Thứ Năm, 17/10/2013, 07:08 (GMT+7)
.

Giá lúa gạo biến động mạnh là do xuất khẩu tiểu ngạch

Đó là khẳng định của các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo trên địa bàn tỉnh xoay quanh câu chuyện giá lúa gạo tăng nhanh những ngày gần đây.

Trao đổi vào ngày 15-10, ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát nói rằng, giá gạo những ngày gần đây tăng thêm gần 500 đồng/kg, giá lúa cũng tăng khá cao.

Thực tế này bắt nguồn từ thực trạng xuất khẩu gạo tiểu ngạch gần đây tăng rất mạnh, với giá rất cao, chủ yếu là sang Trung Quốc, dẫn đến thị trường lúa gạo trong nước có biến động rất mạnh chứ không phải là yếu tố xuất khẩu có nhiều khả quan.

Còn theo thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), đến ngày 14-10, giá lúa khô tại kho khu vực ĐBSCL loại thường dao động từ 5.100 - 5.200 đồng/kg, lúa dài khoảng 5.300 - 5.400 đồng/kg.

Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện khoảng 6.800 - 6.900 đồng/kg tùy từng địa phương, gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 6.600 - 6.700 đồng/kg tùy chất lượng. Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn hiện khoảng 7.600 - 7.700 đồng/kg, gạo 15% tấm 7.250 - 7.350 đồng/kg và gạo 25% tấm khoảng 7.100 - 7.200 đồng/kg tùy chất lượng và địa phương.

Chuyển gạo nguyên liệu về nhà máy lau bóng xuất khẩu.
Chuyển gạo nguyên liệu về nhà máy lau bóng xuất khẩu.

Tuy nhiên, trên thị trường lúa gạo đang có nghịch lý là giá gạo nguyên liệu trong nước lại cao hơn giá xuất khẩu. Thị trường lúa gạo trong nước đang sôi động nhưng các DN xuất khẩu gạo lại gặp rất nhiều khó khăn.

“Các DN xuất khẩu gạo hiện tại đang gặp rất nhiều khó khăn. Sau 2 đợt thu mua tạm trữ vừa qua, giá xuất khẩu liên tục giảm ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu của các DN. Cái khó của DN xuất khẩu gạo năm nay còn do hợp đồng xuất khẩu tập trung ít, trong khi hợp đồng thương mại có giá rẻ” - Giám đốc một DN xuất khẩu gạo cho biết.

Các DN xuất khẩu gạo cho biết thêm, lượng gạo trong nước hiện tại không còn nhiều, trong khi gạo của vụ 3 có lượng xuất khẩu không lớn do chất lượng kém. Ở động thái khác, hiện tại Thái Lan đang xả hàng tồn kho nên cũng khó hy vọng giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng cao trong thời gian tới.

Trao đổi gần đây, ông Lê Thanh Khiêm, Phó Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang cũng có chung nhận định này. Ông Khiêm cho rằng, khả năng đến cuối năm 2013 tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn còn xấu do Thái Lan tăng lượng hàng bán ra, các nước lại trúng mùa nên khả năng giá  gạo xuất khẩu tăng cũng rất thấp. Hy vọng là đến những tháng đầu năm 2014 tình hình xuất khẩu gạo mới có khả quan.

Theo một thành viên VFA, trong khi giao dịch tiểu ngạch sôi động, tại cuộc họp sơ kết xuất khẩu gạo tháng 9 và triển khai kế hoạch tháng 10, VFA tiếp tục điều chỉnh dự báo xuất khẩu gạo năm 2013 chỉ còn 7 triệu tấn, giảm 200.000 tấn so với con số được công bố vào giữa tháng 9 và giảm đến 500.000 tấn so với dự kiến được đưa ra từ đầu năm 2013.

Nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này được VFA đưa ra là do số lượng gạo xuất khẩu thực tế gần đây có xu hướng giảm, đặc biệt là trong tháng 9 chỉ xuất được khoảng 526.000 tấn, giảm hơn 123.000 tấn so với kế hoạch dự kiến.

Tuy nhiên, các DN xuất khẩu vẫn đang kỳ vọng vào những hợp đồng mới vào cuối năm đối với một số thị trường truyền thống của hạt gạo Việt Nam như: Indonesia, Philippines, Trung Quốc… Từ đó, giá chào xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng được tăng lên từ 380 - 390 USD/tấn (gạo 5% tấm)…

KHÁNH LINH

.
.
.