tứ Linh thứu (Châu Thành), lăng mộ Hoàng gia (Gò Công), nhà cổ (Cái Bè)... Tuy nhiên, khách du lịch khi đến đây rồi thì cũng chỉ vào tham quan, chụp ảnh, nghe hướng dẫn viên giới thiệu là xong, ngoài ra không còn gì khác.

Nếu ở nước bạn, di tích lịch sử, văn hóa chỉ là điểm trọng tâm của một quần thể du lịch, nghĩa là xung quanh di tích sẽ có nhiều cửa hiệu bán hàng lưu niệm, trung tâm ăn uống, giải trí, siêu thị... Còn hầu hết ở các di tích lịch sử nằm trong tour du lịch ở tỉnh ta thì chưa được mở rộng, xây dựng như vậy nên không đáp ứng được nhu cầu của khách quốc tế đi du lịch là “đi, chơi, ăn và giải trí, nghỉ ngơi”.

Chẳng hạn khu du lịch biển Tân Thành (Gò Công) chỉ có một nhà hàng Hương Biển và một vài quán ăn của khu du lịch Hàng Dương nhưng cơ sở vật chất còn đơn sơ, đó là chưa kể đến thực đơn quá sơ sài với vài món ăn mà chỉ có thể hợp khẩu vị với khách nội địa. Với cơ sở hạ tầng như vậy và cảnh quan môi trường tại biển Tân Thành thì khó thu hút được khách nội địa chứ đừng nói đến khách quốc tế. Do đó, ngành du lịch Tiền Giang cần nhanh chóng quy hoạch du lịch một cách bài bản, quy hoạch cụ thể trước khi đi vào đầu tư.

* Nguyên Tổng cục trưởng Du lịch Võ Thị Thắng:  

Ở nước ta, việc quảng bá chưa đi đến đâu. Một nước nghèo như Cuba cũng có văn phòng du lịch ở nước ngoài để tìm kiếm cơ hội hợp tác,đầu tư. Nếu có sản phẩm đẹp mà không biết quảng bá thì khách cũng không biết mà đến.

Năm qua, mình làm quảng bá chuyên nghiệp, bài bản và quy mô hơn nhưng dẫu sao so với các nước trong khu vực thì chưa ăn thua gì. Tôi biết đất nước mình có nhiều lợi thế lắm, du lịch cũng là một lợi thế, không thể tiếp tục đầu tư cầm chừng như thời gian qua.

3. Cần phải có cách bố trí, sắp xếp lại các địa điểm du lịch để khai thác tốt tiềm năng của từng nơi, từng vùng vì hiện nay mô hình du lịch sinh thái của tỉnh nhà đang bị cạnh tranh bởi Bến Tre, Vĩnh Long, đặc biệt là sau khi cầu Rạch Miễu lưu thông.

Khách nước ngoài rất chuộng du lịch sinh thái nhưng không phải vì thế mà nơi nào cũng có tour tham quan vườn cây trái, ăn trái cây, nghe nhạc tài tử, tham quan lò cốm, kẹo, ăn trưa...Sau nhiều năm trở lại khu du lịch Thới Sơn, chúng tôi thấy mô hình ở đây cũng giống vậy, và lên Cái Bè đi du lịch thì cũng tương tự nhau (có khác là có tham quan nhà cổ).

Chính điều này đã làm cho du lịch Tiền Giang đã bị mất một lượng khách nội địa (cụ thể là người trong tỉnh) và khách du lịch nước ngoài đã một lần đến vì như nhiều người nhận xét “chẳng có gì mới!”

Anh Kiến Văn Thành, hướng dẫn viên công ty Du lịch lữ hành Hòa Bình, cho biết: “Phần lớn khách ngoại quốc sau khi đến Tiền Giang đều không có gì để lại ấn tượng nên họ ít chọn tour này.”

Xin nêu một ví dụ về cách tổ chức, khai thác để làm tour du lịch đa dạng ở nước bạn thu hút khách: Ở Thái Lan, loại hình nghệ thuật múa trống cổ truyền được tổ chức thành một màn diễn ngắn ở một trung tâm biểu diễn nằm trong khu du lịch; xiếc thú (chim) ở Singapore trong vườn chim; biểu diễn cá heo hồng tại Thủy cung... Nghệ thuật “móc tiền” của khách du lịch là các màn biểu diễn này đều có bán vé và lộ trình tour được bố trí theo kiểu “ép khách” thật khéo léo.

Du khách mua sắm tại một điểm du lịch sinh thái ở huyện Cái Bè.
Du khách mua sắm tại một điểm du lịch sinh thái ở huyện Cái Bè.

Thực ra, sẽ là phiến diện nếu đem so sánh cách làm du lịch của mình với các nước bạn vì điều kiện mỗi nước khác nhau. Tuy nhiên, một đảo quốc như Singapore với diện tích nhỏ hơn một tỉnh, thành ở ta nhưng vẫn trở thành trung tâm du lịch nổi tiếng mặc dù không có nhiều tiềm năng về phong cảnh, điều kiện sinh thái như ở ta. Thực sự, khi đến Singapore, du khách chỉ có thú vui lớn nhất là đi mua sắm, giải trí nhưng họ vẫn thích mặc dù giá cả đắt đỏ gần 10 lần ở tỉnh ta.

Tại sao, một điểm du lịch Genting của Malaysia nằm trên núi, cách xa thủ đô hàng trăm km nhưng khách vẫn thích đến? Trong khi, Tiền Giang nằm cách TP. Hồ Chí Minh khoảng 70 km nhưng khách quốc tế vẫn ít đến. Đó là điều đáng suy nghĩ! Do đó, du lịch Tiền Giang cần phải đa dạng hóa sản phẩm du lịch, làm tốt công tác quảng bá thương hiệu thì mới thu hút du khách; các tour cần phải được tổ chức tốt hơn mới có thể thu hút khách.

Vì vậy, thiết nghĩ để thực hiện các mục tiêu phát triển du lịch một cách bền vững cần phải thực hiện một số giải pháp cụ thể sau: Quy hoạch phát triển sản phẩm du lịch dựa trên lợi thế so sánh, tập trung đầu tư các dự án lớn phát triển sản phẩm đặc thù riêng biệt. Tăng cường hợp tác phát triển du lịch với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng ĐBSCL: hợp tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch; tăng cường công tác xúc tiến tuyên truyền, quảng bá du lịch Tiền Giang trong và ngoài nước dưới nhiều hình thức và ngôn ngữ khác nhau trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương, trung ương và nước ngoài.

Trong những năm qua, bên cạnh việc khai thác các tài nguyên thiên nhiên và văn hóa, ngành du lịch Tiền Giang đã tiếp tục đầu tư phát triển, mở rộng các khu du lịch: khu du lịch biển Tân Thành, khu du lịch cù lao Thới Sơn, khu du lịch Xẻo Mây - Cái Bè, cải tạo nâng cấp cơ sở lưu trú du lịch, phát triển phương tiện vận chuyển và phát triển nguồn nhân lực trong ngành, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch, đặc biệt là Dự án Bến tàu du lịch thành phố Mỹ Tho, và dự án cải thiện môi trường thành phố Mỹ Tho do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tài trợ trong chương trình phát triển du lịch tiểu vùng sông Mekong.

Dự án khi hoàn thành sẽ góp phần cải thiện kết cấu hạ tầng du lịch, tăng cường khai thác tiềm năng du lịch của địa phương, góp phần thu hút các nguồn lực khác tham gia đầu tư kinh doanh du lịch và tạo thêm công ăn việc làm cho người dân trong tỉnh...

NGUYỄN HỮU



 

.
.
.