Thứ Hai, 07/10/2013, 14:45 (GMT+7)
.

Công nghiệp góp phần thay đổi diện mạo Tân Phước

Hiện nay, Tân Phước không chỉ được biết đến với những sản phẩm nông nghiệp đặc thù mà đã trở thành vùng đất được quan tâm của các nhà đầu tư với các dự án công nghiệp (CN). Nhờ đó, ngành CN ngày càng đóng góp to lớn cho sự phát triển chung của huyện.

Cách đây 10 năm, huyện Tân Phước chỉ có 152 cơ sở sản xuất CN; trong đó có 1 đơn vị tập thể, 11 doanh nghiệp tư nhân, 137 cơ sở cá thể và 1 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Các cơ sở sản xuất phát triển ngành nghề đa dạng, phong phú, phục vụ nhu cầu cần thiết của địa phương như: Xay xát lương thực, cơ khí sửa chữa, đóng tủ bàn ghế…

Nếu tính giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) của năm 2003 chỉ đạt khoảng 5,3 tỷ đồng. Từ đó, lãnh đạo huyện đưa ra mục tiêu phát triển CN - TTCN cho chặng đường 10 năm tới (tức năm 2013) đạt giá trị sản xuất CN 12 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng bình quân hàng năm là 17%, hình thành 1 cụm công nghiệp (CCN) theo tuyến đường cao tốc tại xã Phước Lập, các tuyến CN Tân Hòa Tây, Phú Mỹ, ngã Năm Bắc Đông…

Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Minh Hưng Tiền Giang.
Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Minh Hưng Tiền Giang.

Có thể nói, hiện nay CN của huyện Tân Phước đã khoác lên mình một diện mạo mới, đã làm thay đổi bộ mặt vùng đất nhiễm phèn nặng và thuần nông nghiệp. Mặc dù thực hiện chủ trương phát triển CN trên địa bàn huyện gặp không ít khó khăn, cũng có những luồng dư luận trái chiều, nhưng trên bình diện chung CN đã tạo nên những “cú hích” quan trọng để khai phá vùng đất còn nhiều hoang hóa và tạo thêm nhiều việc làm cho người dân địa phương.

Việc định hình các khu công nghiệp (KCN) tầm cỡ đã vực dậy Tân Phước sau bao năm chống chọi với ngập lụt, nhiễm phèn. Dấu ấn đầu tiên của CN Tân Phước là hình thành được KCN Long Giang và đang dần phát huy hiệu quả.

Tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Tỉnh ủy gần đây, ông Weng Ming Zhao, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Phát triển KCN Long Giang, cho biết đến nay diện tích triển khai của KCN Long Giang hơn 200ha, đã có 16 doanh nghiệp đầu tư, với  tổng diện tích đã cho thuê 134 ha, với tổng vốn đầu tư đăng ký 662,9 triệu USD. Hiện đã có 8 doanh nghiệp chính thức hoạt động.

Sau khi 16 doanh nghiệp cùng hoạt động, giá trị sản xuất CN hàng năm của KCN đạt 2 tỷ USD, tạo việc làm cho 15.000 lao động. Nếu tính phần diện tích được tỉnh giao (406 ha), đến nay diện tích lấp đầy của KCN là trên 50%. Cũng chính hiệu quả mang lại từ các dự án trong KCN Long Giang đã góp phần rất lớn trong giá trị sản xuất CN của toàn tỉnh, đặc biệt góp phần làm cho kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh tăng nhanh chóng trong những năm gần đây.

Không những thế, một số dự án đầu tư sản xuất CN có quy mô lớn bên ngoài các KCN, CCN cũng được các nhà đầu tư thực hiện. Nhờ chính sách thu hút đầu tư của tỉnh, năm 2009 Tập đoàn Minh Hưng đã quyết định đầu tư vào xã Phước Lập. Với diện tích 52.000 m2, tháng 2-2009 Tập đoàn Minh Hưng khởi công xây dựng nhà máy thứ nhất (Công ty TNHH Minh Hưng Tiền Giang) và bước vào giai đoạn sản xuất thử nghiệm, với sản phẩm chính là mùng chống muỗi.

Với dây chuyền sản xuất khép kín để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh, cùng trên 580 máy may, công ty đã đạt năng lực sản xuất theo thiết kế 12 triệu sản phẩm mỗi năm; giải quyết việc làm cho 1.800 lao động trong và ngoài tỉnh. Gần đây, Tập đoàn Minh Hưng cũng đã xây dựng nhà máy thứ 2 (Công ty TNHH Công nghiệp Minh Hưng Tiền Giang), chuyên sản xuất bao bì cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước, dự án hoàn thành sử dụng thêm 1.500 lao động.

Mới đây, để giảm giá thành sản xuất, cũng như đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng, nhất là lĩnh vực xây dựng các công trình cao cấp, Công ty cổ phần Gạch ngói gốm xây dựng Mỹ Xuân quyết định đầu tư xây dựng nhà xưởng ở huyện Tân Phước, với tổng vốn đầu tư 120 tỷ đồng, công suất sản xuất 50 triệu sản phẩm/năm.

Hiện đơn vị này đã đầu tư hoàn tất giai đoạn 1 và chính thức đưa vào hoạt động. Ông Lưu Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐTV Công ty  Mỹ Xuân cho biết, hiện nay các tỉnh miền Tây đang thiếu các sản phẩm gạch ngói. Qua khảo sát thực địa, công ty nhận thấy Tiền Giang có một số vùng có lượng đất sét đủ điều kiện sản xuất CN, có chất lượng tốt nên công ty lập dự án đầu tư nhà máy sản xuất mang tính CN.

Hiện nay Công ty Mỹ Xuân đã đầu tư đến giai đoạn 2, với số vốn đã đầu tư 80 tỷ đồng. Nhà máy sản xuất gạch ngói cao cấp Mỹ Xuân tại Tân Phước được đầu tư trang thiết bị của CHLB Đức, hệ thống lò nung tuynel của châu Âu thuộc thế hệ tiên tiến nhất hiện nay.

Sản phẩm được công ty làm ra mang tính cao cấp gồm gạch xây tường, ngói lợp và ngói trang trí cung cấp cho các công trình, biệt thự, các khu du lịch. Mỗi tháng công ty sản xuất 3 triệu sản phẩm, với kế hoạch doanh thu năm 2013 khoảng 25 tỷ đồng. Năm nay công ty tiếp tục đầu tư thêm hệ thống sấy ngói và gạch, với vốn đầu tư thêm 2 tỷ đồng nhằm giảm giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Chưa dừng lại ở đó, trên địa bàn huyện Tân Phước hiện có chủ trương hình thành các KCN, CCN khác. Điểm nhấn là KCN Đông Nam Tân Phước, với quy mô tương đối lớn. Ông Nguyễn Văn Mẫn, Chủ tịch UBND huyện cho rằng, khó khăn lớn nhất của KCN Đông Nam Tân Phước hiện nay là tìm phương án thu hồi đất, giải phóng mặt bằng một cách tối ưu nhất, được người dân đồng tình để không mâu thuẫn giữa các dự án đã thực hiện trước và dự án sau.

Hiện tại tỉnh đã cho chủ trương thực hiện; các sở, ngành tỉnh đang phối hợp với huyện thực hiện các phương án giao đất cho nhà đầu tư. Khó khăn thứ hai là sự đồng bộ giữa cầu và đường để phục vụ phát triển CN, đó là đường tỉnh 867 và 865. Hiện tại, đường tỉnh 865 đang thực hiện, đường tỉnh 867 còn 3 cây cầu đang được Sở GT-VT tranh thủ vốn để nâng cấp.

Theo ông Nguyễn Văn Mẫn, huyện sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư như thực hiện quy hoạch sử dụng đất, thực hiện các chủ trương thu hút đầu tư một cách nhanh chóng, kịp thời…                   

THẾ ANH

.
.
.